Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp ở quy mô rộng, bao phủ gần như toàn bộ các địa phương trong cả nước. Tại thời điểm này, cùng với những quyết sách nhanh và mạnh ở cấp Trung ương, rất cần lãnh đạo các địa phương phát huy cao năng lực, tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ dám làm. Đặc biệt, với những tình huống “chưa từng có” đòi hỏi họ phải có quyết định sáng tạo, kịp thời. Quyết định phải nhanh và trúng.
Thực tiễn để đánh giá, kiểm nghiệm năng lực lãnh đạo
Theo Tiến sĩ Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, đại dịch Covid-19 đặt ra câu chuyện lớn về năng lực của các vị lãnh đạo, đặc biệt lãnh đạo ở cấp địa phương là cấp gần và sát với dân nhất. Nếu đại dịch không xảy ra, câu chuyện năng lực của lãnh đạo có thể được đánh giá theo cái cách bình thường, quen thuộc như từ trước đến nay vẫn vậy. Nhưng dịch xuất hiện, xã hội có sự thay đổi rất lớn, đòi hỏi lãnh đạo các cấp cũng phải có thay đổi phù hợp.
Dẫn chứng bằng việc khi địa phương xảy ra lũ lụt, bão lũ, gây thiệt hại lớn, lãnh đạo địa phương phải chuyển trạng thái để đối phó bằng những quyết sách phù hợp. “Nhưng bão lụt chỉ xảy ra trong một thời gian nhất định, đằng này, đại dịch Covid-19 đã hơn 1 năm rưỡi, đòi hỏi lãnh đạo các cấp chính quyền không thể không thay đổi. Có thể nói, đây thực sự là dịp để chúng ta nhìn nhận rõ hơn, cũng như đánh giá năng lực, kết quả của công tác lãnh đạo ở các cấp chính quyền”, Tiến sĩ Đinh Duy Hòa bày tỏ.
Thực tiễn có rất nhiều việc qua đó có thể kiểm chứng. Trước hết, đó là sự phản ứng nhanh của lãnh đạo trong công tác chống dịch. Ở tầm Trung ương phải đưa ra được chủ trương, phương hướng, thể chế, chính sách, trên cơ sở đó, các cấp chính quyền địa phương lãnh đạo, tổ chức thực hiện.
Qua quan sát, Tiến sĩ Đinh Duy Hòa nhận thấy, có nơi lãnh đạo phản ứng khá tốt bằng những quyết sách rất kịp thời nhưng cũng có nơi còn lúng túng. Thậm chí, qua câu chuyện lãnh đạo chống dịch, chúng ta cần rút ra nhiều bài học.
Theo ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XV, đúng như Thủ tướng nhận định, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này hết sức phức tạp, nó là “kẻ thù vô hình” rất khó kiểm soát, trong khi chưa có thuốc đặc trị. Tính phức tạp thể hiện ở sự lây lan nhanh, trong khi việc phát hiện, truy vết, cũng như thực hiện các biện pháp cách ly khó khăn và phức tạp hơn nhiều so với những đợt dịch trước.
Trong lúc “nước sôi lửa bỏng” này, theo ông Vũ Trọng Kim, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ, rất cần sự điều hành chủ động, sáng tạo, linh hoạt của chính quyền địa phương và sự tham gia của các ngành, để từng bước giải quyết những vấn đề cấp thiết một cách hiệu quả, nhân văn.
Dẫn câu chuyện về sự linh hoạt, quyết đoán trong chỉ đạo mới đây của Chủ tịch tỉnh Kiên Giang trong giải quyết bài toán lưu thông hàng hóa thiết yếu, vị đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đánh giá cao sự chủ động khi đưa ra quyết định rất kịp thời, sáng suốt trên quan điểm coi cuộc sống, sinh mạng của người dân là trên hết, trước hết.
Không chỉ trong vấn đề lưu thông hàng hóa, theo ông Vũ Trọng Kim, việc đón người dân ở các KCN về của Kiên Giang cũng được thực hiện rất chủ động, trong đó phải kể đến công tác sắp xếp, bố trí, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, không để xảy ra tình trạng tự phát. Hay ở Cà Mau, lãnh đạo tỉnh mạnh dạn đề xuất hỗ trợ tiền điện, nước cho người dân khi thu nhập bị giảm sút. Cách làm ở Cà Mau đã được Trung ương ủng hộ đồng thời gợi mở đưa ra chủ trương cho các địa phương đang phải thực hiện giãn cách hiện nay cùng nghiên cứu áp dụng.
“Cách giải quyết của lãnh đạo các địa phương ấy theo tôi chính là mẫu lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tình hình ở địa phương mình”, ông Kim nhận xét.
Người dân trông đợi những quyết sách vừa nhanh, vừa chuẩn
Theo ông Vũ Trọng Kim, trong giai đoạn khó khăn và bí bách như hiện nay, lãnh đạo địa phương cần một tư duy, tầm nhìn bao quát, vừa cụ thể, nhưng cũng đòi hỏi có sự sáng tạo, nhạy bén trên cơ sở quan điểm chung của Đảng, Nhà nước. Triết lý nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dĩ bất biến, ứng vạn biến/Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm” còn nguyên giá trị với thời điểm hiện nay, làm sao để dân an, có chỗ ăn ở bảo đảm, khó khăn đến mấy lãnh đạo cũng phải giải quyết. Như vậy người dân không lý gì không ủng họ khi họ thấy được những biện pháp đều đang hướng đến họ, giúp họ ổn định hơn.
“Khi dân ủng hộ nghĩa là dân an tâm, đây cũng là một loại “kháng thể” mạnh nhất để vượt qua được khó khăn”, ông Kim nhấn mạnh.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp, Tiến sĩ Đinh Duy Hòa cho rằng, lúc này, người dân đang rất trông đợi ở sự lãnh đạo, chỉ đạo thật chuẩn, phù hợp, dù đây là vấn đề không đơn giản.
Dẫn chứng về sự lãnh đạo chuẩn, phù hợp ở tầm quốc gia, theo Tiến sỹ Đinh Duy Hòa chính là việc Quốc hội vừa thông qua nghị quyết giao trách nhiệm và những quyền hạn mở hơn, rộng hơn so với bình thường cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm sự ứng phó nhanh nhậy và phù hợp trong công tác phòng, chống dịch.
Hay sự thay đổi trong cách thức chống dịch từ năm ngoái đến năm nay của Chính phủ cũng cho thấy điều đó. Nếu như năm ngoái, khi dịch ở quy mô nhỏ, chỉ cần thực hiện tốt phương châm cách ly, ngăn chặn, xét nghiệm, 5K thì về cơ bản là thành công. Nhưng năm nay, dịch diễn biến khác hẳn, ngoài những biện pháp đã thực hiện, chúng ta đang phải đẩy mạnh tiêm vaccine để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.
Rồi sự lãnh đạo của các cấp địa phương như đã nói cũng phải thích ứng. Phương châm đầy tính nhân văn và trách nhiệm của lãnh đạo trung ương về việc không để người dân ở lại phía sau, không để dân đói trong đại dịch lại đòi hỏi các cấp lãnh đạo địa phương trong tổ chức thực hiện phải có những sáng tạo phù hợp với tình hình địa phương. Nếu không, phương châm vẫn chỉ là những khẩu hiệu suông, không mang lại hiệu quả như trông đợi./.
Theo Thanh Hà/VOV.VN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên