Danh nhân Hoàng Hoa Thám

Thứ sáu - 21/05/2021 16:30
Khi còn nhỏ, tôi đã được bố kể cho nghe một vài giai thoại về “Hùm thiêng Yên Thế” - ông còn có tên gọi là Đề Thám hay Hoàng Hoa Thám. Lớn lên đi học, qua môn lịch sử, tôi được học bài “Cuộc khởi nghĩa Yên Thế” (1884 -1913) do lãnh tụ Hoàng Hoa Thám chỉ huy, chống lại ách xâm lược của thực dân Pháp. Mới đây, tôi về xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, biết đây chính là quê hương của cụ Đề Thám thì những ký ức về cuộc khởi nghĩa Yên Thế được học ngày nào lại ùa về, trỗi dậy trong tôi niềm tự hào, cảm phục tinh thần yêu nước nồng nàn của cụ Đề Thám và nghĩa quân Yên Thế.

Hoàng Hoa Thám, người họ Đoàn, có tên thật là Trương Văn Nghĩa, sinh năm 1845 tại thôn Dị Chế, xã Dị Chế (Tiên Lữ).

Ngay từ thủa chăn trâu, cắt cỏ, Hoàng Hoa Thám đã có tố chất của một thủ lĩnh, cụ tập hợp, giúp đỡ những bạn cùng chăn trâu, cắt cỏ với mình. Sau khi giặc Pháp xâm chiếm Bắc kỳ, Hoàng Hoa Thám tham gia quân khởi nghĩa dưới sự chỉ huy của Đề Nẫm chống thực dân Pháp xâm lược nước ta. Sau khi Đề Nẫm mất, từ năm 1887 đến năm 1913, Hoàng Hoa Thám là lãnh tụ của nghĩa quân Yên Thế. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, Hoàng Hoa Thám âm thầm chiêu mộ nghĩa quân, lập căn cứ chống pháp ở Phồn Xương, Yên Thế (Bắc Giang ). Thời gian này, dưới sự lãnh đạo của Hoàng Hoa Thám, phong trào khởi nghĩa Yên Thế phát triển mạnh, dần dần lan rộng ra các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên. Dựa vào địa hình hiểm trở của vùng rừng núi cùng với sự chỉ huy mưu mẹo, tài tình của Hoàng Hoa Thám, nghĩa quân Yên Thế đã gây cho giặc Pháp những tổn thất nặng nề, nhiều phen làm cho chúng phải bạt vía, kinh hồn. Ngày nay, câu ca “Đất này là đất cụ Đề. Tây lên thì có, Tây về thì không” (Cụ Đề chính là Hoàng Hoa Thám, Tây là giặc Pháp) vẫn được nhân dân lưu truyền, nhắc lại khi nói về cụ Hoàng Hoa Thám. Để đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế, quân Pháp đã 3 lần tấn công vào Hồ Chuối nơi đặt đại bản doanh của nghĩa quân song cả 3 lần chúng đều bị nghĩa quân Yên Thế của Hoàng Hoa Thám đánh bại. Có lần nghĩa quân Yên Thế còn bắt cóc được biên tập viên tờ Avenir du Tonkin buộc quân Pháp phải bỏ tiền chuộc về và rút quân khỏi Yên Thế để Hoàng Hoa Thám tự do kiểm soát 4 tổng là Nhã Nam, Mục Sơn, Yên Lễ, Hữu Thượng. Nhiều lần trực tiếp kéo quân đến đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế nhưng đều bị thất bại thảm hại, quân Pháp phải dùng đến kế hiểm hòng sát hại thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa, song âm mưu độc ác của kẻ thù vẫn bị thất bại trước tinh thần cảnh giác, mưu trí của Hoàng Hoa Thám. Lần ấy, Bá Phức, cha nuôi của cụ Hoàng Hoa Thám, đã ra hàng quân Pháp đến chơi với cụ Thám ở Hữu Nhuế. Khi Bá Phức ra về, Hoàng Hoa Thám để ý thấy dưới gầm giường nơi cụ nằm có một cái tráp. Biết là có người hại mình song cụ Thám vẫn để nguyên chiếc tráp ở đó. Cụ cho sơ tán người ra khỏi vùng nguy hiểm, rồi nghĩ ra mưu tương kế, tựu kế. Cụ bố trí, dặn dò nghĩa quân một mặt tổ chức lực lượng mai phục địch khi chúng kéo đến đại bản doanh của nghĩa quân. Một cánh quân khác chờ cho quả mìn trong tráp phát nổ thì lo tổ chức đám tang cho cụ. Sau khi mìn nổ được một thời gian, quân giặc cử lính đến doanh trại của nghĩa quân dò la tin tức. Dò la tin tức xong, tên lính quay về bẩm báo với quân Pháp rằng Hoàng Hoa Thám đã chết, người nhà than khóc, nghĩa quân đang chuẩn bị kèn, trống lo hậu sự. Quả nhiên, không lâu sau đã thấy giặc Pháp mang lính khổ xanh đến doanh trại hòng tiêu diệt quân khởi nghĩa. Chúng không ngờ bị lọt vào ổ phục kích của nghĩa quân Yên Thế, một số tên bị chết tại trận, một số bị thương, nghĩa quân thu được một số vũ khí của giặc khi chúng tháo chạy. Không chỉ lo sợ bởi nghĩa quân Yên Thế, binh lính khố xanh của giặc tại Bắc Ninh cũng nổi dậy, binh lính Pháp ở Hà Nội bị đầu độc hàng loạt khiến quân Pháp hoang mang, lo sợ hơn và cho rằng đều có sự tham gia của nghĩa quân Yên Thế. Vì thế chúng tìm mọi cách để dập tắt cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Đến năm 1913, Hoàng Hoa Thám hy sinh, cuộc khởi nghĩa Yên Thế tan rã.

Ghi nhận công lao người anh hùng dân tộc nhiều nơi trên đất nước ta lập đền thờ Hoàng Hoa Thám. Ở Hưng Yên, đền thờ Hoàng Hoa Thám được xây dựng trên chính quê hương của cụ tại thôn Dị Chế, xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ. Nhà tưởng niệm Hoàng Hoa Thám được xây dựng từ lâu, mới đây năm 2018 được tu tạo, nâng cấp khang trang thành Đền thờ Hoàng Hoa Thám trên diện tích rộng hàng nghìn m2. Ngày 14.2.2019, Đền thờ Hoàng Hoa Thám được khánh thành, đón Bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đền thờ Hoàng Hoa Thám có các hạng mục gồm ngôi đền chính, nhà trưng bày hiện vật, nhà sắp lễ và công trình phụ trợ như cổng, tường rào, cây xanh... Ngôi đền chính có kết cấu hình chữ đinh 5 gian và một hậu cung, phía trong có tượng Hoàng Hoa Thám, 3 gian chính giữa đặt bàn thờ, hai gian bên, một bên là giá chuông, một bên là giá trống. Xã Dị Chế thành lập Ban quản lý di tích, cử con cháu của cụ Hoàng Hoa Thám ra trông coi di tích. 

 
                                                                                               Công Đản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây