Trung Quốc cảnh báo thỏa thuận của Anh và Mỹ hỗ trợ Australia đóng tàu ngầm hạt nhân trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS) sẽ làm gia tăng nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhưng các chuyên gia cho rằng, mức độ rủi ro còn phụ thuộc vào cách thức triển khai các tàu ngầm này.
Australia có thể phát triển vũ khí hạt nhân?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng, thỏa thuận này sẽ “phá hoại nghiêm trọng hòa bình và ổn định của khu vực, thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang và làm suy yếu các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế".
Milton Leitenberg - nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và An ninh của Đại học Maryland (Mỹ) nhận định, khả năng thỏa thuận này trở thành bước đệm để phát triển vũ khí hạt nhân còn phụ thuộc vào cách thức Mỹ chuyển giao công nghệ hạt nhân cho Australia.
Nhiên liệu được sử dụng để cung cấp năng lực hạt nhân cho các lò phản ứng của tàu ngầm cũng có thể dùng vào việc phát triển vũ khí hạt nhân. Đây là một lỗ hổng trong các hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế mà nhiều quốc gia bị nghi ngờ đã lợi dụng trong thời gian qua. Nhưng chuyên gia Milton Leitenberg cho biết, ông không nghĩ chính phủ Australia đang cố gắng làm điều đó.
Là người có hơn 50 năm kinh nghiệm nghiên cứu về kiểm soát vũ khí, ông Leitenberg lưu ý: “Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào việc liệu có bất cứ điều khoản nào trong thỏa thuận cho phép Mỹ lấy lại những thanh nhiên liệu đã qua sử dụng và không còn hữu ích để cung cấp năng lượng cho tàu ngầm hay không”.
Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết: “Nhiên liệu cung cấp năng lượng cho các lò phản ứng của tàu ngầm hạt nhân mà Australia đang có ý định đóng sẽ là uranium được làm giàu cao (HEU)”.
Những thanh uranium được làm giàu trên 20% được gọi là HEU. Hiện nay, các lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm mà Mỹ và Anh đang sở hữu, sử dụng nhiên liệu được làm giàu ở mức 93 đến 97%. Trong khi đó, việc làm giàu uranium ở mức trên 90% được coi là ngưỡng tiêu chuẩn để chế tạo vũ khí hạt nhân. Theo quan chức nói trên, một loạt các quy định riêng biệt sẽ được áp dụng để điều chỉnh cách thức Australia sử dụng HEU.
Lỗ hổng của NPT
Là một bên tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào năm 1973, Australia bị cấm sản xuất hoặc mua vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Điều III của Hiệp ước có một kẽ hở đó là các lò phản ứng dành cho tàu thuyền của lực lượng hải quân được miễn trừ những quy định đảm bảo an toàn hạt nhân. Theo ông Leitenberg, kẽ hở này đã từng bị chính phủ Brazil lợi dụng vào những năm 1970 khi họ dùng HEU cho các lò phản ứng hạt nhân của tàu hải quân, nhưng rất có thể họ cũng tận dụng để theo đuổi việc phát triển vũ khí hạt nhân.
“Đây có thể không phải là mục tiêu của chính phủ Australia”, ông Leitenberg nhấn mạnh. Theo chuyên gia này, gửi HEU trở lại Mỹ sau khi tàu ngầm ngừng hoạt động sẽ là một cách đảm đảm bảo Australia không tái sử dụng nguyên liệu này để phát triển vũ khí hạt nhân.
Ông Zhao Tong, nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình Chính sách hạt nhân thuộc Quỹ Carnegie Endowment vì hòa bình quốc tế cho biết, các tàu ngầm chạy bằng uranium được làm với tỷ lệ giàu thấp cần phải tiếp nhiên liệu nhiều lần, trong khi các tàu ngầm chạy bằng nhiên liệu HEU thì không.
Theo ông Zhao Tong, AUKUS có thể cung cấp cơ chế mạnh mẽ để ngăn các nước khai thác lỗ hổng của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.
“Yếu tố quan trọng nhất là liệu Australia có thể làm việc cùng với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) để đề ra một loạt biện pháp an toàn nhằm giảm thiểu nguy cơ chuyển hướng sử dụng vật liệu hạt nhân và thiết lập một tiêu chuẩn vàng cho tất cả các quốc gia muốn phát triển tàu ngầm hạt nhân trong tương lai hay không”.
Hiệp định AUKUS sẽ giúp Australia trở thành quốc gia phi hạt nhân duy nhất sở hữu tàu ngầm hạt nhân, một ngoại lệ mà quan chức trong chính quyền Biden cho biết sẽ không cung cấp cho bất cứ đồng minh phi hạt nhân nào khác, trong đó có cả Hàn Quốc.
Lo ngại của Trung Quốc
Mặc dù Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân giữa Mỹ và Australia, nhưng Sarwar Kashmeri - chuyên gia khoa học chính trị tại Đại học Norwich ở Vermont cho rằng, các tàu ngầm hạt nhân của nước này sẽ không gây ra mối đe dọa đáng kể đối với sự ổn định của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
“Công nghệ hạt nhân dành cho tàu ngầm không phải là điều gì quá bí mật. Công nghệ này đã được sử dụng tại một số quốc gia khác chứ không chỉ riêng Mỹ và Anh. Ấn Độ đã chế tạo tàu ngầm hạt nhân cách đây vài tháng. Điều này gây lo ngại hơn vì khác với Australia, New Delhi không tham gia NPT”, Sarwar Kashmeri nhận định.
Còn theo nhà nghiên cứu Zhao Tong, một số nhà bình luận Trung Quốc đã nêu bật nguy cơ mà các tàu ngầm hạt nhân của Australia gây ra đối với khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc. Nhưng ông lưu ý, điều này chỉ xảy ra trong trường hợp xấu nhất.
“Về mặt lý thuyết, Australia có thể sử dụng những tàu ngầm này để ngăn tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Trung Quốc tiến vào Tây Thái Bình Dương, nơi Bắc Kinh có thể vươn tầm ngắm đến lục địa Mỹ. Nhưng trên thực tế, Australia muốn đẩy lùi những hành động gây hấn của Bắc Kinh và tàu ngầm hạt nhân có thể được sử dụng để ngăn tàu Trung Quốc đến gần lãnh hải của Australia, hoặc để theo dõi, giám sát. Tôi không nghĩ Australia muốn ngăn chặn khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc và cũng không cho rằng, thỏa thuận này là một mối đe dọa trực tiếp đối với nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ”./.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo SCMP
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên