Ứng xử với... tài năng?

Thứ ba - 03/08/2021 17:27

Tài năng không bỗng dưng ở lỗ nẻ chui lên.

Thiên tài càng không tự nhiên có, mà là tổng hợp của các yếu tố: địa linh, nguyên khí, thời đại, văn hóa dân tộc, gia đình, hoàn cảnh sống...

Tài năng bao giờ cũng hiếm, quý, nhưng không biết chăm sóc, đãi ngộ, ứng xử tốt với tài năng thì tài năng sẽ thui chột. Thiệt thòi đầu tiên thuộc về... đất nước, nhân dân.

* NGƯỜI TÀI BAO GIỜ CŨNG HIẾM.

Steve Jobs, đồng sáng lập viên, Chủ tịch cựu Tổng giám đốc điều hành hãng Apple, nói về tài năng: “Đây là những cái chốt tròn trong những cái lỗ vuông... những người có cách nhìn khác biệt... Bạn có thể trích dẫn họ, không tán đồng với họ, vinh danh họ hoặc lăng mạ họ, nhưng điều duy nhất bạn không thể làm là lờ họ đi bởi vì họ thay đổi nhiều điều... họ thúc đẩy nhân loại tiến lên phía trước, và trong khi một số người có thể thấy họ là điên rồ, chúng tôi thấy những thiên tài, bởi chỉ những người đủ điên rồ để nghĩ mình có thể thay đổi thế giới mới là những người thay đổi thế giới.”

Người ta hay nhầm lẫn người tài với người có kỹ năng kỹ xảo bậc cao. Chẳng hạn, một người thợ thủ công đục chạm đồ gỗ với các hình chim muông thú, hoa văn cách điệu đẹp thì cũng chỉ là nghệ nhân đến mức tinh xảo. Một chàng bắn cung bách phát bách trúng là cung thủ giỏi, thì cũng như anh bán dầu có thể rót dầu qua lỗ đồng xu đặt trên miệng chai, là anh thợ rót điêu luyện. Các cụ xưa bảo: “Trăm hay không bằng tay quen”. Chẳng qua, bắn cung giỏi, chạm khắc đẹp, rót dầu qua lỗ đồng xu, chỉ là có chút năng khiếu cộng với quen tay mà thôi.

Người tài có thể học vấn chuyên môn cao, cũng có thể không. Nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Chopin lần thứ X ở Warszawa, hoặc Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu đoạt Huy chương Fields là người có học vấn cao và cũng là nhân tài. Người học vấn cao chưa chắc đã là nhân tài. Nhân tài chưa hẳn học vấn đã cao. Nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa khi 8 tuổi học lớp 2 thì sao gọi là học vấn cao? Nhưng chú bé ấy lại viết ra những câu thơ tài hoa: “Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”, hoặc: “Mái gianh ơi hỡi mái gianh? Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương?”. Trần Đăng Khoa là nhân tài thơ, chứ không phải “Mình quen nghề mình, người quen nghề người”. Luyện tập làm thơ thành thói quen chỉ ra thứ thơ đọc được, in được chứ xuất thần thì lại là thiên phú.

Trên nhân tài là thiên tài, là xuất chúng, là tuấn kiệt. Số người này rất hiếm hoi. Nếu là thiên tài thì sản phẩm của họ còn có tính vạch thời đại của đất nước, của nhân loại. Thiên tài Albert Einstein với phát minh Thuyết tương đối là một ví dụ sinh động.

Nhân tài trong văn học - nghệ thuật là phải có tác phẩm lớn, đóng góp vào giá trị tinh thần của cộng đồng dân tộc. Chẳng hạn như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao là những nhân tài. Còn thiên tài phải kể đến các vị có tầm nhân loại như: Tolstoi với “Chiến tranh và hòa bình”, “Anna Karenina”; Victor Hugo với tiểu thuyết “Những người khốn khổ”, Cervantes với tiểu thuyết “Don Quixote”. Hay thiên tài âm nhạc Beethoven với kiệt tác âm nhạc: Giao hưởng số 6 cung Fa trưởng (Đồng quê); các bản sonata Bi tráng, Ánh trăng... Hoặc danh họa Vincent Van Gogh với bức tranh đầy số phận nổi tiếng... “Hoa diên vĩ”; và danh họa Pablo Picasso đồng sáng lập trường phái lập thể, tác giả của họa phẩm Guernica lừng danh. Các nhà chính trị kiệt xuất như George Washington, Abraham Lincoln và Franklin D. Roosevelt, hay Mahatma Gandhi người Ấn Độ,… là những thiên tài.

