Độc đáo kiến trúc làng Nôm

Thứ năm - 24/06/2021 16:24
111
Làng Nôm Hưng Yên - Có một miền quê bình yên và cổ kính đến thế 

Quan sát, tìm hiểu cho thấy, điểm khác biệt giữa làng Nôm cổ (nay là thôn Đại Đồng, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm) với một số làng cổ ở nước ta là: Diện tích đất ở của người dân làng Nôm chỉ có 15 ha với khoảng 700 nhân khẩu, song vùng đất cổ xưa này đang lưu giữ một quần thể kiến trúc đậm đặc, độc đáo, cổ kính, lâu đời vào bậc nhất, nhì vùng đồng bằng Bắc bộ. Trong đó, đình Tam Giang, chùa Nôm đã được công nhận là di tích cấp quốc gia từ năm 1994. Các công trình kiến trúc cổ khác như chợ Nôm, cầu đá, văn chỉ làng, giếng nước cổ, cổng làng, nhà cổ, lễ hội làng, hệ thống nhà thờ cổ của các dòng họ trong làng Nôm đều có tuổi đời hàng trăm năm trở lên, là “hồn quê” ngàn đời, xưa cũ của vùng đồng bằng Bắc bộ đang hiện hữu tại thôn Đại Đồng, mới đây được địa phương, ngành chức năng của tỉnh lập hồ sơ, đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia.

111
Vẻ đẹp hưng thịnh của làng Nôm
111
Cây cầu đá chín nhịp có niên đại 200 năm tuổi
Làng Nôm xưa kia là Trại Đồng Cầu, còn có tên gọi khác nữa đó là làng “buôn xứ Bắc”, bởi xa xưa, người dân làng Nôm có nghề buôn đồng nát, chuyên cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm của những làng nghề đúc đồng nổi tiếng như làng Lộng Thượng (Văn Lâm), làng Đại Bái (Bắc Ninh)... Câu ca “đồng nát thì về cầu Nôm, con gái nỏ mồm về ở với cha "bắt nguồn từ đây".

Ấn tượng đầu tiên khi đến làng Nôm cổ là chiếc cổng làng rêu phong, cổ kính. Các cụ cao niên trong làng cho biết, cổng làng có tuổi đời trên 100 năm. Cổng có 4 trụ vuông chắc chắn, hai bên cổng như cuốn thư cách điệu, với nhiều hoa văn, họa tiết tinh xảo. Người dân có thể tránh mưa, tránh nắng trong lòng chiếc cổng này. Trên cổng làng đắp 3 chữ nổi “Đồng cầu Nôm” như một niềm tự hào, nhắc nhở cháu, con về lịch sử hình thành của làng. Như thách thức thời gian, trải qua biết bao gió, mưa, bão, lũ, cổng làng Nôm vẫn vững chãi, uy nghiêm.

Bước qua cổng làng, vào đình Tam Giang rợp mát bóng đa cổ thụ nghiêng mình soi bóng bên hồ nước trong xanh, ngay lập tức ký ức về nét đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc bộ xưa kia lại ùa về, hiện hữu ngay trước mắt ta là “cây đa, bến nước, sân đình”. Đình Tam Giang được xây dựng cách đây khoảng 250 năm với lối kiến trúc “nội công, ngoại quốc” cổ truyền, các hạng mục gồm: Phía trước là 5 gian tiền tế, cột bằng đá, lợp ngói âm dương, tiếp đến là phương đình, phía trong là 3 gian hậu cung. Đình Tam Giang thờ Đức Thánh Tam Giang. Thánh Tam Giang là tướng quân của Hai Bà Trưng, đi đánh giặc khi về đến Trại Đồng Cầu, thấy phong cảnh đẹp nên đã dừng chân nghỉ tại đây. Một thời gian sau, Đức Thánh Tam Giang quay lại vùng đất này thu nạp quân Sĩ, luyện binh tại đây, góp phần cùng Hai Bà Trưng chống lại nhà Đông Hán, mang lại độc lập tự do cho dân tộc. Ghi nhớ công lao của Đức Thánh Tam Giang, người dân làng Nôm đã lập đền thờ ông tại làng. Thời gian đầu, nơi thờ Đức Thánh Tam Giang chỉ là ngôi miếu nhỏ, sau này, làm ăn khấm khá, người dân làng Nôm tập trung tiền của, công sức xây dựng thành đình Tam Giang. Vào các ngày, từ ngày 10 đến ngày 12 tháng giêng hàng năm, nhân dân làng Nôm trọng thể tổ chức hội làng nhằm tưởng nhớ vị Thành hoàng làng Đức Thánh Tam Giang. Trước ngày lễ hội diễn ra, dân làng tổ chức rước nước từ chùa Nôm về đình để bao sái nhà Thánh gọn gàng, sạch sẽ. Sang đến ngày 11 tháng Giêng, dân làng rước bát hương của Đức Thánh Tam Giang ra chùa để đón thân mẫu và phu nhân của ngài về đình cùng thụ hưởng bánh, xôi, oản, hoa quả là những lễ vật của dân làng cúng tế.

