Bạn có biết hoàn cảnh ra đời của ca khúc “Tiến về Sài Gòn”
Thứ tư - 16/04/2025 11:33
Cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), khắp nơi trên cả nước lại vang lên giai điệu cực kỳ hào sảng: "Nơi thành đô trong ánh điện quang, tiếng nấc nghẹn câu cười/ Khu nhà tranh năm cánh ngoại ô rên xiết đêm ngày/ Quê nhà ta đau đớn lầm than sao bóp nghẹt tim người/ Sài Gòn ơi! Ta đã về đây, ta đã về đây!”... Nghe những lời hát trên, lại gắn với sự kiện long trời lở đất diễn ra vào ngày 30/4/1975, ai cũng nghĩ bài hát được tác giả viết ra ngay sau thời điểm lịch sử trọng đại ấy. Bản thân tôi cũng từng đinh ninh như vậy. Nhưng "Tiến về Sài Gòn" lại ra đời trước ngày toàn thắng tới 9 năm nhưng lại khiến người nghe cảm giác như lời ca cất lên từ chính giây phút lịch sử thiêng liêng của đất nước...
Ngay sau ngày Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập vào ngày 20/12/1960 – là kết quả của phong trào Đồng Khởi khi đó được đẩy lên rất cao mà tiêu biểu là ở tỉnh Bến Tre vào những năm 1959 -1960, tiếp theo thành công rực rỡ của bài “Giải phóng miền Nam” là bài hát chính thức của tổ chức này (“Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước/ Diệt đế quốc Mỹ phá tan bè lũ bán nước…”), nhạc sỹ có ý định viết tiếp một bài hát hướng đến ngày cụ thể là giải phóng Sài Gòn để cổ vũ, khích lệ quần chúng khắp miền Nam đứng lên lật đổ chính quyền của Mỹ - ngụy, giành độc lập tự do một cách triệt để. Nhưng những năm tháng này, ông bận quá nhiều công việc nên đã không thể dồn tâm trí để viết nên bài hát. Phải đến năm 1966, phong trào chống Mỹ cứu nước ở khắp hai miền Nam, Bắc mỗi lúc mỗi phát triển mạnh hơn, càng thôi thúc Lưu Hữu Phước. Sau một thời gian tìm tòi ý tứ, khai thác chất liệu âm nhạc, lựa chọn khúc thức rồi sửa chữa, tu chỉnh, cuối cùng “Tiến về Sài Gòn” ra đời. Một 1967 - trong lần ra Bắc công tác, Lưu Hữu Phước trao bài hát cho NSƯT Quang Hưng, là ca sỹ của Đoàn Văn công Quân giải phóng khi đó. Nhạc sĩ đã nhờ ca sỹ Quang Hưng thu âm bài hát này. Nhưng thu xong, không phát bài hát ngay như thông lệ mà để dành. Còn để dành đến bao giờ thì phụ thuộc vào diễn tiến công cuộc kháng chiến của chúng ta.NSƯT Quang Hưng - người đầu tiên hát bài "Tiến về Sài Gòn"Cố nhạc sỹ Lưu Hữu Phước
Mãi sau này, NSƯT Quang Hưng mới biết, đó là bài hát được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968. Bài hát được thu âm tại Đài Tiếng nói Việt Nam, một băng ghi âm giọng Bắc, còn một băng thu giọng Nam và được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước mang theo vào chiến trường. Có được hai băng bài hát trong tay, Lưu Hữu Phước cất rất cẩn thận bản tiếng Bắc. Bản còn lại - tiếng Nam Bộ - ông trở vào miền Nam trao cho người chịu trách nhiệm chỉ huy một tốp chiến sỹ có trách nhiệm tiến vào đánh chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn trong dịp quân ta nổi dậy, tổng tiến công vào mùa xuân Mậu Thân (1968). Nhưng trận đánh này cuối cùng không thành công.
Người dân Sài gòn hân hoan trong ngày vui đại thắng
Mùa xuân năm 1975, sức tấn công của chúng ta như vũ bão. Không gì có thể ngăn cản bước tiến thần tốc của những cánh quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Lưu Hữu Phước lại như lần trước - mùa xuân năm 1968 - trao băng thu âm bài hát còn lại (tiếng Bắc) cho người chỉ huy đội quân tiến vào Sài Gòn tiếp quản Đài phát thanh. Lần này, cuộc tổng tiến quân của ta đã thắng lợi mỹ mãn. Chế độ ngụy sụp đổ. Toàn miền Nam được giải phóng. Đất nước thống nhất, thu về một mối. Trưa 30/4/1975, khi các đoàn quân giải phóng ở khắp các ngả tiến về Sài Gòn, thì loa phát thanh của chính quyền Sài Gòn lần đầu tiên vang lên tiếng nhạc hùng tráng bài hát Tiến về Sài Gòn của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Ngay sau đó là lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh.
Tròn 5 thập kỷ đã qua, cứ đến ngày 30/4 là bài hát “Tiến về Sài Gòn” lại vang lên hào sảng, như lời kêu gọi: “Sài Gòn ơi! Ta đã về đây, ta đã về đây!”. Và tiếp đó là lời thúc giục: "Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù. Tiến về Sài Gòn giải phóng thành đô. Nước nhà còn chờ. Trận cuối là trận này…" vẫn hùng tráng và nối dài cảm xúc trong tâm hồn những người yêu nhạc và nhân dân cả nước.