Người tài ở lĩnh vực chính trị phải là người đề xuất ra chính sách mới, có tác động ảnh hưởng lớn, tích cực đến tự do, dân chủ, hoặc thay đổi đời sống vật chất và tinh thần cộng đồng và dân tộc. Nhà chính trị Kim Ngọc “cha đẻ của khoán hộ”, “cha đẻ của đổi mới trong nông nghiệp”, là một ví dụ sinh động của nhân tài, đi trước thời đại. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, viết Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thì rõ là thiên tài chính trị, quân sự, văn hóa. Nhân tài thời nào cũng hiếm, còn thiên tài, tuấn kiệt, xuất chúng... càng hiếm hơn. Cụ Nguyễn Trãi viết: “Tuấn kiệt như sao buổi sớm/ Nhân tài như lá mùa thu”(Bình Ngô đại cáo). Sao buổi sớm bao giờ cũng hiếm hoi; mùa thu là mùa lá rụng, lá trên cành cũng ít. Nhưng, Nguyễn Trãi cũng viết “song hào kiệt thời nào cũng có”. Người hào kiệt là “người có tài năng và chí khí hơn hẳn người bình thường.” Sự thật là thiên tài, tuấn kiệt, hào kiệt dù hiếm, nhưng thời nào cũng có, và nhân tài tuy ít nhưng không phải tuyệt diệt. Chỉ có điều là chính quyền các cấp có muốn trọng dụng họ, sử dụng họ như thế nào mà thôi. Người tài mà không có đất dụng võ thì tài cũng vô ích.

* CÓ THỰC MỚI VỰC ĐƯỢC ĐẠO.

Nhìn ra tài năng đã khó, chăm sóc, đãi ngộ, ứng xử để tài năng phát triển, cống hiến cho cộng đồng, dân tộc không phải địa phương nào, quốc gia nào cũng làm được. Cắt nghĩa thế nào khi nhiều tài năng của Liên Xô, Trung Quốc và các nước thế giới thứ ba, thậm chí một số nước tư bản phát triển ở lục địa châu Âu già nua, phải chạy sang miền đất mới - nước Mỹ - mới được “hành nghề” và đoạt Giải thưởng Nobel mà không mang quốc tịch nơi mình đã sinh ra?

Chúng ta nghĩ thế nào với những con số sau đây: mức tiền thưởng cho các tác giả được tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ, Giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật năm 2019 là 253,3 triệu đồng. Một đêm hát của bé Phương Mỹ Chi có thể tới 50 triệu đồng, Đàm Vĩnh Hưng có thể vọt ngưỡng 400 triệu đồng trong một show hát đám cưới. Còn Bằng Kiều, “trong lần về nước biểu diễn vào năm 2013, anh nhận cát-xê đạt ngưỡng một tỷ đồng cho 2 đêm nhạc tại Hà Nội và Quảng Ninh”; đêm nhạc Người tình in concert tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, “cát-xê của Bằng Kiều cũng là 18.000 USD (gần 400 triệu đồng)”. Tôi đã có lần ngậm ngùi khi đồng nghiệp nói: cái Giải thưởng Hội Nhà Văn của cậu tưởng là to, nhưng vẫn không bằng mấy nàng mới hôm qua còn vô danh tiểu tốt, đến hôm nay trật vai hở ngực biến thành hot girl ngoáy mông, lắc eo một giờ trong sàn khuya.

