Đại lễ Phật Đản (hay còn gọi là Lễ Vesak) là một trong những ngày lễ trọng đại nhất của Phật giáo, diễn ra vào ngày Rằm tháng Tư âm lịch hằng năm. Đây là dịp để tưởng nhớ và tôn vinh ba sự kiện thiêng liêng trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni: Đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết Bàn.
Đại lễ Vesak – Tam kỳ đồng nhất khánh
Theo Phật giáo Bắc tông, các dấu mốc quan trọng trong cuộc đời Đức Phật diễn ra vào những thời điểm khác nhau: Ngài Đản sinh vào ngày 8/4, Thành đạo ngày 8/12 và Nhập Niết Bàn vào ngày 15/2 âm lịch. Tuy nhiên, theo truyền thống Phật giáo Nam tông, cả ba sự kiện này đều rơi vào ngày 15/4 âm lịch. Vì vậy, ngày này được gọi là “Tam kỳ đồng nhất khánh” – ngày hội tụ ba kỳ tích của Đức Phật.
Lễ Phật Đản còn được gọi là “Hoa lễ”, bởi tương truyền khi Đức Phật đản sinh, trời đất giao hòa, hoa thơm nở rộ, chư thiên rải hoa trời chúc mừng. Từ năm 1950, các quốc gia có đông đảo tín đồ Phật giáo đã thống nhất lấy ngày 15/4 âm lịch làm ngày Phật Đản toàn cầu. Năm 1999, Liên Hợp Quốc chính thức công nhận Đại lễ Vesak là lễ hội văn hóa tâm linh thế giới.
Ý nghĩa lễ tắm Phật – gột rửa thân tâm
Trong khuôn khổ Đại lễ, nghi lễ tắm Phật là hoạt động tôn giáo có ý nghĩa sâu sắc, thường được tổ chức từ mùng 8 đến Rằm tháng Tư. Nghi lễ này xuất phát từ truyền thuyết khi Đức Phật đản sinh, có Cửu Long phun nước nóng lạnh để tắm cho Ngài. Vì thế, tượng Phật sơ sinh thường được đặt trong chậu nước thơm, người tham dự sẽ dùng gáo múc nước dội nhẹ lên thân tượng.
Tắm Phật không chỉ là nghi thức tưởng niệm mà còn mang ý nghĩa thanh tẩy tâm hồn, rũ bỏ phiền não, sân hận để hướng về Chân – Thiện – Mỹ. Giáo lý nhà Phật nhấn mạnh, điều quan trọng không nằm ở hình thức nghi lễ mà ở lòng thành, sự tĩnh tâm và chí nguyện tu tập của mỗi người.
Những việc nên làm trong ngày Phật Đản
Ngày Phật Đản là dịp để mỗi Phật tử, người yêu mến đạo Phật thực hành những việc làm thiện lành, tích đức, nuôi dưỡng tâm từ bi hỷ xả:
Ngoài ra, mỗi người sau khi tham dự lễ nên tự soi lại thân – khẩu – ý của mình, giảm bớt ích kỷ, kiêu căng, đố kỵ, sống vị tha, hiền lành, chân thật hơn. Đó chính là tinh thần “tốt đời – đẹp đạo” mà Đức Phật đã truyền dạy cách đây hơn 25 thế kỷ.
Đại lễ Phật Đản không chỉ là dịp để tưởng nhớ ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh mà còn là cơ hội để mỗi người hướng thiện, làm điều lành, xây dựng một xã hội nhân ái, hòa bình và thấu hiểu. Giữa dòng đời vội vã, cầu mong mỗi chúng ta luôn giữ được tâm an, sống chậm lại để lắng nghe tiếng gọi của từ bi, trí tuệ trong chính mình.
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên