Lần đầu tiên sau hơn một năm chống dịch, có vị lãnh đạo cấp cao đã mạnh dạn công khai thừa nhận những thiếu xót từ việc điều hành công tác đẩy lùi Covid-19
Tại Hội nghị trực tuyến Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM diễn ra ngày 25/7, ông Nguyễn Văn Nên với tư cách Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TPHCM đã bày tỏ: “16 ngày qua chúng ta đã làm được rất nhiều việc, cứu được nhiều người nhưng cũng còn rất nhiều việc chưa làm được, nhiều người chưa cứu được. Đó là niềm đau chung, là khuyết điểm của hệ thống chính trị, khuyết điểm của người đứng đầu các cấp. Chúng ta xin nhân dân lượng thứ”.
Đó là sự nhận lỗi chân thành trước không ít bất cập trong khoảng thời gian phong tỏa đô thị lớn nhất phương Nam theo Chỉ thị 16. Đây cũng là lần đầu tiên sau hơn một năm chống dịch, có vị lãnh đạo cấp cao đã mạnh dạn công khai thừa nhận những thiếu xót từ việc điều hành công tác đẩy lùi virus corona.
Đã nhận diện được những lúng túng, thì lãnh đạo cần làm gì để thay đổi tình hình? Ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: “Chúng ta đều hiểu trong những ngày giãn cách, đồng bào TP.HCM nói chung và bà con lao động nghèo nói riêng gặp nhiều biến cố. Ta tập trung đáp ứng nhu cầu thiết yếu của bà con, ở đâu còn người thiếu ăn thiếu mặc là lỗi của bí thư, chủ tịch phường đó xã đó”.
Đợt bùng phát thứ 4 của Covid-19 với biến thể phức tạp, đã thực sự thử thách xã hội Việt Nam từ chiến lược toàn quốc đến giải pháp địa phương. Với vai trò một trung tâm kinh tế - dịch vụ của cả nước, TP.HCM gần như choáng váng khi số ca nhiễm tăng theo cấp số nhân. Gần hai tháng áp dụng giãn cách xã hội, TP.HCM đối mặt với áp lực “chưa có tiền lệ” về cơ sở y tế lẫn thị trường tiêu dùng để người dân bảo đảm cuộc sống trong đại dịch. Lần lượt nhiều địa phương phải tổ chức đưa rước người lao động nhập cư về lại quê hương, để giảm bớt gánh nặng sinh kế cho TP.HCM. Và cuộc chiến căng thẳng với Covid-19 tại TPHCM đang cần ý chí mới lẫn hành động mới.
Chẳng đặng đừng, TP.HCM đưa ra lệnh giới nghiêm từ ngày 26/7. Từ năm 1975 đến nay, đây là lần đầu tiên TP.HCM cấm người dân ra đường từ 18h đến 6h. Cách làm quyết liệt này chỉ là điều kiện cần, chứ không phải điều kiện đủ để ngăn chặn Covid-19. Khi người đứng đầu TP.HCM đã chân thành nhận thấy sự lúng túng của công tác chống dịch, thì phải cải thiện cả tinh thần và vật chất cho người dân.
Về mặt tinh thần, nhất định phải đưa ra được những dự báo đáng tin cậy hơn. Vai trò của những chuyên gia cần được lắng nghe và thấu hiểu để đưa ra những đánh giá thực trạng thuyết phục hơn và thực hiện những giải pháp tích cực hơn. Không thể để xuất hiện những hoài nghi về sự bình đẳng tiếp cận vacxin khi Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCMban hành văn bản cho doanh nghiệp mượn vacxin theo kiểu bí mật, rồi quan chức phân bua về sự “hợp tình hợp lý”.
Về mặt vật chất, không thể không sắp xếp lại chuỗi cung ứng nhu yếu phẩm, với sự giám sát chặt chẽ về giá cả. Người dân được phát phiếu đi chợ, nhưng túi tiền của họ thì sao? Nếu không thể hỗ trợ tài chính, thì nên giảm giá các dịch vụ do Nhà nước nắm độc quyền như giá nước, giá điện, giá internet… để người dân yên tâm “lượng thứ” sau mỗi cánh cửa khép kín.
Theo Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn/NNVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên