Huyền thoại về ngôi làng trong lòng đất

Thứ ba - 29/04/2025 21:30
Trong rất nhiều căn cứ cách mạng trên “đất lửa” Quảng Trị thì hệ thống làng hầm địa đạo Vịnh Mốc là công trình tiêu biểu nhất cho ý chí quật cường, không chịu lùi bước trước kẻ thù xâm lược của cha ông.
1 3
Cổng vào ngôi làng trong lòng đất - Địa đạo Vịnh Mốc
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địa đạo Vịnh Mốc đã trở thành biểu tượng của ý chí, khát vọng thống nhất Tổ quốc. Công trình kỳ vĩ, với hệ thống làng hầm liên hoàn khép kín trong lòng đất lửa Quảng Trị thể hiện trí tuệ, nghị lực phi thường của quân và dân nơi lũy thép, quyết bám trụ chiến đấu bảo vệ quê hương và giữ thông mạch máu ra tiền tuyến.

Hiệp định Genevơ năm 1954, Quảng Trị bị chia cắt làm đôi bởi vĩ tuyến 17. Từ năm 1965, đế quốc Mỹ mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc Việt Nam bằng không lực, mảnh đất Vĩnh Linh phía bắc sông Bến Hải trở thành túi bom, tuyến lửa của cuộc chiến. Nửa triệu tấn bom đạn của đế quốc Mỹ trút xuống mảnh đất Vĩnh Linh – nơi đầu Vĩ tuyến 17 với ảo vọng đưa mảnh đất này “trở về thời kỳ đồ đá” thì con người và mảnh đất nơi đây càng bất khuất, kiên cường. Với ý chí tồn tại mãnh liệt và khát vọng chiến thắng, quân và dân Vĩnh Linh đã ẩn sâu vào lòng đất để sống và chiến đấu… tạo nên một kỳ tích về một ''lũy thép anh hùng''. Tại Vịnh Mốc chỉ có 82 nóc nhà nhưng phải hứng chịu lượng bom đạn rất lớn từ kẻ địch. Theo thống kê, từ năm 1966-1972, quân đội Mỹ đã trút xuống vùng đất này hơn 9.000 tấn bom đạn, tính trung bình mỗi người dân phải gánh chịu 7 tấn bom và 800 quả đại bác. Vào những năm 1965, trước sự tàn phá của không quân và pháo binh Mỹ, vùng quê Vịnh Mốc bị hủy diệt hoàn toàn. Với ý chí “một tấc không đi, một ly không rời. Mỗi làng, xã là một pháo đài”, quân và dân Vĩnh Linh đã âm thầm chuyển cuộc sống từ mặt đất xuống lòng đất.
3 3
Giao thông hào của địa đạo Vịnh Mốc
Một làng quê thu nhỏ được người dân Vịnh Mốc kiến tạo bằng cuốc xẻng thủ công và sức người ngay dưới lòng đất. Hệ thống Địa Đạo Vịnh Mốc được xây dựng trong khoảng 2 năm từ năm 1965 – 1967. Trong thời gian gần 2 năm, với 18.000 ngày công, quân và dân nơi đây đã vận chuyển khoảng 6.000m3 đất đá ra bên ngoài chỉ bằng sự tài tình, thông minh và đôi tay trần bằng những dụng cụ thô sơ nhất. Những chiếc cuốc, xẻng được chế tạo từ xác máy bay, những sọt đựng đất được làm từ tre… đã tạo nên một ngôi làng sâu trong lòng đất. Kiến trúc địa đạo Vịnh Mốc gồm 3 tầng, dài hơn 2.000m, có hệ thống 13 cửa ra vào với 7 cửa thông ra biển và 6 cửa đi lên đồi. Vịnh Mốc là địa đạo nổi bật nhất trong số 114 địa đạo của hệ thống làng hầm Vĩnh Linh.
4 1
Hội trường trong lòng địa đạo
Địa đạo Vịnh Mốc được xây dựng để người dân sinh sống và tránh bom đạn nên dù ẩn sâu dưới lòng đất nhưng đầy đủ các công trình: giếng nước, kho gạo, bếp Hoàng Cầm, trạm gác, trạm đặt máy điện thoại, phòng phẫu thuật, nhà hộ sinh, có hội trường dùng làm nơi hội họp, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim với sức chứa lên đến hơn 50 người… 
6
Dọc hai bên đường hầm được khoét lõm sâu thành từng ô nhỏ sâu 1,8m, rộng 0,8m, là những phòng dành cho hộ gia đình từ 3-4 người sinh hoạt
Dưới con đường hầm sâu hun hút, những căn hộ gia đình, nhà hộ sinh, nhà tắm, giếng nước, hội trường, hầm vũ khí… được xây dựng kỳ công, phục vụ cho cuộc sống người dân nơi đây trong chiến tranh. Gần 2000 ngày đêm tồn tại trong lòng địa đạo, không tổn thất một người nào với dân số 600 người và rất đặc biệt là đã có 17 em bé chào đời.

Đến năm 1972, người dân đã có thể bỏ sự tồn tại dưới lòng đất để xây dựng lại cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, không còn ngày đêm trong bóng tối, trong lo sợ những tiếng đạn pháo nổ. Ban ngày, người dân hoàn toàn sống dưới lòng đất, ban đêm khi yên bom đạn họ mới lên mặt đất trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt hải sản. Suốt 6 năm dài, người dân hoàn toàn sống trong bóng tối, ba mẹ phải ngủ ngồi nhường chỗ cho các con nằm. Chỉ khi cần thiết như hội họp, cấp cứu bệnh nhân, chăm sóc trẻ sơ sinh... mới thắp đèn bằng dầu hỏa, mỡ.

Đây cũng chính là căn cứ địa cách mạng chi viện cho chiến trường và đảo Cồn Cỏ. Trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại, có những lúc trong lòng địa đạo chứa khoảng 1.200 người. Dưới mưa bom bão đạn của chiến tranh ác liệt nhưng không một người dân nào bị chết tại địa đạo. Để bảo toàn tính mạng, bám đất, bám làng và bảo đảm các trạm giao liên tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Người dân Quảng Trị đã làm các hầm trú ẩn, tiêu biểu nhất là loại hầm chữ A. Các đường hầm chủ yếu được xây dựng để trú ẩn cho phần lớn dân cư làm việc trên đường tiếp vận từ các đảo Cồn Cỏ nằm ngoài khơi 28km.
2 3
Bức phù điêu nổi tiếng To be or not to be (Tồn tại hay không tồn tại) được trưng bày tại Bảo tàng địa đạo Vịnh Mốc
Địa đạo Vịnh Mốc là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, sáng tạo và ý chí kiên cường của nhân dân Vĩnh Linh nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Là một minh chứng sống động cho chiến tranh nhân dân và chiến lược chiến tranh du kích. Sự ra đời của địa đạo Vịnh Mốc đã góp phần giữ vững tuyến vận chuyển tiếp tế từ Bắc vào Nam qua tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.

Năm 1976, Bộ Văn hóa - thông tin (nay là Bộ VH-TTDL) đã đặc cách công nhận di tích địa đạo Vịnh Mốc là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Năm 2014, di tích địa đạo Vịnh Mốc tiếp tục được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Dù đã nghe nhiều về kỳ tích của địa đạo này, nhưng chỉ khi đến tận nơi tham quan, khám phá địa đạo, tôi mới hiểu được cuộc sống gian lao và lòng sắt đá trung kiên của quân và dân Vịnh Mốc trong những năm tháng kháng chiến chống quân xâm lược, giành độc lập tự do cho non sông đất nước. Trong hành trình du lịch tại Quảng Trị, về với Vịnh Mốc hôm nay, bạn có thể cảm nhận được hơi thở nóng của cuộc chiến năm xưa, qua đó thêm yêu mến quê hương Tổ quốc mình.
5
Ngày nay, địa đạo là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan mỗi năm.
Làng trong lòng đất – Địa đạo Vịnh Mốc là một trong những điểm đến hấp dẫn trong những ngày tháng Tư lịch sử này. Đến tham quan địa đạo, du khách được thả bước trên những con đường rợp mát bóng tre, những vườn cao su, hồ tiêu xanh mướt cùng mây trời, biển nước bao la... Du khách như được chứng kiến những biểu tượng của tinh thần đoàn kết, sáng tạo và ý chí kiên cường của nhân dân Vĩnh Linh nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Và địa đạo Vịnh Mốc chính là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của thế kỷ XX và là một trong những chiến thắng oanh liệt nhất của loài người trong cuộc đấu tranh vì sự sinh tồn.

NLBHY

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây