Triều Tiên thiếu gần 1 triệu tấn lương thực, tháng sau sẽ kiệt quệ

Thứ ba - 20/07/2021 16:21
Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) cho biết, Triều Tiên đang thiếu hụt tới 860.000 tấn lương thực và dự báo sang tháng Tám tới quốc gia này sẽ cực kỳ căng thẳng.
111
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kiểm tra lúa bị thiệt hại do lũ lụt ở tỉnh Bắc Hwanghae hồi tháng 9/2020. Ảnh: KCNA

Nguyên nhân được cho là do hoạt động giao thương giữa Trung Quốc và Triều Tiên 6 tháng đầu năm nay bị gián đoạn vì đại dịch Covid-19 cùng với việc sản xuất nông nghiệp hạn hẹp trong nước đã gây ra tình trạng khủng hoảng thiếu lương thực tại quốc gia trên 25 triệu dân.

Số liệu mới nhất của hải quan Trung Quốc vừa công bố cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên đã giảm tới 85,2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 56,77 triệu USD, mức thấp nhất kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu công bố dữ liệu vào năm 2001.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 8,96 triệu USD hàng hóa từ Triều Tiên, giảm 67,3% so với cùng kỳ năm ngoái và đây cũng là mức thấp kỷ lục.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, sự sụt giảm mạnh trong giao thương Trung-Triều diễn ra sau khi Bình Nhưỡng siết chặt việc kiểm soát biên giới vào tháng trước, khi các biến thể coronavirus lây lan nhanh chóng tại nhiều quốc gia. Cùng thời điểm này, Triều Tiên cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực ngày càng tăng và những bất ổn kinh tế trong nước.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tháng trước cảnh báo rằng, ngành nông nghiệp đã không đạt được mục tiêu sản xuất lương thực vì thiệt hại do thiên tai hồi năm ngoái, khiến cho tình hình an ninh lương thực của nước này đang "trở nên căng thẳng", theo truyền thông nhà nước.

Triều Tiên vốn phụ thuộc nhiều vào hoạt động thương mại với Trung Quốc, đặc biệt là lương thực, cũng như phân bón và nhiên liệu. Tuy nhiên, chính quốc gia này là nước đầu tiên đóng cửa biên giới với Trung Quốc sau khi virus corona bùng phát lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc vào tháng Giêng năm 2020.

FAO dự báo rằng, Triều Tiên đang phải đối mặt với nạn thiếu hụt lương thực khoảng 860.000 tấn năm nay, và nước này có thể sẽ phải trải qua một "thời kỳ khắc nghiệt nhất" vào tháng Tám.

Trong diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Triều Tiên hôm thứ Hai (19/7) lên tiếng cáo buộc Mỹ sử dụng nguồn viện trợ nhân đạo như một “công cụ chính trị để can thiệp vào công việc nội bộ và mặc cả vấn đề nhân quyền”.

Kang Hyon-chol, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hiệp hội Xúc tiến Trao đổi Kinh tế và Công nghệ Quốc tế, đã dẫn chứng trong một bài báo đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định: “Trên thực tế, nhiều quốc gia đã phải nếm trải nhiều mùi vị cay đắng do đặt nhiều hy vọng vào 'viện trợ' và 'hỗ trợ nhân đạo' của Mỹ. Điều này tiết lộ một cách sinh động rằng, mục đích đăng sau của Mỹ trong việc liên kết 'hỗ trợ nhân đạo' với 'vấn đề nhân quyền'”.

Ông Kang cho biết, thế giới hiện đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19 và cáo buộc Mỹ đang cố gắng tận dụng “nỗi đau này cho các mục đích chính trị thâm độc".

Trước đó, một báo cáo cho biết Mỹ có thể cân nhắc chia sẻ vacxin Covid-19 với Triều Tiên nếu quốc gia này yêu cầu. Theo đó, Bình Nhưỡng dự kiến ​​sẽ nhận được khoảng 2 triệu liều vacxin thông qua Chương trình COVAX (cơ chế tiếp cận toàn cầu với vacxin ngừa Covid-19-sáng kiến hợp tác toàn cầu nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận nhanh chóng, công bằng và bình đẳng trên toàn thế giới).

Đến nay Triều Tiên vẫn tuyên bố, nước này chưa có trường hợp lây nhiễm virus corona.
 

Theo Hà Dương/NNVN
(SCMP; Yonhap)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây