Văn Miếu Xích Đằng - Nơi hội tụ những yếu tố tinh hoa trí tuệ, học vấn
Thứ hai - 17/03/2025 15:05
Hưng Yên – một vùng quê “Hưng thịnh” và “Yên bình”, là quê hương của nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng. Người Hưng Yên luôn tự hào có di tích Văn Miếu Xích Đằng là nơi hội tụ những yếu tố tinh hoa trí tuệ, học vấn. Với gần 400 năm tồn tại, ghi danh 161 vị đỗ đại khoa của trấn Sơn Nam thượng, Văn miếu Xích Đằng đã trở thành biểu tượng cho nền văn hiến và tinh thần hiếu học của mảnh đất Phố Hiến khi xưa.
Nét rêu phong cổng Nghi môn
Theo bài văn khắc trên chuông thì từ năm 1804 Hưng Yên đã có Văn Miếu, nhưng phải đến năm Minh Mạng thứ 20 (1839) Văn Miếu Xích Đằng mới được trùng tu lại với quy mô to đẹp, bề thế như ngày nay. Còn người dân ở làng Xích Đằng cho rằng: Văn miếu được xây dựng trên một ngôi chùa cổ có tên Tứ Tuyệt Đường Tự, ngôi chùa được xây dựng bởi Thiền sư Minh Châu Thượng Hải và Tứ Nguyệt Đường tự cũng là một trung tâm văn hóa giáo dục, liên tục đào tạo những thế hệ Thiền sư danh tiếng, nhằm phục hưng dòng thiền Trúc Lâm. Hiện nay, bên trong khuôn viên Văn miếu vẫn còn lại ngôi tháp của Thiền tháp tăng Thông Viên-Hiển Mật (đệ tử của Thiền sư Minh Châu), ngôi tháp của Thiền sư Minh Châu Thượng Hải nằm gần đó, trong khuôn viên của nhà dân.
Ngôi tháp còn lại trong khuôn viên Văn Miếu Xích Đằng
Trải qua nhiều biến đổi, thăng trầm của lịch sử, Văn Miếu - Xích Đằng vẫn lưu giữ khá nguyên vẹn kiến trúc ban đầu gồm: tam quan, lầu chuông, lầu khánh, hai dãy tả vu, hữu vu. Từ ngoài đi vào là Tam quan (hay còn gọi là cổng Nghi môn) có gác lên lầu, có thể bao quát được phong cảnh một vùng của thành phố. Nghi môn văn miếu Xích Đằng là một trong những công trình còn giữ được những nét kiến trúc độc đáo trong các văn miếu còn lại ở Việt Nam. Được dựng theo lối kiến trúc chồng diêm, hai tầng tám mái có lầu gác. Hai bên Tam quan có hai bục loa, dùng để xướng danh sĩ tử và thông báo những quy định trong các kỳ thi hương.
Văn miếu Xích Đằng vẫn giữ được diện mạo và quy mô cơ bản từ lần trùng tu từ năm 1839.
Tiếp đến là khoảng sân rộng, xưa kia đã từng diễn ra các kỳ thi hương, chọn những người đỗ đạt để dự các kỳ thi Hội, thi Đình. Hai dãy nhà tả vu, hữu vu – trước đây là nơi để kiệu, mũ áo của các quan mỗi kỳ tế lễ, nay là phòng trưng bày những hình ảnh về nền giáo dục Hưng Yên xưa và nay. Khu thờ tự chính được xây dựng mang dáng dấp cung đình Huế bao gồm: Đại bái, Trung từ, Hậu cung.
Khác với Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), Văn miếu Mao Điền (Hải Dương)… Văn miếu Xích Đằng mới có lầu chuông và lầu khánh. Tiếng chuông và tiếng khánh vang lên chính là lúc báo hiệu giờ thi đã bắt đầu và kết thúc, đồng thời nó cũng là tiếng cầu thỉnh tỏ lòng biết ơn, tri ân với những bậc hiền nho trong mỗi dịp lễ hội. Hai chiếc chuông và khánh của văn miếu cũng là những di vật cổ được đúc và tạo dựng từ thế kỷ 18.Chuông đồng tại Văn miếu được đúc năm Gia Long thứ 3 (1804)Khánh cổ, được đúc vào năm 1803.
Nối tiếp là hai dãy tả vu và hữu vu hai bên, là nơi để quan đầu tỉnh sửa mũ áo trước khi vào tế lễ Đức thánh. Ngày nay hai dãy nhà này dùng để trưng bày những hình ảnh liên quan đến ngành giáo dục của tỉnh Hưng Yên xưa và nay.
Bia đá – nơi ghi danh các bậc hiền tài
Khu nội tự kết cấu theo kiểu chữ Tam: gồm Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Hệ thống mái được kết cấu theo kiểu “trùng thiềm địa ốc”. Mặt chính quay về hướng nam. Bên trong khu nội tự tỏa sáng với hệ thống các đại tự, cấu đối, cửa võng và một hệ thống các trụ, kèo được sơn son thếp vàng phủ kim hoàn toàn. Văn Miếu Xích Đằng là nơi tôn thờ Đức Thánh Khổng Tử – người sáng lập ra đạo Nho, cùng các học trò của Ngài: Mạnh Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Nhan Tử. Phối thờ trong gian chính là tượng thầy giáo Chu Văn An, nhà sư phạm tài năng đức độ thời Trần, được lịch sử tôn vinh là “ông tổ đạo Nho của nước Nam ta”.
Ban thờ đức thánh Khổng Tử (551-479 TCN) - người sáng lập ra Nho giáo và các chư hiền của Nho gia
Tên tuổi của các nhà khoa bảng được lưu danh trên 9 tấm bia đá dựng hai bên gian thờ chính và đó cũng là những hiện vật vô cùng quý giá mà Văn Miếu Xích Đằng còn giữ được: 8 tấm bia dựng vào năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) và 1 tấm bia dựng năm Bảo Đại thứ 18 (1943) ghi danh 161 vị đỗ đại khoa của trấn Sơn Nam xưa (tỉnh Hưng Yên có 138 vị). Các huyện có người đỗ đạt cao như Văn Giang, Văn Lâm, Ân Thi, Yên Mỹ, Kim Động… trong đó họ Dương ở Lạc Đạo – Văn Lâm có 9 vị; họ Hoàng ở Ân Thi 5 vị; họ Lê ở Yên Mỹ 6 vị. Bia tiến sỹ được dựng lên mang ý nghĩa tôn vinh những người đỗ đạt, thể hiện mong muốn tên tuổi các nhà khoa bảng trường tồn mãi mãi và mang lại niềm tự hào cho con cháu mỗi khi đến chiêm bái và tìm thấy tên vị tiến sỹ thuộc dòng họ mình. 9 tấm bia đá là những tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn thăng trầm của thời gian, được chạm khắc hoa văn phong phú, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Trong những người được vinh danh trên bia đá có Trạng nguyên Dương Phúc Tư (người Lạc Đạo – Văn Lâm); Trạng Nguyên Tống Trân (người An Cầu – Phù Cừ) là những người có học vị cao nhất. Chức vụ cao nhất được lưu danh là tiến sỹ Lê Như Hổ (huyện Tiên Lữ – đỗ năm 1541), giữ chức vụ Quận Công trong triều đình nhà Mạc; Nguyễn Trung Ngạn (Thổ Hoàng – Ân Thi) đỗ Hoàng Giáp năm 1304 khi mới 16 tuổi, là nhà chính trị, nhà ngoại giao kiệt xuất dưới triều đại nhà Trần…
Cửa chính điện là bàn thờ thầy giáo Chu Văn An (1292-1370) – nhà sư phạm tài năng đức độ thời Trần.
Năm 1992, Văn miếu Xích Đằng được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Những năm qua, Văn miếu Xích Đằng trở thành điểm tham quan thu hút đông đảo du khách khi về với Phố Hiến.
Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha ông, hằng năm tại Văn Miếu thường diễn ra các hoạt động về văn hoá, giáo dục rất sôi nổi đặc biệt là vào dịp đầu xuân như: tế lễ, hát ca trù, xin chữ cầu may,... với mong muốn đưa nơi đây trở thành trung tâm giáo dục truyền thống hiếu học, thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.