Ngậm ngùi, song lại nghĩ: cái gì tồn tại đều có lý của nó. Chúng ta không thể so sánh phần thưởng 500 triệu đồng hay 1 tỷ đồng của cô hoa hậu trong một cuộc thi sắc đẹp với tác giả duy nhất mỗi năm được Giải thưởng Goncourt là giải thưởng văn học danh giá nhất nước Pháp, nhưng chỉ có 10 euro; hoặc Giải thưởng Văn học của Hội nhà văn năm 1993 trao cho Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh (đến nay đã dịch ra gần 20 thứ tiếng) trị giá 2 triệu đồng, sau 20 năm dù Giải thưởng Hội đã tăng lên 20 triệu đồng... Cũng không nên so sánh với Giải thưởng cầu thủ xuất sắc trong một đêm đá tưng bừng của đội tuyển bóng đá U19 Việt Nam nhận hàng trăm triệu đồng tiền giải thưởng và thưởng. Vì mọi sự so sánh đều là khập khễnh. Nhan sắc trong “đấu trường sắc đẹp” có giá của nhan sắc, giọng hát có giá của giọng hát và có giá với một bộ phận công chúng. Cầu thủ xuất sắc trong bóng đá có giá trị của cầu thủ và được một bộ phận yêu trái bóng lăn trên sân cỏ tôn vinh. Vẫn biết, giải thưởng là của nhà nước, của tổ chức phi chính phủ, của hội đoàn và cả của cá nhân, không có chung cái chuẩn phần thưởng vật chất. Vẫn biết giải thưởng, dù là quốc gia hay quốc tế thì sự tôn vinh công trạng, danh hiệu mới là cơ bản, còn việc diễn viên nhận thù lao đêm biểu diễn, hay hát đám cưới như Quang Lê với 400 triệu đồng, hay một đại gia mua bản quyền bài thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan năm 2004 trị giá 100 triệu đồng lại là tình cảm và sự thỏa thuận cá nhân “thuận mua vừa bán” theo quy luật điều tiết của nền kinh tế thị trường..., vận hành theo “đường ray” riêng.

Lord Byron, nhà thơ lãng mạn Anh nói rằng: “Người nhất nhất công bằng thật tàn nhẫn. Có ai sống trên thế gian này mà lúc nào cũng được phán xét công bằng?” Mọi sự đều là tương đối, và công bằng cũng chỉ là mục tiêu phấn đấu của một xã hội đang phát triển. Nhưng đã là người có lương tâm yêu quý, trân trọng tài năng, không thể không xót xa, nghĩ ngợi khi một nhà văn cống hiến cả đời, một nhà khoa học vắt kiệt sức mình cho khoa học công nghệ, và tác phẩm - công trình của họ có đóng góp thực sự lớn lao với xã hội, dù được tôn vinh, nhưng giá trị vật chất còn rất khiêm tốn.

Nhà nước ta đã 5 lần tôn vinh, trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và 4 lần trao Giải thưởng Nhà nước về Khoa học - công nghệ và Văn học Nghệ thuật. Năm 2012, Giải thưởng Nhà nước có số tiền 120 triệu đồng, rất khiêm tốn chỉ bằng giá 1 xe máy SH125 Italya. Giáo sư Ngô Bảo Châu, nếu về Việt Nam công tác nhận lương khởi điểm 6 triệu đồng/1 tháng. Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn về nước giảng dạy thì sẽ ra sao, để tài năng của ông không bị lãng phí? Tôi cứ nghĩ: Nhà nước và nhân dân ta không nghèo và cũng không tiếc đến mức chi tiêu tằn tiện cho các hoạt động tôn vinh, đãi ngộ tài năng. Chỉ cần thu hồi tiền thất thoát của một vụ tham nhũng lớn, chẳng hạn như PU18, hoặc Vinashin, hoặc Vinaline, hay bớt làm ẩu 1 km đường cao tốc... thì tha hồ mà làm phần thưởng khuyến khích tài năng sáng tạo. Rõ ràng chính sách ứng xử tài năng đã bất cập, không theo kịp hiện thực yêu cầu của cuộc sống, trước hết thuộc về những người làm công tác chính sách, tham mưu chính sách cho Chính phủ ban hành các nghị định chăm sóc, sử dụng tài năng.

Năm 2017, Chính phủ ra nghị định mức tiền thưởng cho tác giả nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ và văn học nghệ thuật tương đương 270 lần lương tháng cơ sở; Giải thưởng Nhà nước, số tiền thưởng bằng 170 lần mức lương cơ sở tại thời điểm quyết định tặng giải thưởng... là một việc làm kịp thời, được dư luận quan tâm và hoan nghênh. Tất nhiên, số tiền thưởng đó cũng chưa phải quá lớn so với những đóng góp của các tác giả cống hiến tài năng, thành tựu khoa học, công nghệ, và văn học nghệ thuật cho đất nước, nhưng dù sao mức tiền thưởng cũng đã phản ánh một điều: Nhà nước đã điều chỉnh giá trị tiền thưởng dần dần tiến tới ngang giá với giá trị giải thưởng, và thực sự đã cải thiện nhiều so với mức thưởng nhỏ nhoi trước đây. Việc điều chỉnh tăng giá trị vật chất cho Giải thưởng chứng tỏ chính sách đã thay đổi, và có tiến bộ trong việc đánh giá, ứng xử, đãi ngộ, chăm sóc tài năng.

Vật chất, tiền không phải là tất cả, nhưng nó là cái căn bản để tài năng phát triển, cống hiến, là nguồn động viên cổ vũ lớn lao cho tài năng sáng tạo. Giải thưởng Nobel hàng năm sở dĩ được nhiều người theo dõi, dự đoán, thậm chí cá cược, ngoài giá trị thành tựu còn vì giá trị vật chất rất lớn tương đương gần 1,3 triệu đô la. Phần thưởng, xét đến cùng cũng là chính sách khuyến khích tài năng phát triển và cũng là nhu cầu cuộc sống.

* NGƯỜI TÀI CÓ ĐẤT DỤNG VÕ.

Nhà văn, nhà danh ngôn nổi tiếng người Mỹ Frank Tyger khẳng định chắc chắn: “Một trong những tài năng lớn lao nhất là tài nhận ra và phát triển tài năng ở người khác”. Có người tài ở nhiều lĩnh vực, nhưng số đông người tài chỉ chuyên sâu một ngành. Nhận ra người tài phải có khả năng liên tài, người lãnh đạo hoặc người làm công tác tổ chức không liên tài dễ sinh đố kị, dễ bỏ phí tài năng. 

Người Việt nói: tài lắm tật nhiều. Tật của người tài thực ra là sự... khác biệt, là cá tính mạnh. Là người lúc nào cũng chòi ra giữa đám đông. Mỗi người tài lại có sự khác biệt riêng, chẳng ai giống ai. Ấy là chưa kể đến thiên tài thì còn thêm dị hình dị tướng, có khi... ẩn tướng. Nhân cách phi thường, bí ẩn rất khó nắm bắt. Không thể “lấy dạ tiểu nhân đo lòng quân tử”. Cặp mắt chim sẻ không thể nhìn thấy đường bay của chim ưng, tâm cao của đại bàng. Người bình thường chẳng bao giờ chấp nhận được thói lập dị của kẻ suốt ngày trong phòng thí nghiệm uống nước lavie ăn bánh mì chay làm việc quên cả ngày đi qua từ lâu và bóng đêm đã trùm xuống. Cũng như cách đây bốn chục năm, bạn bè của Bill Gates cười mỉm khi thấy ông bỏ học đại học nửa chừng đi làm làm cái “việc quỷ quái”. Cái bất bình thường bị lẫn vào cái thông thường, chỉ đến khi đế chế phần mềm Microsoft thống trị đời sống nhân loại thì họ mới sững sờ kinh ngạc và thán phục Bill. Ai biết nhận ra người tài và tạo điều kiện cho người tài phát triển, thì còn tài hơn cả người tài.

Tiền bạc, nhà cửa quan trọng lắm, là cái căn bản đầu tiên để tồn tại, để sống, để làm người. Phải sống đã, thậm chí phải sống tốt mới thực hiện được ý chí, tư tưởng, thực hiện được công trình, tác phẩm của mình. Trừ những thiên tài kiệt xuất vượt lên trên hoàn cảnh để hoàn thành sứ mệnh của mình, còn phần lớn người tài cũng bị quy luật may rủi chi phối sự cống hiến. Kẻ sĩ tài năng, đôi khi chỉ cần có đời sống ổn định, được tôn trọng, được đặt vào môi trường hoàn cảnh “đất lành chim đậu” thì vẫn cống hiến tốt.

Ở Việt Nam ta, nếu Lê Lợi không trọng dụng Nguyễn Trãi thì khởi nghĩa Lam Sơn có vượt qua được núi rừng Thanh Hóa, để “Đánh một trận sạch không kình ngạc/ Đánh hai trận tan tác chim muông”(Bình Ngô đại cáo), xóa sạch bóng quân Minh xâm lược, lập ra một triều đại nhà Lê rực rỡ? Cụ Hồ lãnh đạo nhân dân lập nên một Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và đánh đuổi giặc Pháp xâm lược ra khỏi bờ cõi, một phần là Cụ biết cầu hiền tài một cách khao khát và chân thành. Trong lúc chính quyền non trẻ ở tình thế ngàn cân treo sợi tóc: giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt bủa vây, Cụ Hồ đã trân trọng viết thư cho cụ Bùi Bằng Đoàn - vốn là Thượng thư Bộ Hình của chính quyền phong kiến Bảo Đại vừa bị đánh đổ - với lời lẽ chân thành, cầu thị:

“Thưa Ngài! Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi mời Ngài làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc. Cảm ơn và chúc Ngài mạnh khỏe. Kính thư”. Cụ Hồ còn mời ngài Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại) – người đứng đầu chính quyền phong kiến thối nát vừa bị đánh đổ - ra làm cố vấn. Các vị Hán học như Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kỳ Huỳnh Thúc Kháng, hoặc đại thần của triều đình cũ như: Phạm Khắc Hòe, Phan Kế Toại... hay các vị Tây học như Trần Đức Thảo, Trần Đại Nghĩa. Đặng Thai Mai, Trần Huy Liệu...; các doanh nhân tài năng như Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà... cũng được Cụ Hồ trân trọng mời làm việc, đi kháng chiến kiến quốc.

Danh sĩ Thân Nhân Trung thời nhà Lê viết: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Cầu được người hiền tài là nguyên khí quốc gia rồi, nhưng sử dụng họ như thế nào cũng không kém phần quan trọng. Người xưa nói: “Dụng nhân như dụng mộc”. Người nào việc nấy. Không lấy sở trường làm sở đoản và ngược lại. Tiếc rằng, ở ta hiện nay có tình trạng người tài không được làm việc, hoặc người tài chán... bỏ đi. Họ không được trọng dụng, mà đãi ngộ cũng kém, môi trường làm việc càng không phù hợp. Hiện nay, mỗi năm có hàng vạn sinh viên ra ngoài biên giới tu nghiệp do học bổng hoặc tự túc... Dòng phù sa chất xám ấy có quay về tưới tắm cho đất mẹ tốt tươi không? Hay những ông cử, ông tiến sĩ nước Việt mũ áo cân đai đội mũ cánh chuồn xong là ở lại Paris, London, Tokyo... phục vụ xứ người? Có 13 cháu đứng đầu các cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia đi nước ngoài học thì 12 cháu không về. Có người bảo: cống hiến cho nhân loại cũng là cống hiến cho dân tộc. Thế thì bao nhiêu chất xám ở lại Mỹ và châu Âu thì người Việt còn gì để phát triển?

Hiện nay, có những tỉnh thành ưu tiên ưu đãi nhân tài, nhưng thực ra lại lấy người có học vấn thạc sĩ, tiến sĩ về làm việc, cho vào biên chế. Tuyển người có bằng cấp mà không tuyển người thực tài. Nhưng, điều nhức nhối nhất là có những người quan lộ thần tốc mà chẳng mấy tài cán. Người bất tài rất kị người tài. Người bất tài sẽ tiếp tục tuyển chọn, nâng đỡ, lôi kéo kẻ bất tài khác chầu tụ quanh mình. Dĩ nhiên, người tài không có đất dụng võ, ngồi chơi xơi nước, tự thấy lòng tự trọng tổn thường, sẽ bỏ đi.

Lối nào đi, cửa nào vào cho người tài bước và thăng tiến? Cứ người có tâm, tầm, tài ắt sẽ liên tài. Khi người liên tài có đất dụng võ, họ sẽ tìm ê kíp nhân sự đủ tâm, tầm, tài cùng làm việc, rồi rộng cửa mà vào, rộng đường mà đi, phụng sự tài năng cho quốc gia, dân tộc.


Tác giả: Nhà văn Sương Nguyệt Minh
Nguồn Văn nghệ số 31/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây