Số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn dự kiến không đạt kế hoạch
Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) vừa đưa ra hai kịch bản cho công tác cổ phần hóa, thoái vốn năm 2021, đồng thời, dự báo thực tế sẽ nghiêng về kịch bản xấu hơn khi dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế. Theo đó, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp Trung ương nộp về ngân sách Nhà nước (NSNN) trong năm 2021 không đạt kế hoạch.
Cục Tài chính doanh nghiệp giả định 2 tình huống đối với năm 2021. Theo đó, tình huống thứ nhất, đến hết quý 3/2021, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát tại Việt Nam. Với tình huống này, trong giai đoạn đầu, do nới lỏng phong tỏa nên sẽ tập trung triển khai thoái vốn Nhà nước đối với các doanh nghiệp (DN) đã bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) tại một số doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán thực hiện theo hình thức khớp lệnh trực tiếp trên sàn giao dịch chứng khoán.
Tình huống giả định thứ 2 là dịch bệnh kéo dài đến hết năm 2021. Trong tình huống này, do phong tỏa, giãn cách tại một số địa phương lớn nên việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn không thực hiện được.
Căn cứ thực tế diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng, năm 2021 sẽ theo tình huống 2; theo đó, kế hoạch thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp Trung ương nộp về NSNN trong năm 2021 không đạt 40.000 tỷ đồng.
Đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, việc triển khai công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp trong năm 2021 là không khả thi. Nguyên nhân là do nhiều đơn vị vẫn chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước khi cổ phần hóa theo quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công; còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính phải xử lý.
Đồng thời, do tác động của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, lập phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định.
“Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ định giá, tư vấn cũng bị ảnh hưởng của dịch bệnh, giãn cách xã hội nên chưa thể triển khai thực hiện công tác thẩm định giá, xác định giá trị doanh nghiệp, phần vốn nhà nước theo quy định”, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết thêm.
Tăng cường quản trị và gắn trách nhiệm
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), không chỉ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn diễn ra rất chậm trong nhiều năm qua và chưa thực chất. Ông Cung cho rằng, để đẩy nhanh quá trình này cần phải buộc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoạt động theo cơ chế thị trường. Những doanh nghiệp thua lỗ phải phá sản. Nhà nước không thể tốn thêm nguồn lực để đổ vào những dự án kém hiệu quả. Việc dùng nguồn lực nhà nước hay bắt các doanh nghiệp khác cùng gánh vác doanh nghiệp yếu kém chỉ càng khiến doanh nghiệp yếu thêm.
Bên cạnh đó, công tác quản trị DNNN phải tuân theo chuẩn mực toàn cầu. Khi đó, thông tin được minh bạch và thị trường sẽ đánh giá. Nhà đầu tư cũng dễ dàng bỏ vốn vào doanh nghiệp hơn khi họ có thể hiểu doanh nghiệp. Còn nếu chỉ loay hoay thoái vốn, cổ phần hóa mà không thay đổi hai cái này thì nguy cơ bán rẻ rất lớn, mà bán đắt thì không ai mua bởi vì người ta không tin.
“Về phía nhà đầu tư, lợi nhuận bao giờ cũng là mục tiêu tìm kiếm của họ. Nhưng lợi nhuận đó phải có được trên cơ sở sự phát triển của doanh nghiệp, khi mang đến sản phẩm dịch vụ tốt cho người tiêu dùng. Nhà đầu tư sẽ mua cổ phần doanh nghiệp sẵn có trên thị trường và mở rộng thêm. Điều này có lợi cho họ khi không phải thành lập mới doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, Dự thảo Đề án cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 đã được Bộ Tài chính hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét, ban hành tới đây. Đề án này khi được thông qua và ban hành sẽ đưa ra một thông điệp rõ ràng là trách nhiệm chính thuộc về DN và cơ quan chủ sở hữu, từ đó, tạo cho họ áp lực và cả động lực.
“Áp lực là không thể đổ lỗi cho Chính phủ, cho cơ quan quản lý nhà nước chưa ban hành danh mục cụ thể. Chính phủ đã ban hành lộ trình 2021 - 2025 để thực hiện, nhưng làm chưa xong thì nay sẽ làm tiếp. Còn thời điểm, phương thức thế nào do DN và cơ quan chủ sở hữu chọn và quyết định cho phù hợp với hoạt động của DN. Đề án cũng gắn rõ trách nhiệm, đã đăng ký thì phải làm, không làm được phải chịu trách nhiệm, tránh việc không rõ trách nhiệm thuộc về ai như trước kia”, ông Đặng Quyết Tiến thông tin.
Theo đề án đã được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ, tới đây, sẽ xóa bỏ các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, bao cấp chính sách cho các DNNN. Đề án được kỳ vọng không chỉ thúc đẩy tiến trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước “ì ạch” suốt nhiều năm mà còn giúp tăng chất doanh nghiệp sau sắp xếp.../.
Theo Diệp Diệp/VOV.VN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên