Hội thi thả chim bồ câu bay ở Mỹ Hào: Khúc hát thanh bình và khát vọng vươn cao

Thứ hai - 26/05/2025 16:42
1

Tháng Năm – mùa sen nở, mùa kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ – cũng là lúc thị xã Mỹ Hào (Hưng Yên) rộn ràng với Hội thi thả chim bồ câu bay, một hoạt động mang đậm hồn quê và trở thành “bản giao hưởng” sống động của lòng yêu nước, khát vọng đoàn kết và niềm đam mê văn hóa.

Trên bầu trời xanh thẳm, những đàn chim bồ câu tung cánh bay lên, chao liệng như vũ khúc của sự hòa hợp, gợi nhớ bao giá trị truyền thống và niềm tự hào của người dân vùng đất “mỹ tục khả phong,” “địa linh nhân kiệt” này.
 
2

Mỹ Hào – vùng đất giàu truyền thống văn hiến, nơi hội tụ những phong tục đặc sắc, đã nuôi dưỡng thú chơi nuôi thả chim bồ câu trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Từ lâu, hình ảnh những cánh chim bồ câu không chỉ gắn liền với vẻ đẹp thanh bình, yên ả của làng quê Bắc Bộ, mà còn mang đậm ý nghĩa lịch sử và khát vọng kết nối. Dân gian tin rằng, thả chim bồ câu bay không chỉ thể hiện sự thanh thoát, phóng khoáng của tâm hồn, mà còn mang ý nghĩa phóng sinh, cầu chúc cho cuộc sống an lành.

Tương truyền, từ thời nhà Lý, khi chiến tranh triền miên, một số làng xã ở đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Đường Hào (nay là thị xã Mỹ Hào) được vua giao trọng trách huấn luyện chim bồ câu trở thành “bưu tá triều đình”. Nhờ thân hình thon gọn, cánh to khỏe, đuôi xòe cụp linh hoạt và khả năng định hướng tuyệt vời, bồ câu đã giúp đưa thư mật từ biên ải về kinh đô, nối liền thông tin chiến sự, nối liền các cộng đồng cách xa nhau, trở thành “sứ giả hòa bình” của triều đình xưa. Hình ảnh những cánh chim kiên cường, lặng lẽ bay qua mưa tên loạn lạc đã in sâu vào tâm thức dân gian, nhắc đến loài “chim đưa thư” ấy, người dân luôn trân quý, coi đó là biểu tượng của gắn kết, của khát vọng hòa bình và đoàn tụ.

Khi loạn lạc kết thúc, người dân Mỹ Hào vẫn giữ lại tình yêu với loài chim biểu tượng ấy. Họ dày công huấn luyện, biến những cánh chim không còn mang thư, nhưng vẫn mang trong mình khát vọng vươn lên, phục vụ các hội thi và biểu diễn nghệ thuật. Từ đó, hội thi thả chim bồ câu bay đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc, được gìn giữ và truyền nối qua nhiều thế hệ.


Từ làng quê đến bầu trời cao – Khúc ca của đam mê và công phu
z6633789970384 2d7d874c9dff680ce113a19be37b39f3


Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 19/5, kỷ niệm sinh nhật Bác kính yêu, con đường xanh mát bóng cây và hồ nước soi bóng mây trời trong văn vắt bên ngoài khuôn viên trụ sở Thị ủy và trụ sở UBND thị xã Mỹ lại trở thành “sân khấu” của những màn trình diễn thả chim bồ câu bay kỳ công.

Hội thi thả chim bồ câu bay của thị xã Mỹ Hào năm nay thu hút hàng trăm nghệ nhân đến từ 15 câu lạc bộ chim bồ câu bay, với hơn 300 đàn chim đến từ các địa phương như: huyện Gia Lâm (TP. Hà Nội), thị xã Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh), huyện Bình Giang (tỉnh Hải Dương), huyện Văn Lâm và các xã, phường trên địa bàn thị xã Mỹ Hào. Mỗi lồng chim – tròn xoe, nhỏ xinh nhưng chứa đựng bao công sức và đam mê – được phủ vải màu điều hoặc xanh, xếp ngay ngắn chờ hiệu lệnh.
z6633790051694 615600abbc4ff5575b01bd8f4ab5a3ea

Hội thi năm nay, mỗi đàn chim gồm 8 con, các nghệ nhân lần lượt trình diễn những màn thả chim bay lượn nghệ thuật, tạo hình đẹp mắt, được Ban giám khảo đánh giá cao và khán giả cổ vũ nhiệt tình.

Theo hiệu lệnh của Ban giám khảo, từng đội thi lần lượt “đổ máng” – mở lồng thả đàn chim. Ban đầu còn lộn xộn, nhưng chỉ vài phút sau, 8 chú chim bồ câu vừa rồi còn nhộn nhạo, rục rịch không yên trong lồng, đã nhanh chóng quần tụ, “chằn chặn” như một khối thống nhất, bay xoáy trôn ốc, vòng lượn đều đặn, vút cao lên trời. Tiếng vỗ tay, tiếng reo hò vang lên không ngớt. Người già lặng im chiêm ngưỡng, trẻ nhỏ chạy lon ton theo những lồng chim, tất cả cùng say sưa trong không khí náo nức, đầy tự hào.

Nhưng đằng sau những màn trình diễn ấy là biết bao công phu, nhọc nhằn. Ông Nguyễn Văn A., ở thị xã Mỹ Hào, chia sẻ: “Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã theo ông nội với bố quẩy quang gánh mang lồng chim đi thi hội. Gần 30 năm nay, không nhớ nổi mình đã đạt bao nhiêu giải – từ hội làng, hội phường đến cấp tỉnh và tỉnh bạn nữa”.
 
z6633789865123 ba11047f3442bd3e5715e35595c0d94c

Theo ông A, để có được một đàn chim “đạt chuẩn,” người chơi phải mất ít nhất 3 tháng huấn luyện. “Nghề chơi cũng lắm công phu,” ông cười, “ghép đàn là khâu quan trọng nhất. Chim bố mẹ phải nhanh nhẹn, khỏe mạnh, không dị tật, nuôi hoàn toàn bằng thóc nếp. Chim đi thi có dáng nhỏ, ngực nở, mắt nhỏ, nách hẹp, khi cầm lên hai cánh chiến quắp, thậm chí siết chặt tay người cầm mới là con chim cao kiệt, bay giỏi.”

Ông Hà, ở Quế Võ, Bắc Ninh, người gắn bó với thú chơi này gần 30 năm, kể thêm: “Chim được tập bay quanh nóc nhà trước, rồi xua bay xa hơn tới các tầm hạ, tầm trung hay tầm thượng. Khi đi thi, đàn chim phải bay đều, không con nào thấp hay cao so với đàn, bay “chằn chặn”, quần tụ lên cao mới là “bén thượng”, đạt yêu cầu”. Ông cũng cho biết thêm, không chỉ mang lại niềm vui, thú chơi này còn có giá trị kinh tế nhất định. Một cặp chim thường chỉ có giá 200.000 đồng, nhưng những cặp chim đoạt giải có thể lên tới 3 triệu đồng, thậm chí có đôi được trả 30 triệu đồng. Dù vậy, hầu hết nghệ nhân không bán mà giữ lại như “bảo vật,” bởi “chim bồ câu là loài chim đại diện cho hòa bình, có mặt ở rất nhiều quốc gia, nhưng thú vui nuôi thả đàn, tổ chức hội thi thì chỉ có ở Việt Nam.

Sự quan tâm của lãnh đạo – Hiệu ứng lan tỏa cộng đồng và khát vọng vươn cao

Hội thi thả chim bồ câu bay ở Mỹ Hào không chỉ là cuộc vui của những người đam mê, mà còn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo địa phương. Thị ủy, UBND thị xã Mỹ Hào đã ban hành Kế hoạch số 131/KH-BTC ngày 9/5/2025, phân công cụ thể cho từng phòng, ban, ngành và các xã, phường, từ công tác thông tin, tuyên truyền, chuẩn bị địa điểm, đảm bảo an ninh trật tự, kinh phí tổ chức…
 
z6633789855642 e2277c9c25c5664262b8fd01c6751fe3

Trong suốt ngày hội, các đồng chí lãnh đạo Thị ủy, HĐND, UBND thị xã Mỹ Hào như đồng chí Trần Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy; đồng chí Đào Quang Minh, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy; đồng chí Lê Quang Hiến, Chủ tịch UBND thị xã… đã trực tiếp có mặt, động viên tinh thần nghệ nhân, khán giả. Sự hiện diện ấy không chỉ là lời động viên, mà còn thể hiện trách nhiệm trong việc xây dựng, phát triển văn hóa, khơi dậy niềm tự hào và đoàn kết cộng đồng.
z6633789981065 182157019fb3a3f41d2aa6438832c9f8

Bên cạnh hội thi, nhiều hoạt động văn hóa – thể thao sôi nổi khác cũng diễn ra: triển lãm “Hồ Chí Minh – Những nét phác họa chân dung,” chương trình hát quan họ, thi đấu bóng chuyền, kéo co… Tất cả hòa quyện, biến ngày hội thành không gian gắn kết cộng đồng, thắp lên niềm tự hào dân tộc.


Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao 01 giải Đặc biệt, 01 giải Đệ Nhất, 01 giải Đệ Nhị, 05 giải Đệ Tam, cùng giải thưởng đặc biệt cho nghệ nhân thả đàn chim thứ 135 – con số gắn liền với 135 năm ngày sinh Bác Hồ. Nhưng có lẽ, “giải thưởng” lớn nhất vẫn là niềm tự hào khi được gìn giữ, trao truyền một nét đẹp văn hóa – một “hồn quê” không phai mờ.
z6633789903875 7eae11c75ded0c86aa69b5e70c2109a7


Chia sẻ với quan khách và đông đảo nhân dân tại Hội thi, đồng chí Trần Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Mỹ Hào khẳng định: “Nuôi thả chim bồ câu bay không chỉ là thú chơi dân gian tao nhã mà còn là nét văn hóa của người dân Mỹ Hào. Thời gian tới, địa phương sẽ duy trì các cuộc thi, tăng hỗ trợ kinh phí cho người chơi, phát triển các câu lạc bộ nuôi thả chim bồ câu… để biến đây thành điểm nhấn văn hóa giữa lòng đô thị dịch vụ và thương mại.”


Ngày hội đã khép lại, nhưng dư âm vẫn còn mãi. Trong tiếng gù dịu dàng của bồ câu, người ta nghe được cả tiếng vọng của quá khứ, khát vọng của hiện tại và niềm tin vào tương lai. Những cánh chim vẫn sẽ còn bay mãi, mang theo niềm tự hào của người dân Mỹ Hào – một vùng đất “địa linh nhân kiệt,” của một khát vọng chinh phục những đỉnh cao đẹp đẽ.

NLBHY

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây