Hằng ngày tôi luôn đọc tâm sự, ý kiến của các bác sĩ và cả những hình ảnh thực tế về dịch tại TP.HCM, trong các nhóm của mình.
Nhiều người cảm thấy lo lắng trước những ca bệnh nặng và cả những ca trở nặng mà vì nhiều lý do không kịp đưa đi bệnh viện. Số người bị nhiễm không ngừng gia tăng, song song đó số người bị nhiễm trở nặng cũng tăng theo. Thành phố đã có động thái chuyển hướng chống dịch từ tập trung giảm số ca nhiễm sang tập trung giảm thiệt hại, song còn rất nhiều việc phải làm.
Một trong các nội dung giảm thiệt hại là giảm số lượng các ca tử vong. Hiện nay các nguyên nhân gây tử vong đối với các ca bị nhiễm, ngoài vấn đề bệnh trở nặng đến mức y khoa không còn khả năng cứu sống, thì những nguyên nhân như không được cấp cứu kịp thời, thiếu trang thiết bị, thiếu oxy... cũng góp phần làm tăng tỉ lệ tử vong.
Ngoài ra, những yếu tố tinh thần như sợ hãi quá mức, cô đơn, cảm giác bị bỏ rơi... ở người bị nhiễm cũng góp phần làm gia tăng số lượng người bị nhiễm trở nặng. Do vậy, chúng ta cần tập trung vào những vấn đề này để giảm số người tử vong do đại dịch.
Đối với người bị nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, dù ở nhà hay trong các bệnh viện, họ đều ở trạng thái cách ly với mọi người. Việc này có thể tác động tiêu cực đến khả năng miễn dịch, chống chọi với virus.
Cần có sự quan tâm của y tế và gia đình. Về mặt y tế, các bác sĩ về hưu khá thích hợp cho việc tư vấn từ xa, thường xuyên giữ liên lạc về mặt y tế, tạo niềm tin cho người nhiễm. Thành phố cần kêu gọi và thiết lập các nhóm tư vấn này.
Ngoài ra, thành phố cần lập các đội phản ứng nhanh để có thể tiếp cận thật nhanh với người bị nhiễm khi họ trở nặng và đưa họ đến bệnh viện kịp thời. Việc được theo dõi y tế kịp thời sẽ tác động tích cực lên tâm lý người bị nhiễm và góp phần phát hiện sớm khi họ trở nặng.
Các thành viên gia đình cũng cần thường xuyên thăm hỏi, động viên. Nếu cần thiết có thể hướng dẫn cho các thành viên gia đình sử dụng đồ bảo hộ để tiếp cận trực tiếp với người bị nhiễm.
Nếu người bị nhiễm phải vào bệnh viện, bệnh viện cần phải duy trì mối liên hệ với gia đình họ để họ không có cảm giác bị bỏ rơi. Khi nhận được các chia sẻ, họ sẽ vững tin hơn, giảm bớt cảm giác sợ hãi. Tất cả những tác động tinh thần đó sẽ tạo phản ứng tích cực cho hệ miễn dịch.
Đồng thời với việc lập các đội phản ứng nhanh, tiếp cận kịp thời với các ca bị nhiễm trở nặng, cứu chữa tại chỗ và đưa họ đến bệnh viện kịp thời, việc giải phóng các bệnh viện điều trị COVID-19 là rất quan trọng.
TP.HCM cần để cho những người bị nhiễm không có triệu chứng và có triệu chứng nhẹ ở tại nhà, tránh quá tải cho bệnh viện, giữ giường trống để sẵn sàng tiếp nhận những người bị nhiễm ở nhà trở nặng, để kịp thời cứu chữa cho họ. Hiện nay, việc thiếu thốn trang thiết bị y tế cần thiết ở các bệnh viện điều trị COVID-19 là có thật.
Không những vậy, việc cung cấp đồ ăn, đồ uống cho cả thầy thuốc và người bệnh cũng có lúc không bảo đảm, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe của các thầy thuốc, vừa ảnh hưởng sức khỏe của bệnh nhân, tác động xấu đến chất lượng điều trị.
Mặc dù chính quyền đã cố gắng, nhưng việc đáp ứng các nhu cầu này rất cấp bách. Chính quyền cần công khai hơn nữa tình trạng này để các cá nhân, các tổ chức từ thiện... biết chỗ nào cần, để có thể tham gia cùng chính quyền, từ việc cung cấp đồ ăn, thức uống đến trang thiết bị bảo hộ và cả trang thiết bị y tế cao cấp như máy thở, máy theo dõi...
Ngoài ra cần phải hỗ trợ tối đa cho việc lưu thông để người dân có thể mang các vật dụng cứu trợ đến nơi cần thiết.
Ngay trong lúc đang viết bài này, tôi liên tục gọi điện để giúp một nhà hảo tâm tặng một số máy thở xâm nhập, mua từ nước ngoài, cho thành phố nhằm kịp thời cứu chữa cho bệnh nhân nặng. Tôi cho rằng nếu chính quyền phát động việc đóng góp này thì có thêm nhiều người dân tham gia cùng với chính quyền chống dịch, để chúng ta cùng nhau sớm vượt qua đại dịch.
Theo Bs Võ Xuân Sơn/Tuổi trẻ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên