MẤY TỬ HUYỆT
Cuộc “Đổi mới căn bản toàn diện” giáo dục sẽ bắt đầu từ năm học này với lớp 1. Sau 5 năm, tức đến 2025, tất cả các cấp học trong hệ thống giáo dục phổ thông đều học đồng bộ chương trình đổi mới. Tuy nhiên, có một số vấn đề đang bộc lộ ra mà ngành giáo dục phải nhìn thấy để có những hành động cần thiết trước khi những nguy cơ có thể thành hiện thực.
1. Quản lý giáo dục
Tính chất quan liêu vẫn đang ngự trị trong quản lý giáo dục, biến các cơ sở giáo dục phổ thông thành các “vùng cát cứ” với cách điều hành nặng về mệnh lệnh hành chính và uy quyền cá nhân. Thêm nữa, tiêu chí quản lý lấy thành tích (điểm số) làm chính sẽ cản trở, thậm chí chặn đứng đổi mới giáo dục. Việc cần làm ngay là trao quyền cho giáo viên nhiều hơn, dành một vị trí cao hơn, lớn hơn cho giáo viên trong môi trường giáo dục; đồng thời thu hẹp các quyền của người quản lý đối với các vấn đề chuyên môn của giáo viên. Không thể can thiệp quá sâu vào công việc giảng dạy của người giáo viên như hiện nay. Cần xây dựng và ban bố ngay một bộ quy tắc tốt hơn về đánh giá chất lượng giáo dục để thoát ra khỏi hệ quy chiếu của “bệnh thành tích” và điểm số. Nhanh chóng bỏ những quy định về “thi đua” nặng tính hình thức nhưng trói buộc như hiện nay. Tóm lại là phải cởi trói cho công tác dạy – học khỏi những sự chằng chịt của quản lý hành chính quan liêu.
2. Đội ngũ giáo viên
Với tính thụ động, nhìn nhận vấn đề quá đơn giản đang diễn ra trong đội ngũ giáo viên khiến công cuộc đổi mới có nguy cơ sa vào lúng túng hoặc sẽ trở nên hình thức. Bên cạnh đó là vấn đề năng lực chuyên môn và phẩm chất sư phạm ở người giáo viên vẫn còn nhiều hạn chế lớn. Tình trạng của “đội ngũ tiên phong” như thế là đáng lo lắng. Đó là chưa nói đến thái độ khá lãnh đạm, thờ ơ của không ít người trước công việc phức tạp và khó khăn này.
3. Công tác chuẩn bị
Ngành giáo dục chưa thật sự đầu tư vào khâu chuẩn bị cho các cơ sở giáo dục phổ thông trước khi họ bắt tay vào thực hiện. Phần lớn giáo viên khá mơ hồ về chương trình đổi mới. Thậm chí đến thời điểm này, hầu hết giáo viên phổ thông chưa nhìn tới “Chương trình giáo dục phổ thông mới” đã công bố từ tháng 12-2018, tức đã hơn 2 năm nay. Công bố trên ti vi rồi đăng tải trên website như một bước đi chính, từ sau đó việc truyền thông, tổ chức nghiên cứu, phản biện và làm quen, thực hành… gần như không có. Một số đợt tập huấn chóng vánh, nặng tính hình thức đã chưa thật sự tạo ra chuyển chuyển biến nhận thức. Hầu hết giáo viên mới chỉ “nghe nói” về đổi mới giáo dục, đây là một sự tình phải thấy lo lắng.
Sẽ không thể đổi mới thành công nếu đội ngũ giáo viên chưa thấm nhuần, chưa thức nhận sâu sắc về cả tư tưởng của giáo dục đổi mới lẫn việc chưa nắm chắc chương trình này. Cần tổ chức tìm hiểu, nghiên cứu, thực hành từng bước trong một thời gian đủ dài; chứ không thể để giáo viên ở tình trạng “mơ màng” như hiện nay mà tiến hành được.
Bộ Giáo dục cần có những hành động bài bản, cụ thể, trực tiếp, khẩn trương hơn để công cuộc đổi có thể hi vọng được.
MỘT SỐ VIỆC CẦN LÀM NGAY
Năm học 2020 -2021 BGD đã có những điều chỉnh tích cực trên nhiều mặt như: Dạy học theo chủ đề (tự thiết kế). Nhiều công đoạn trong nhiệm vụ học tập được hoàn thành ở nhà; lên lớp chỉ cần giải quyết một số nhiệm vụ nhất định. Tăng cường thuyết trình, thảo luận, tranh luận. Đánh giá học sinh trong quá trình này. Giảm số lần kiểm tra tập trung xuống còn 2 lần / học kỳ. Cho học sinh sử dụng smartphone trong giờ học (đối với THCS và THPT). Cấm phê bình học sinh trước lớp trước trường… Đây là những quyết định đúng, nếu thực hiện quyết liệt sẽ đưa tới những chuyển biến tốt trên nhiều mặt. Tuy nhiên có một số việc khác cũng cần làm ngay để những bước đi trên đây không bị rơi vào tình trạng tê liệt.
1. Chấm dứt dạy thêm học thêm dưới mọi hình thức (đặc biệt đối với cấp THCS và THPT). Nhu cầu học thêm là chính đáng, tuy nhiên ngày nay nó đã bị biến tướng và biến chất vì nhiều lý do: bệnh thành tích, tính vụ lợi, sai lầm trong kiểm tra đánh giá… Để làm dứt điểm vấn nạn này, ngoài các mệnh lệnh hành chính thì cần xây dựng một bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục hiện đại và khoa học. Chỉ có khi thực hiện được yêu cầu cuối cùng này thì vấn đề mới có thể được giải quyết từ trong lòng hệ thống. Và cũng chỉ đến khi đó, việc học thêm mới trở thành nhu cầu tự thân về tri thức và phát triển bản thân một cách lành mạnh.
2. Cấm công bố điểm của học sinh. Điểm phải thuộc quyền riêng tư cá nhân của mỗi người; cần chấm dứt sự so sánh có tính dán nhãn và phán xét đối với người học dựa trên điểm số.
3. Hủy bỏ các kỳ thi Giáo viên giỏi, thi học sinh giỏi và nhiều kỳ thi mang tính hình thức và nặng bệnh thành tích khác trong ngành giáo dục. Phải làm ra một nền giáo dục thi ít mà học nhiều; dạy ít mà học vui. Thi học sinh giỏi chỉ còn mang tính cá nhân và trải nghiệm; nếu tham gia kinh phí do người học tự túc, không còn mang tính đại diện nữa; cần chấm dứt những “đợt ra quân” trong giáo dục.
4. Rạch ròi giữa quản lý hành chính và quản lý chuyên môn. Lãnh đạo các cơ sở giáo dục phổ thông không được can thiệp vào các vấn đề chuyên môn của tổ bộ môn và cá nhân nhà giáo. Giáo viên cần được tôn trọng trở lại bằng sự tôn trọng quyền tự quyết chuyên môn và cải thiện các vấn đề về thu nhập. Cần chấm dứt việc biến giáo viên thành một thứ công cụ trong ngành giáo dục.
Tác giả: Thái Hạo
Nguồn Văn nghệ số 33/2021
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên