Nhớ ngày Mĩ ném bom thành phố Hưng Yên (7/7/1972 – 7/7/2021): NHỮNG KỈ NIỆM BI TRÁNG HÀO HÙNG CỦA MỘT THỜI.

Thứ hai - 05/07/2021 10:36
Những ngày này, nhiều gia đình ở phường Lê Lợi, thành phố Hưng Yên thường chuẩn bị cho ngày giỗ trận – ngày 7/7/1972, tức ngày 27 tháng 5 âm, khi giặc Mỹ tàn bạo đã ném nhiều quả bom xuống các khu dân cư khu vực chợ Phố Hiến, đường Điện Biên 2 và đường Nguyễn Thiện Thuật. Bà Trần Thị Hường, 59 tuổi, ở số nhà 135A đường Bãi Sậy, nhớ lại: "Nhà tôi ở số nhà 188, Điện Biên 2, hôm đó là vào rạng sáng, khi có tiếng máy bay Mỹ gầm rú, nhiều người trong nhà xuống hầm kèo chữ A, rồi bom rơi cạnh hầm, tôi và bà ngoại nấp xuống hố may mắn thoát nạn, còn bà nội, bố đẻ , 4 anh trai và 1 chị gái, tổng cộng 7 người đã thiệt mạng. Bố tôi một tuần sau mới tìm thấy thi thể vì ông bị cây đè trùm lên”. Kể đến đây, bà khóc. Gia đình bà Hường là một trong những gia đình chịu mất mát nhiều nhất. Gia đình cụ bà Dư ở số nhà 85 đường Nguyễn Thiện Thuật cũng có 3 người chết gồm mẹ chồng, chồng và con gái. Hàng chục gia đình khác thuộc phường Lê Lợi đã có từ 1 đến 2 người thiệt mạng do vụ ném bom dã man của không quân Mỹ năm đó. Theo lịch sử Đảng bộ phường Lê Lợi, đã có 42 đồng bào ta bị giặc giết hại trong trận ném bom này và có 118 ngôi nhà bị phá hủy, nhiều nhà bị bốc cháy đỏ trời...
111
Ông Trịnh Ngọc Sâm, chuẩn bị ngày giỗ cha là liệt sĩ Trịnh Công Sản

Mỗi khi được hỏi, trong kí ức của cụ ông Nguyễn Ngọc Chính, 92 tuổi, nhà ở ngõ 26 đường Trần Quốc Toản, là Bí thư Chi bộ tiểu khu Trần Hưng Đạo lúc đó, thường hiện về những tháng ngày bi tráng mà hào hùng của quân dân thị xã khi đối mặt với máy bay Mỹ. Cụ kể: Quân và dân thị xã đã nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, đồng thời cũng kiên cường chiến đấu với máy bay địch. Tự vệ của các phân khu lúc đó đã kịp thời dùng súng bộ binh bắn trả máy bay Mỹ. Đã có 2 tự vệ lúc đó hy sinh là Trung đội trưởng dân quân Trịnh Công Sản và dân quân Nguyễn Văn Hộ. Các tiểu đội dân quân thuộc các phân khu Hoàng Hanh, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, vừa tranh thủ cứu chữa đồng bào bị thương, bị sập hầm, vừa tổ chức an táng cho đồng bào bị thiệt mạng, đồng thời vẫn bố trí trực chiến trên đê sông Hồng cũng như trong khu vực thị xã lúc đó.
111
Cụ ông Nguyễn Ngọc Chính và cụ bà tại nhà riêng
Cụ bà Vũ Thị Xa, 94 tuổi, trú tại số nhà 50A đường Nguyễn Thiện Thuật - nguyên là Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính Thị xã khi ấy nhắc tới nhiều tấm gương của cán bộ, đảng viên thị xã Hưng Hên ngày đó như Bí thư Thị ủy Nguyễn Văn Sinh, Chủ tịch Ủy ban hành chính thị xã Dương Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính Nguyễn Văn Hoạt... cùng nhiều cán bộ đảng viên đã kịp thời xuống cơ sở, chỉ đạo công tác cấp cứu, ổn định cuộc sống cho đồng bào, chỉ huy việc an táng cho tươm tất nhanh gọn. Theo  cụ Xa kể: Xưởng gỗ Thống Nhất do ông Nguyễn Văn Lan làm giám đốc và cửa hàng trưởng cửa hàng gỗ là ông Nguyễn Văn Huỳnh đã phối hợp rất khẩn trương để lo đủ 42 cỗ áo quan khâm liệm an táng những người gặp nạn. Cán bộ thị xã lúc đó như những con thoi, vừa trực tiếp đào hầm cứu nạn, lại thoắt đã có mặt tại nghĩa trang ông Thìn (Nghĩa trang nhân dân Minh Khai) để an táng đồng bào. Sự chia xẻ động viên kịp thời của quân dân thị xã  là  động lực to lớn để các gia đình chịu nhiều đau thương mất mát trong vụ ném bom năm 1972 đó vươn lên trong cuộc sống. Nhà cháy, người chết, khó khăn đau thương chồng chất, nhưng những gia đình gặp nạn ngày ấy nén chịu những mất mát xé lòng, vượt qua bom đạn để xây dựng lại cuộc sống.

Sau 49 năm, bộ mặt của những tiểu khu “Hoàng Hanh, Nguyễn Huệ...” tranh tre, nứa lá gian khó thời chống Mỹ đã được thay đổi với những đường phố to đẹp, nhà cửa cao tầng.
111
Cụ bà Vũ Thị Xa
Đau thương của ngày giỗ trận 27/5/1972 Âm lịch của đồng bào thành phố Hưng Yên đã lùi xa. Nhưng để lưu chứng tích của ngày bi tráng và hào hùng ấy, thì hiện nay, chưa có phương án thích hợp. Một số người dân đề xuất nên khôi phục lại tấm bia tưởng nhớ 42 đồng bào đã thiệt mạng đã từng được xây tại ngõ 178 Điện Biên 2. Đấy vừa là chứng tích chiến tranh ghi dấu quân dân  thành phố Hưng Yên từng đối mặt và chiến thắng. Trận ném bom vào rạng sáng ngày 7/7/1972 của không quân Mỹ, cùng với một số tội ác mà người Mỹ đã gây cho đồng bào Hưng Yên, chúng ta nhắc lại và có quyền yêu cầu người Mĩ phải bồi thường khi họ ném bom giết hại dân thường. Đấy là những việc làm tưởng nhớ tới đồng bào, chiến sỹ đã hi sinh.
                                  
 Công Đán

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây