Phản ứng sau phát ngôn cứng rắn của ông Tập về Đài Loan

Thứ hai - 05/07/2021 14:11
111
Đài Loan mới đây quyết định mua tên lửa hành trình siêu thanh Patriot đời mới của Mỹ (nhận hàng từ năm 2025). Ảnh: Lockheed Martin.
Sau khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có những phát ngôn cứng rắn về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) hôm 1/7 nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, phía Đài Loan và Mỹ có những phản ứng đầu tiên.

Một trong những chủ điểm nổi bật trong bài phát biểu của ông Tập Cận Bình là vấn đề Đài Loan, Newsweek đưa tin. Ông đã dùng 6 câu để nêu rõ lập trường của Trung Quốc đại lục đối với Đài Loan, nhằm vào cả người nghe Trung Quốc và phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

“Sứ mệnh lịch sử”

“Giải quyết vấn đề Đài Loan và hiện thực hóa sự thống nhất hoàn toàn của Trung Quốc là một sứ mệnh lịch sử và là cam kết không thể lay chuyển của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đó cũng là nguyện vọng chung của tất cả những người con của đất nước Trung Hoa. Chúng ta sẽ duy trì nguyên tắc một Trung Quốc và Thỏa thuận năm 1992, và tiến tới thống nhất đất nước một cách hòa bình. Tất cả chúng ta, những người đồng hương ở cả hai bờ eo biển Đài Loan, phải đồng tâm hiệp lực và tiến về phía trước. Chúng ta phải hành động kiên quyết để đánh bại hoàn toàn mọi nỗ lực hướng tới “Đài Loan độc lập” và cùng nhau tạo ra một tương lai tươi sáng cho sự chấn hưng dân tộc. Không ai được đánh giá thấp quyết tâm, ý chí và khả năng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Trung Quốc”, Xinhua dẫn lời ông Tập phát biểu ngày 1/7 tại quảng trường Thiên An Môn.

111
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ kỷ niệm ngày 1/7 ở quảng trường Thiên An Môn. Ảnh: Xinhua.

Ngay sau đó, Hội đồng Các vấn đề đại lục của Đài Loan (Trung Quốc) nói rằng, Trung Quốc đại lục đã được một số bước phát triển về kinh tế, nhưng cũng có “những quyết định sai lầm mang tính lịch sử, liên tục có những hành động nguy hại khiến an ninh khu vực bị đe dọa nghiêm trọng”, Reuters đưa tin.

Hội đồng Các vấn đề đại lục của Đài Loan kêu gọi Bắc Kinh từ bỏ việc đe dọa quân sự và nói chuyện với Đài Bắc một cách bình đẳng. Đài Bắc luôn mong muốn duy trì hòa bình và ổn định hai bờ eo biển Đài Loan.

Tối 1/7, bà Kolas Yotaka, người phát ngôn của văn phòng lãnh đạo Đài Loan, cho rằng, Bắc Kinh không nên chọn vấn đề Đài Loan với những tuyên bố quá cứng rắn để làm quà sinh nhật lần thứ 100 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Taiwan News đưa tin.

Trong khi đó, trên Twitter, một số chính khách Mỹ như Thượng nghị sĩ Mỹ Mitt Romney, Thượng nghị sĩ Marco Rubio, Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo… kêu gọi Trung Quốc giải quyết các vấn đề liên quan dân chủ, nhân quyền.

Không loại trừ khả năng dùng vũ lực thu hồi Đài Loan

Lãnh đạo Trung Quốc các thời kỳ đều khẳng định kế hoạch theo đuổi thống nhất đất nước một cách hòa bình, nhưng cũng không loại trừ khả năng dùng sức mạnh quân sự để thu hồi Đài Loan (Trung Quốc).

111
Tên lửa hành trình siêu thanh “Đông Phong 17” mà báo chí Đài Loan đưa tin Bắc Kinh triển khai gần bờ biển, hướng về phía Đài Loan. Ảnh: EurAsian Times.

Trung Quốc dưới thời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, người được dự đoán tái đắc cử nhiệm kỳ 3 tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào năm sau, có thể có những quyết sách cứng rắn về vấn đề mà Bắc Kinh coi là “lợi ích cốt lõi” như Đài Loan, Biển Đông…, tiếp tục có các động thái kiểu “chiến lang”, nhưng thường lợi bất cập hại, Newsweek nhận định.

Thuật ngữ “chiến lang” hoặc “chiến binh sói” (tên một bộ phim hành động của Trung Quốc) được sử dụng để mô tả sự tự tin, đôi khi hung hăng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, chủ yếu do các nhà ngoại giao thúc đẩy khi đại dịch COVID-19 bùng phát lần đầu tiên.