Sau hội làng, các dòng họ Phùng, Lê, Đỗ, Đào, Nguyễn.. ở làng Nôm tổ chức gặp mặt con, cháu, dâu, rể ngay tại nhà thờ của dòng họ mình.

Như đã nói ở trên, xưa kia, nhờ có nghề buôn bán đồng nát phát triển, nhiều gia đình ở làng Nôm trở lên giàu có họ bỏ tiền của, công sức để xây nhà thờ họ. Chính vì vậy, hiện nay, làng Nôm có một hệ thống gồm 9 nhà thờ họ được xây dựng xung quanh hồ nước rộng hơn 1ha giữa làng. Các nhà thờ họ này đều được xây dựng theo lối kiến trúc cổ của đồng bằng Bắc bộ, nhà rộng 5 gian, 3 gian giữa để thờ cúng, 2 gian bên để nghỉ ngơi, nhà lợp ngói ta, có cổng ra vào chắc chắn và đều có tuổi đời hàng trăm năm.
111
Những nét đẹp thời gian được tái hiện tại chợ Nôm
Ngay cạnh Đình Tam  Giang có một chiếc giếng cổ, hình tròn, được xây bằng đá xanh, cũng có tuổi đời ngang bằng tuổi đời của đình Tam Giang và cầu Nôm, nước giếng trong, mát được dân làng xem như “Mắt rồng”. Hiện làng Nôm vẫn còn nguyên vẹn 3 giếng nước như thế.

Cách cổng làng Nôm hơn 100 m có một cây cầu bắc qua sông Nguyệt Đức, nối làng Nôm với chùa, chợ Nôm. Điểm đặc biệt của cây cầu này là được làm hoàn toàn bằng đá. Cầu có 9 nhịp, các chân cầu là những cột đá, mặt cầu là 36 phiến đá xanh ghép lại bằng phẳng, được kê lên những thanh đỡ bằng đá nằm ngang. Hai đầu của mỗi thanh đỡ nhô ra là những đầu rồng bằng đá, được trạm khắc tinh xảo, người đi qua cầu như gặp cảnh rồng bay, phượng múa giữa cảnh sông nước hữu tình. Hai bên đầu cầu có bậc gạch để dân làng xuống sông giặt giũ, rửa chân tay mỗi khi đi làm đồng về. Có tuổi đời gần 300 năm song cầu đá làng Nôm vẫn còn khá vẹn nguyên.

Cách đầu cầu không xa là chùa Nôm, ngôi chùa cổ kính được xây dựng trong một rừng thông nên còn được gọi là Linh thông cổ tự. Chùa Nôm không chỉ có tuổi đời hàng trăm năm, nét độc đáo của ngôi chùa này là có tới 120 pho tượng bằng đất. Dù không ít lần bị ngập chìm trong các cơn đại hồng thủy, song các pho tượng bằng đất ấy giữ nguyên dáng vẻ ban đầu.

Góp phần hình thành nên quần thể di tích làng Nôm còn có Văn chỉ làng, các nhà cổ trong làng và chợ Nôm. Tuy không còn nguyên vẹn song chợ Nôm vẫn giữ được những nét cổ kính với những bức tường xây đã bong, tróc vôi vữa, để ra lớp gạch đỏ “trơ gan cùng tuế nguyệt”, chợ vẫn họp theo phiên, mỗi tháng 12 phiên vào các ngày 1, 4, 6, 9. Văn chỉ làng Nôm là nơi ghi danh những người trong làng hiếu học, đỗ đạt trong các kỳ thi, người có công với làng để giáo dục truyền thống của làng, động viên tinh thần học tập cho con cháu sau này. Hiện nay, làng Nôm còn giữ lại được nhiều nếp nhà cổ, điển hình như ngôi nhà của ông Phùng Văn Long được xây dựng từ năm 1825.

Có thể nói, quần thể kiến trúc kể trên đã hình thành ở làng Nôm không gian kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật cổ kính, lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt cổ, mang lại cảm giác thư thái, an bình cho du khách mỗi lần đến với làng Nôm. 

 
                                                                                       Bài, ảnh: Công Đản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây