Vài nghĩ suy vụn vặt nhân Đại hội thể thao Thế giới mùa hè tại Nhật Bản: MUỐN CÓ THỂ THAO PHẢI CÓ KINH TẾ, VÀ NGHỊ LỰC PHI THƯỜNG CỦA NGƯỜI NHẬT
Thứ sáu - 23/07/2021 17:30
Điều này không mới, nhưng cần nhắc lại để tránh sự sốt ruột thái quá và cũng để đừng quá tự ti buồn nản cho những ai quan tâm tới thể thao nước nhà. Trước các kỳ đại hội thể thao, câu hỏi được nêu ra là: Việt Nam ta được bao nhiêu huy chương? Hay bao giờ Việt Nam có đủ khả năng đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Châu Á? Khi nào Việt Nam đủ điều kiện đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao thế giới?
Trở lại với Đại hội thể thao mùa hè thế giới đang được diễn ra tại Nhật Bản kể từ ngày 21/7 đến 8/8/2021, mà tối nay mới khai mạc, nhưng đã có nhiều môn gay cấn căng thẳng tranh tài như bóng đá, đua thuyền, cho thấy trình độ tổ chức của nước chủ nhà Nhật Bản thật đáng ngưỡng mộ, khi mà cả thế giới, trong đó có những nước hùng mạnh như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức... đang phải vật vã chống dịch Covid-19, thì Nhật Bản vừa chống dịch vừa lo tổ chức ngày hội thể thao cho toàn thế giới. Thật là một nghị lực phi thường.
Trước đây hơn 7 năm, thành phố Tokyo của Nhật Bản đã vượt qua 2 thành phố của châu Âu là Madrit (Tây Ban Nha) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kì) trong một cuộc bỏ phiếu kín của Ủy ban Olympic Quốc tế để dành quyền đăng cai Thế vận hội mùa hè 2020. Những thông tin từ báo chí cho thấy, Nhật Bản đã chi 3,7 tỷ USD, tương đương 80 nghìn tỷ VNĐ để xây dựng cơ sở phục vụ cho ngày hội thể thao. Kì Đại hội thể thao lần này có số môn thi đấu nhiều nhất so với các kì trước, với hơn 1 vạn vận động viên của 206 quốc gia và vùng lãnh thổ thi đấu. Mỹ là nước có nhiều vận động viên tham gia nhất với 630 vận động viên, tiếp theo là đoàn chủ nhà Nhật Bản 552 vận động viên, tiếp theo là Australia (469 vận động viên), Đức( 425 vận động viên), Trung Quốc(414 vận động viên), Pháp (397 vận động viên), Ytaly (384 vận động viên), Anh (376 vận động viên). Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là đội có nhiều vận động viên nhất với 42 vận động viên, Malaysia 30 vận động viên, Indonesia 28 vận động viên, Singapo 22 vận động viên, Philipines 19 vận động viên, Việt Nam đứng thứ 6 với 18 vận động viên đủ trình độ tham dự thế vận hội.
Một điểm nhấn nữa là Nhật Bản tổ chức đại hội theo phương châm “Thế vận hội Xanh” nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Theo đó, năng lượng được dùng là năng lượng sạch từ điện gió, điện mặt trời và sẽ tái chế khoảng 70% lượng rác thải, trong đó có 1,8 vạn chiếc giường được làm bằng giấy dành cho các đoàn tham dự kể cả đại hội thể thao dành cho người khuyết tật sẽ được tổ chức tại Nhật Bản vào cuối tháng 8/2021, khoảng 5000 bộ huy chương đã được làm từ việc tái chế tivi, máy tính và điện thoại cũ...
Qua theo dõi tại nhiều kì thế vận hội, những nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Ytaly, Autralia... Hàn Quốc là những nước có nền kinh tế phát triển và có trình độ tổ chức xã hội cao thường dẫn đầu tổng bảng tổng sắp huy chương. Trung Quốc cũng nằm trong tốp các nước có nhiều huy chương nhưng thành tích đạt được thường dựa vào đông dân. Thế vận hội 2016 được tổ chức tại Brazil, đoàn Mỹ dẫn đầu với 121 huy chương, trong đó có 46 Huy chương vàng, xếp thứ 2 là đoàn Anh với 27 Huy chương vàng, xếp thứ 3 là Trung Quốc với 26 Huy chương vàng. Tại kỳ thế vận hội tại Brazil, Việt Nam có 23 vận động viên và xếp thứ hạng 48 thế giới khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh mang về cho nước nhà 1 Huy chương vàng và 1 Huy chương bạc. Đây là thắng lợi lịch sử của thể thao Việt Nam.
Tại kỳ thế vận hội lần này, Việt Nam ta cũng có hi vong tại một số môn như Bắn súng, Taekwondo, Cử tạ. Nhưng đây cũng là những mục tiêu vô cùng khó khăn khi thực lực của các vận động viên nước ta còn trồi sụt bấp bênh. Rõ ràng nền kinh tế và trình độ tổ chức xã hội của một quốc gia là những nhân tố quyết định cho một nền thể thao khi bước ra sân chơi châu lục và sân chơi thế giới. Thể thao nước nhà còn phải phấn đấu rất nhiều mới có thể tranh tài với thế giới.
Từ sân chơi thế giới nhìn về thể thao trong nước và thể thao tỉnh nhà, mới thấy thể thao của tỉnh ta tuy đã có cố gắng nhưng hiện tại thiếu môn thể thao mũi nhọn. Thể thao Hưng Yên đang có nguy cơ tụt hậu so với các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, trong khi tỉnh ta không thua kém các tỉnh bạn về kinh tế. Thể thao Hưng Yên sẽ phát triển ra sao đang là câu hỏi không chỉ dành cho đội ngũ làm thể thao, mà là câu hỏi dành cho các nhà lãnh đạo cũng như những người yêu thể thao Hưng Yên