Trong bài phát biểu hồi tháng 1/2019, ông Tập ca ngợi mô hình “một quốc gia, hai chế độ” được áp dụng ở Hong Kong, Macao và nói rằng, không nên tiếp tục sự chia rẽ hai bờ eo biển Đài Loan thêm một thế hệ nữa. Một năm sau đó, bà Thái Anh Văn, người có quan điểm cứng rắn về Trung Quốc đại lục, tái đắc cử lãnh đạo Đài Loan.

Bắc Kinh coi bà Thái và đảng Dân Tiến (DPP) của bà ủng hộ Đài Loan độc lập, nên từ năm 2020 gia tăng áp lực kinh tế, ngoại giao và quân sự lên Đài Bắc, Newsweek đưa tin.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích cho rằng, dù ông Tập có giọng điệu cứng rắn hơn về vấn đề Đài Loan, nhưng Bắc Kinh vẫn sẽ tập trung tìm cách ngăn Đài Loan độc lập, thay vì dùng vũ lực chiếm đóng hòn đảo này. Theo họ, điều này chắc chắn đúng trong ngắn hạn.

Việc Bắc Kinh gia tăng sức ép với Đài Loan ngày càng thu hút sự chú ý và cảm thông của nhiều đồng minh, đối tác của vùng lãnh thổ này như Mỹ, Nhật Bản…, đồng thời thu hút sự chú ý lớn hơn của truyền thông quốc tế. Vì thế, Bắc Kinh lại phải gia tăng đe dọa Đài Loan cùng đồng minh để thể hiện vị thế và quyết tâm của họ, các nhà phân tích nhận định.

Theo giới quan sát, Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Joe Biden, và Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng Yoshihide Suga thể hiện sự ủng hộ Đài Loan ở mức độ chưa từng có tiền lệ dù không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.

111
Bà Thái Anh Văn vẫy chào người ủng hộ bên ngoài trụ sở DPP – nơi bà được tuyên bố thắng cử bầu cử lãnh đạo Đài Loan hôm 11/1/2020. Ảnh: SOPA Images.

Hai thay đổi lớn

Nhà phân tích Kung Shan-son, công tác tại Viện Nghiện cứu An ninh-Quốc phòng ở Đài Bắc, cho rằng, những năm gần đây có hai thay đổi lớn khiến quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan lạnh nhạt, xa cách.

“Thứ nhất, người dân ở hai bờ eo biển có quan điểm ngày càng khác nhau về thống nhất đất nước. Chiến thắng của DPP năm 2016 thể hiện rằng, người dân Đài Loan không hài lòng với chính sách thân cận Trung Quốc đại lục của chính quyền Đài Loan khi Quốc dân đảng (KMT) cầm quyền. Thứ hai, cựu Tổng thống Trump khơi mào cuộc đương đầu mới giữa Mỹ và Trung Quốc và gia tăng ủng hộ Đài Loan. Điều này khiến Đài Loan có xu hướng ủng hộ Mỹ hơn là Trung Quốc, ông Kung nói.

Theo ông Kung, chính sách của Bắc Kinh đối với Đài Bắc sẽ tiếp tục cứng rắn; DPP và đảng đối lập chính KMT nên tiếp tục cố gắng và thuyết phục Trung Quốc đại lục đối thoại thực chất để “cùng tồn tại hòa bình”, không chọc giận lẫn nhau.

Dưới sức ép quân sự ngày càng tăng từ phía Bắc Kinh, Đài Bắc đã công khai thể hiện quyết tâm tự vệ. Đồng thời, âm thầm tiếp tục mua vũ khí phòng vệ và nghe theo lời khuyên chiến lược từ Washington, như cải tổ cấu trúc các lực lượng vũ trang, đặc biệt là quân dự bị.

Hồi tháng 3, lực lượng không quân Đài Loan tuyên bố quyết định mua phiên bản nâng cấp của tên lửa đất đối không Patriot của Mỹ để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ bên kia eo biển, Reuters đưa tin. Mấy tháng gần đây, nhiều máy bay chiến đấu của Trung Quốc đại lục bay vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan.

111
Các thành viên lực lượng không quân Đài Loan vận hành chiếc máy bay chiến đấu F-16V của Mỹ trong cuộc tập trận trên đảo hồi tháng 1. Ảnh: AP.
Ngoài việc củng cố quân sự ven biển, sử dụng chiến thuật “vùng xám”, gây cản trở về mặt chính trị và thực hiện chiến dịch thông tin nhằm vào Đài Loan, Trung Quốc đại lục vẫn chưa tìm ra biện pháp hiệu quả để kiểm soát Đài Loan hoặc để lấy được lòng tin của người dân trên đảo, giới quan sát nhận định. Phản ứng phổ biến nhất của Bắc Kinh vẫn chỉ là nhấn mạnh sự bất khả xâm phạm của Đài Loan như là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc cũng như tính tất yếu của việc thống nhất đất nước.

Theo Thái An/Tiền phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây