Những trận đánh quan trọng trong chiến dịch Hồ Chí Minh (26/4/1975 - 30/4/1975)
Thứ sáu - 11/04/2025 14:32
Chiến dịch Hồ Chí Minh là trận đánh quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, diễn ra từ ngày 26/4 đến 30/4/1975, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử với việc quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, buộc chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện.
Bối cảnh chiến dịch
Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch quân sự cuối cùng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và Chiến tranh Việt Nam, nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam khỏi sự cai trị của chính quyền Sài Gòn và Hoa Kỳ, thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” và thống nhất đất nước. Chiến dịch được đặt tên theo tên của lãnh tụ cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã qua đời năm 1969.
Trước Dinh Độc lập trong ngày vui đại thắng. Ảnh: TL
Chiến dịch Hồ Chí Minh là sự thay đổi căn bản về tương quan lực lượng giữa ta và địch sau Hiệp định Paris năm 1973:
- Chiến dịch được hình thành và triển khai trong bối cảnh lịch sử đặc biệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 1975.
- Sau khi ký Hiệp định Paris năm 1973, Mỹ rút đại bộ phận quân sự khỏi Việt Nam nhưng vẫn tiếp tế và hậu thuẫn cho chính quyền Sài Gòn.
- Chính quyền Sài Gòn phá hoại Hiệp định Paris và tiếp tục gây chiến tranh xâm lược.
- Trong khi đó, ở miền Bắc, ta đã bước đầu xây dựng được cơ sở vật chất cho XHCN và có tiềm lực kinh tế, chính trị vững mạnh để tiếp tế, cứu trợ cho miền Nam.
- Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã có những thắng lợi vang dội trên các chiến trường như Tây Nguyên, Huế-Đà Nẵng, Phước Long, Bình Long… - Tương quan lực lượng giữa ta và địch đã thay đổi căn bản có lợi cho ta.
- Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Tuy nhiên, khi thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì nhanh chóng giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975. Cuộc giải phóng diễn ra phải ít đổ máu, gây ít thiệt hại. Sau khi Quân Giải phóng giành chiến thắng tại Tây Nguyên, Huế và Đà Nẵng, chính quyền Sài Gòn rơi vào khủng hoảng. Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, mục tiêu đánh nhanh, thắng nhanh để giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Quân ta tổ chức tấn công từ 5 hướng, với hơn 250.000 quân, cùng xe tăng, pháo binh, phòng không và đặc công.
Những trận đánh quan trọng
Trận Xuân Lộc (9/4 - 21/4/1975) - “Cánh cửa thép” bị phá vỡ
Xuân Lộc là một thị xã của tỉnh Long Khánh (thành phố Long Khánh, Đồng Nai hiện nay), cách Sài Gòn khoảng 80 km về phía Đông, án ngữ các trục giao thông quan trọng, như Quốc lộ 1A vào Sài Gòn, Quốc lộ 20 nối Sài Gòn với Đà Lạt và Quốc lộ 15 nối Sài Gòn với Bà Rịa-Vũng Tàu. Xuân Lộc là tuyến phòng thủ trọng yếu phía đông Sài Gòn. Một trong những điểm mốc quan trọng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử của quân đội ta góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đó chính là chiến thắng Xuân Lộc, diễn ra từ ngày 9-21/4/1975.
Đập tan "Cánh cửa thép" Xuân Lộc, mở đường tiến vào Sài Gòn 50 năm trước
Ảnh: TL
5 giờ 40 phút ngày 9/4/1975, Quân đoàn 4 nổ súng tấn công Xuân Lộc. Trong ngày chiến đấu đầu tiên, quân ta đã chiếm được một phần hai thị xã, toàn bộ khu hành chính tiểu khu. Những ngày sau đó, chiến sự ở Xuân Lộc-Long Khánh diễn ra ngày càng thêm ác liệt. Trước tình hình khó khăn, ta đã nghiên cứu diễn biến trận đánh, quyết định tổ chức lại lực lượng, thay đổi cách đánh từ tiến công trực tiếp chuyển sang thế trận bao vây, cô lập nhằm làm suy yếu lực lượng địch trong thị xã; tiêu diệt các lực lượng tiếp viện của địch mới được điều đến còn đứng chân chưa vững ở vòng ngoài. Rạng sáng 15/4/1975, quân ta bắt đầu bắn phá sân bay Biên Hòa. Ở khu vực Xuân Lộc, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341 liên tục quần nhau với địch, đánh tan hai chiến đoàn còn lại (43 và 48) của Sư đoàn 18 và diệt một bộ phận quân dù.
Thấy không thể bảo vệ được Xuân Lộc, ngày 20/4, địch rút chạy, bị quân ta truy kích tiêu diệt. Ngày 21/4, thị xã Xuân Lộc và toàn bộ tỉnh Long Khánh được giải phóng. Sau 12 ngày chiến đấu ác liệt, ngày 21/4, Xuân Lộc thất thủ, mở đường tiến công trực tiếp vào Sài Gòn. Sau khi “cánh cửa thép” Xuân Lộc bị đập tan, một loạt sự kiện chính trị lớn trên chính trường Sài Gòn liên tiếp diễn ra. Ngay tối ngày Xuân Lộc được giải phóng, Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức Tổng thống Việt Nam cộng hòa, Trần Văn Hương lên thay trong bối cảnh khắp Sài Gòn đang ngày càng trở nên hoảng loạn bởi chiến dịch di tản của người Mỹ được xúc tiến với nhịp độ rất khẩn trương.
Chiến dịch Xuân Lộc được coi là một điển hình về nghệ thuật dùng mưu kế đánh địch trong kho tàng lịch sử quân sự Việt Nam hiện đại. Chiến thắng này đã tạo thế, tạo địa bàn không chỉ cho Quân đoàn 4 mà còn Quân đoàn 2 từ phía Bắc tiến vào, có chỗ đứng chân, làm bàn đạp để Trung ương, Bộ Chỉ huy miền tiến hành chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trận đánh chiếm cầu Vĩnh Bình và cầu Sông Bé (26/4/1975)
Cầu sông Bé - Minh chứng lịch sử hào cùng của dân tộc
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (26–30/4/1975), các cây cầu chiến lược như cầu Vĩnh Bình và cầu Sông Bé đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai lực lượng và bảo đảm hậu cần cho các mũi tiến công của Quân Giải phóng. Cầu Vĩnh Bình nằm trên Quốc lộ 13, đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương, gần thị trấn Lái Thiêu – một khu vực quan trọng trên hướng tiến công từ miền Đông Nam Bộ vào trung tâm Sài Gòn. Cầu Sông Bé nằm trên trục đường 14, gần khu vực Phước Long, nối liền với các vùng chiến lược ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Đây là nút giao thông trọng yếu nối Bình Dương với Sài Gòn. Nằm trên hướng tiến công của Quân đoàn 1 (mũi thọc sâu phía Đông Bắc). Việc kiểm soát cầu Vĩnh Bình và cầu sông Bé giúp Quân Giải phóng cắt đứt đường tiếp viện của quân đội Sài Gòn từ phía Bắc, đồng thời mở đường nhanh chóng tiến vào nội đô từ phía Đông. Và đêm 26/4, đặc công và bộ binh tấn công chiếm giữ, tạo hành lang an toàn cho xe tăng tiến vào.
Trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất (28 - 29/4/1975)
Phi đội Quyết Thắng và trận ném bom sân bay Tân Sơn Nhất
Ảnh: TL
Trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất (28–29/4/1975) là một trong những trận đánh quan trọng cuối cùng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần quyết định đến sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Việt Nam Cộng hòa vào ngày 30/4/1975. Sân bay Tân Sơn Nhất là căn cứ không quân lớn nhất của Việt Nam Cộng hòa và có ý nghĩa chiến lược đặc biệt, vừa là trung tâm hậu cần, vừa là nơi điều hành các hoạt động không quân. Tân Sơn Nhất là mục tiêu cần phải phòng vệ lẫn tấn công của cả hai bên chiến tuyến. Phi trường này thất thủ sẽ “chiếu tướng” Sài Gòn, chấm dứt ván cờ chiến sự tàn khốc 20 năm. Trong giai đoạn cuối của Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tiến hành bao vây và đánh chiếm nhiều cứ điểm quan trọng xung quanh Sài Gòn, trong đó có sân bay Tân Sơn Nhất. Ngày 28/4/1975, sân bay Tân Sơn Nhất bất ngờ rung chuyển bởi 18 quả bom từ 5 chiếc máy bay A-37 ném xuống. Sau “đòn sấm sét” bất ngờ ấy, 24 máy bay của địch đã bị phá hủy, hàng trăm sĩ quan và binh lính bị tiêu diệt, cầu hàng không di tản tê liệt, binh lính và chính quyền Sài Gòn càng thêm hoảng loạn và mau chóng tan rã, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng binh chủng của ta phát huy thế tiến công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh…Trận đánh của Phi đội Quyết thắng vào sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975 đã làm chấn động nước Mỹ, khiến quân đội Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn hoảng loạn. Với các thành viên của Phi đội Quyết thắng, được tham gia vào trận đánh "có một không hai" này là trách nhiệm, niềm tự hào và vinh quang của người lính. Sáng 29/4, xe tăng và bộ binh tổng tiến công, làm tê liệt toàn bộ hoạt động của quân đội Sài Gòn tại đây.
Trận đánh Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn (30/4/1975)
Trận đánh vào Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa ngày 30/4/1975 là một trong những trận đánh then chốt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, diễn ra trong những giờ phút cuối cùng trước khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ. Nằm ở số 63 đường Nguyễn Văn Thoại (nay là đường Lý Thường Kiệt), quận Tân Bình, Sài Gòn. Đây là đầu não chỉ huy toàn bộ hoạt động quân sự của quân lực Việt Nam Cộng hòa, nên là mục tiêu quan trọng cần đánh chiếm.
Sáng 30/4/1975, sau khi tiến vào nội đô từ hướng Tây Bắc, lực lượng của Quân đoàn 2 đã triển khai đội hình đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu. Các mũi xe tăng, bộ binh tiến công vũ bão, đánh chiếm từng vị trí phòng thủ. Có giao tranh, nhưng lực lượng quân lực Việt Nam Cộng hòa nhanh chóng rút lui hoặc đầu hàng. Đến khoảng trưa ngày 30/4, Sư đoàn 10 Quân Giải phóng đánh chiếm khu vực này, vô hiệu hóa toàn bộ lực lượng chỉ huy. Bộ Tổng Tham mưu hoàn toàn bị chiếm giữ.
Phút tắt thờ của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn và chính thể VNCH
Ảnh: TL
Việc đánh chiếm thành công Bộ Tổng Tham mưu đã tê liệt toàn bộ hệ thống chỉ huy quân sự của quân lực Việt Nam Cộng hòa, góp phần làm tan rã sức kháng cự còn lại. Cùng thời điểm này, Dinh Độc Lập bị chiếm, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, đánh dấu kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước.
Trận đánh Dinh Độc Lập – “Giờ phút quyết định” (30/4/1975)
Trận đánh Dinh Độc Lập – “Giờ phút quyết định” là đòn kết thúc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, diễn ra vào trưa ngày 30/4/1975, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và sự kết thúc của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.
Xe tăng của Quân giải phóng húc tung cổng chính Dinh Độc Lập - Ký ức hào hùng của dân tộc
Ảnh: TL
Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất), nằm giữa trung tâm Sài Gòn, là phủ Tổng thống của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Là biểu tượng quyền lực cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, nơi Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các đang trú ẩn và điều hành. Về Lực lượng tham gia tấn công, mũi tiến công chính là của Lữ đoàn xe tăng 203 và Trung đoàn 66 – Sư đoàn 304, thuộc Quân đoàn 2, do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy xe tăng số 390. Hỗ trợ là lực lượng đặc công, biệt động và bộ binh Quân Giải phóng đánh chiếm các mục tiêu phụ cận và dọn đường tiến vào trung tâm. Sáng 30/4, sau khi Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi “ngừng bắn, bàn giao chính quyền”, lực lượng Quân giải phóng vẫn tiếp tục áp sát các mục tiêu trọng yếu. Khoảng 10h45 – 11h trưa: Xe tăng 843 do trung úy Nguyễn Văn Tập chỉ huy húc đổ cánh cổng phụ của Dinh. Tiếp đó, xe tăng 390 do đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy, húc tung cổng chính Dinh Độc Lập, tiến thẳng vào sân. Sau khi khống chế các lực lượng bảo vệ, các chiến sĩ QGP tiến lên lầu bắt giữ toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn. Đại úy Bùi Quang Thận là người đã kéo cờ Giải phóng lên nóc Dinh lúc 11h30 trưa 30/4/1975. Cùng thời điểm đó, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Trận đánh Dinh Độc lập là khoảnh khắc biểu tượng cho chiến thắng lịch sử của dân tộc Việt Nam: Kết thúc 30 năm chiến tranh giành độc lập và thống nhất đất nước. Đưa đến sự kiện Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Là mốc son trong lịch sử Việt Nam hiện đại, được nhắc đến với tinh thần “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.