Làng Hạnh Phúc, với 318 hộ dân, 1.237 nhân khẩu, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên (Yên Bái) vẫn đang chịu cảnh tối tăm vì không có điện...
Đã sang thế kỷ 21 được đúng 21 năm, xã hội đang tiến như vũ bão với công nghệ 4.0 rồi, nhưng ở tỉnh Yên Bái, nơi có nhà máy thủy điện Thác Bà, nhà máy thủy điện đầu tiên ở nước ta, vẫn còn hai ngôi làng đang chịu cảnh tối tăm với những ánh đèn dầu leo lét như những con đom đóm mỗi khi màn đêm buông xuống.
Đó là hai ngôi làng thuộc xã Tân Hợp, huyện Văn Yên.
Thật trớ trêu, một trong 2 làng đó lại có tên là làng Hạnh Phúc, với 318 hộ dân, 1.237 nhân khẩu, hầu hết là bà con dân tộc ít người và bà con phải chuyển đến do nhường đất cho lòng hồ thủy điện Thác Bà. Làng nữa là Làng Câu, cũng có số hộ và số nhân khẩu xấp xỉ với làng Hạnh Phúc.
Nhường đất đai, nhà cửa cho nhà máy thủy điện từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước, ngày đó chính sách đền bù chưa có, nên việc đền bù chỉ là tượng trưng, người dân chỉ ra đi với hai bàn tay trắng. Lẽ ra, bà con phải là những người được hưởng ánh sáng điện đầu tiên khi nhà máy vận hành. Thế nhưng gần 60 năm qua, người dân vẫn chưa biết đến ánh sáng điện.
Không có ánh sáng, nghĩa là không có tri thức (“Tri thức là ánh sáng, ánh sáng đi đến đâu, bóng tối lùi đến đấy- V.I Lê Nin”). Kênh phổ biến kiến thức, phổ biến những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước và giải trí là cái tivi hay mạng intenet. Không có điện, lấy gì xem ti vi và truy cập intenet?
Có thể nói, làng đang trở thành cái ốc đảo, bị cô lập hoàn toàn với xã hội bên ngoài. Không có điện, không dùng được điện thoại. Một vài người sắm được điện thoại thì mỗi khi hết pin, phải đi xa hàng chục km để sạc nhờ.
Không có điện, không phát triển được sản xuất. Đơn giản nhất là cái máy thái cỏ làm thức ăn cho bò hay thái chuối làm thức ăn cho heo, đều phải làm bằng tay, năng suất không cao. Hạt gạo hạt ngô đều phải gò lưng với cái cối xay, cối giã vì không thể dùng được máy xay, máy sát.
Không có điện, mỗi bữa cơm đều phải chúi đầu vào bếp, hí húi với củi, với rơm vì không thể sắm nồi cơm điện. Không có điện, dù nóng chẩy mỡ 38- 40 độ cũng chỉ biết phe phẩy cái quạt mo, thức ăn thiu thối cũng đành đổ đi vì không thể mua tủ lạnh…Tóm lại, không có điện, người dân hai làng Hạnh Phúc, Làng Câu như bị gạt hoàn toàn ra khỏi dòng chẩy của văn minh.
Hy sinh để nhường đất cho nhà máy thủy điện Thác Bà. Nhưng vì sao lại có chuyện thật 100% nhưng không ai có thể tin nổi: gần 60 năm qua hơn hai ngàn nhân khẩu của hai ngôi làng vẫn chìm trong bóng tối này? Theo lãnh đạo xã Tân Hợp, thì đã hơn một lần xã có văn bản gửi cấp trên, đề nghị xóa hai “điểm mù” về điện này. Nhưng vẫn chưa được đáp ứng.
Người làng Hạnh Phúc có câu: Có điện là có hạnh phúc. Nhưng câu hỏi: Bao giờ thì người dân làng Hạnh Phúc có được niềm hạnh phúc đơn giản đó, vẫn còn treo lơ lửng?
Theo nhà văn Vũ Hữu Sự/NNVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên