Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa ban hành thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT về quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sỹ (quy chế 2021).
Ngay lập tức, quy chế này đã bị rất nhiều ý kiến phản biện của giới khoa học.
Điểm gây nên sự phản biện nhiều nhất đối với quy chế 2021 là công bố quốc tế đối với nghiên cứu sinh. Nếu như thông tư số 08/2017-TT-BGDĐT về quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sỹ (quy chế 2017) yêu cầu nghiên cứu sinh bắt buộc phải công bố tối thiểu 2 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án trên tạp chí nước ngoài, trong đó có 1 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI hoặc Scopus. Bài báo ISI hoặc Scopus có thể được thay thế bằng 2 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo có phản biện hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.
Thì nay, theo quy chế 2021, quy định đó không còn cần thiết nữa, nghiên cứu sinh có thể công bố tối thiểu 2 bài báo trên tạp chí trong nước, bằng tiếng Việt.
Rất nhiều nghiên cứu sinh đang làm luận án tiến sỹ đã mở tiệc ăn mừng, vì cái “cửa ải” lớn nhất trong quá trình làm luận án đã được mở toang.
Để công bố được bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI hoặc Scopus, phải có hai điều kiện : thứ nhất là bài báo phải có hàm lượng khoa học rất cao, có thể nói đó chính là luận án tiến sỹ thu gọn. Và thứ hai, là phải có trình độ ngoại ngữ uyên thâm và kỹ năng sử dụng ngoại ngữ thành thục.
Với những nghiên cứu sinh chỉ có trình độ bập bẹ về ngoại ngữ kiểu “ăn không nên đọi, nói không nên lời” như nhận xét của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thì đó quả là đỉnh núi Hymalaya, chỉ biết chắp tay cúi đầu, đến mơ leo lên cũng chả dám.
Công bố các “bài báo khoa học” trên các tạp chí trong nước ư? Tuyệt vời!. Hiện nay bộ nào, ngành nào cũng có các tạp chí nghiên cứu chuyên sâu. Nhưng những bài đăng trong các tạp chí đó cũng chẳng hơn các bài đăng trên các tờ báo đại chúng bao nhiêu. Thậm chí chỉ cần biết cách nhờ vả là có người “viết hộ” ngay.
Với quy chế 2021 này, rồi đây chắc chắn sẽ có hàng loạt tiến sỹ “quốc nội” ồ ạt “ra lò”. Sẽ có những cơ quan được “phổ cập” tiến sỹ, chẳng khác gì việc phổ cập trình độ cấp hai, cấp ba vậy . Và cũng sẽ có hàng loạt tiến sỹ mù tịt về ngoại ngữ. Bởi cần gì thứ “ xa xỉ phẩm” đó. Chỉ cần có cái mác tiến sỹ để nhẩy vào làm công tác quản lý. Làm quản lý nhàn hơn giảng dạy rất nhiều mà lương lậu, “lộc lá” còn nhiều gấp không biết bao nhiêu lần giảng dạy.
Bằng quy chế 2021 này, Bộ GD-ĐT đã dội một gáo nước lạnh vào nhiệt huyết “học thật, thi thật, nhân tài thật” của Thủ tướng Chính phủ, vừa được nêu ra trước đó không lâu.
Theo Nhà văn Vũ Hữu Sự/NNVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên