GIÁO DỤC VIỆT NAM VÀ NHỮNG TIẾNG NÓI TRUNG THỰC: Thi đua trong giáo dục và những hậu quả ( Bài 3)

Thứ bảy - 14/08/2021 20:32

Bài 3

1. Một phác thảo về thi đua

Để quản lý học sinh sao cho chúng phải “ngoan”, không quậy phá và luôn đi vào “nề nếp” theo cái mà những người quản lý cho là tốt, họ dùng rất nhiều cách, kể cả thô bạo lẫn vô lý. Ở đó có cả một cách được cả nền giáo dục này chấp nhận như một sự tất nhiên và đúng đắn; là thi đua.

111Thi đua đồng với việc xếp hạng học sinh, xếp hạng lớp học... Thi đua nghĩa là có một cái mẫu và nếu ai làm theo đúng nhất với cái mẫu ấy coi như có phẩm chất tốt nhất. Cái lối tư duy này rất phản giáo dục vì nó triệt tiêu cá nhân, hủy hoại cá tính và tạo ra hiện tượng đúc khuôn, đồng phục trong giáo dục.

Điều ấy đã là một tai họa, nhưng chưa hết nếu ta nhìn vào cái cách làm thi đua của họ. Một học sinh “phạm lỗi” thì cả lớp phải chịu trách nhiệm. Lớp ấy có thể bị tụt hạng, bị phê bình. Và tất nhiên giáo viên chủ nhiệm phải chịu trách nhiệm về tất cả những hậu quả ấy; cũng tất nhiên, người giáo viên đó sẽ không bao giờ muốn bị chỉ trích hay sỉ nhục hoặc bị đe dọa quyền lợi. Người thầy sẽ không những xử phạt học sinh phạm lỗi kia mà còn quy trách nhiệm cho nhiều bạn khác vì đủ mọi lý do mà những người lớn thông thái có thể nghĩ ra được. Nhà trường thì không cần biết ai đã vi phạm, họ chỉ quan tâm lớp ấy bị trừ bao nhiêu điểm và ai là giáo viên chủ nhiệm.

Trong buổi lễ chào cờ ngày thứ Hai và rất nhiều “dịp” khác, người ta sẽ đọc bảng tổng sắp và “phê bình” các lớp xếp cuối. Cả cái lớp đó! Như thế, 40-50 con người sẽ bị phán xét về đạo đức, về ý thức, về tư cách, và những đứa trẻ con yếu thế ấy phải cúi đầu mà nhận lấy, không thể kêu ca hay phản kháng gì. Hậu quả của việc này là khủng khiếp. Nó khiến những đứa trẻ “vi phạm nề nếp” không thật sự ý thức được lỗi lầm của mình, đồng thời chúng lại mang tâm lý tội lỗi cùng cực. Không những thế, cách làm này còn khiến những đứa trẻ vô tội bỗng dưng trở thành có tội, đó là một sự vu khống tệ hại. Nó làm cho những người tốt bị vu oan và chịu sự bất công. Dần dần, chúng thấy sự bất công ấy là dĩ nhiên, chúng sẽ sớm hành xử bất công với cuộc đời.

Trước áp lực từ nhiều phía, những đứa trẻ này sẽ sẵn sàng nói dối, bao che, dựng hiện trường...; hoặc chúng sẽ “đấu tố” “vạch mặt”, thù ghét nhau...Tóm lại, chúng sẽ đối phó bằng những cách tiêu cực để tự bảo vệ mình trước các “thế lực thù địch”. Thêm một lần nữa chúng bị hủy hoại.

“Ai làm nấy chịu”, tôi nghĩ cái nguyên tắc sơ đẳng này người ta không thể không biết. Nhưng tại sao họ lại bắt tập thể phải chịu trách nhiệm? Vì họ tinh quái, biết rằng làm cách ấy sẽ dễ dàng quản lý được cả một đám người mà không cần mất nhiều công sức. Như thế, từ chỗ làm giáo dục, họ sẽ thực hiện những hành vi phá hủy nhân cách con người. Và điều khiến chúng ta thấy phẫn nộ là: cái đám người lớn kia, ở đây chủ yếu là những người quản lý trong hệ thống giáo dục và trường học, đã biết nhưng vẫn cố tình làm. Đó là cái ác không thể biện minh.

2. Từ thi đua đến bạo hành

Việc ngày càng có nhiều vụ bạo hành mà thủ phạm là giáo viên, nạn nhân là học sinh phải khiến ta lo lắng. Tuy nhiên, lo lắng thôi chưa đủ, phải tìm ra “F0 của bạo lực”, tức nguyên nhân phát tác của tình trạng này.

Chúng ta hay nói, là do đạo đức xuống cấp. Đúng, nhưng rất chung chung và không thể sửa chữa được bằng một cái nhìn cảm tính như thế.

Vụ Khúc Xuân Hòa ở Lục Ngạn (Bắc Giang) mới đây (đá, tát học sinh trên bục giảng) có thể cho ta một dấu vết để lần tìm “động cơ gây án”. Khúc Xuân Hòa là Giáo viên chủ nhiệm. Tôi tìm đọc lại một số bài báo tổng hợp các vụ bạo hành học đường trong mấy năm qua thì thấy một sự trùng hợp khá đặc biệt: phải đến hơn 2/3 các vụ bạo hành được gây ra bởi Giáo viên chủ nhiệm.

Tại sao thế? Trong các nhà trường phổ thông Việt Nam thì THI ĐUA là một mảng thảm khốc nhưng dễ bị bỏ quên nhất. Việc lên hạng, xuống hạng sau 1 tuần “thi đua” là rất hệ trọng. Giáo viên chủ nhiệm có thể bị phê bình, thậm chí bị sỉ nhục và hạ danh hiệu nếu để lớp mình bết bát. Buổi lễ chào cờ sáng thứ Hai ở phần lớn trường học thực chất là một buổi “xử tội” và nắn gân, nhiều khi trở thành đấu tố. Chào cờ trở thành nỗi ám ảnh sợ hãi. Việc làm Giáo viên chủ nhiệm, như thế, đồng nghĩa với một áp lực ghê gớm, nặng nề hơn công việc chuyên môn rất nhiều.

Nhưng tại sao người ta lại sử dụng hình thức này? Khi mà việc học ngày càng thiếu vắng niềm vui và động cơ chính đáng thì học sinh sẽ chán học hoặc quậy phá. Nhưng bệnh thành tích không cho phép các Hiệu trưởng để trường “đi xuống”. Họ “thiết quân luật” bằng các biện pháp hành chính mà chúng ta vẫn được biết tới với tên gọi “thi đua” này.

Cùng với sự chán học và tính “bất trị” của học sinh tăng lên, thì những quy định được đẻ ra càng nhiều. Trong đó, ngày càng có nhiều quy định quái gở và phản giáo dục. Giáo viên chủ nhiệm không có lựa chọn; họ chỉ còn một cách duy nhất để sinh tồn là giữ và thăng hạng sau mỗi tuần. Và để làm được việc ấy thì có 2 cách: cách một là lấy lòng học sinh, cách hai là dùng “bàn tay sắt”, ngoài ra còn một cách nữa: “lấy lòng” lãnh đạo trường. Cách thứ nhất có hình tướng là giáo viên a dua, nịnh, bao che, dung túng, cá đối bằng đầu, ngồi lê đôi mách với học sinh...; cách hai là đe dọa, hù dọa, thượng cẳng chân hạ cẳng tay... (Đây là cách sinh ra các vụ bạo hành như đã thấy). Cả 2 cách đều phản giáo dục.

“Thi đua (kiểu giáo dục Việt Nam) thực chất là dùng các biện pháp phi giáo dục/phản giáo dục để “giáo dục”. Nó sinh ra tình trạng đối phó có tính hệ thống: học sinh đối phó với Giáo viên chủ nhiệm, Giáo viên chủ nhiệm đối phó với Hiệu trưởng, hiệu trưởng đối phó với phòng, sở... Thay vì đam mê thì người ta cưỡng ép; thay vì cởi trói thì người ta siết chặt; thay vì tự nguyện thì người ta đối phó...

Giáo viên chủ nhiệm là một nghề nguy hiểm! Nó vừa khổ nhọc vừa bấp bênh, vừa đóng vai ác vừa phải đóng vai gian. Tại sao ông Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Lục Ngạn lại lên báo bênh anh thầy chủ nhiệm và đòi xử lý người đưa tin? Rất dễ hiểu, vì anh thầy giáo đã hành động đúng với mục tiêu thi đua mà ông Giám đốc đã đề ra. Hai người này thống nhất chứ không hề mâu thuẫn về “hệ giá trị”. Thực ra, Giáo viên chủ nhiệm này chỉ là người thừa hành một cách trung thành.

Nhìn đi nhìn lại chúng ta vẫn thấy vấn đề chính của giáo dục Việt Nam là ở câu chuyện quản lý (bộ máy và cơ chế vận hành). Phải sửa từ chỗ này, không thể đau chân phải lại đi mổ chân trái được. Nhưng, công cuộc “đổi mới căn bản toàn diện”, lạ lùng thay, lại đang đi làm cái việc ngược lại.

Bắt đầu, hãy dẹp bỏ các loại thi đua vô bổ và phản giáo dục, trả lại tự do cho môi trường sư phạm. Không thể một học sinh làm sai mà bắt cả lớp phải chịu phê bình, sỉ nhục, bêu rếu. Điều đó vừa bất công vừa hủy hoại con người.

Đáng buồn thay, cách thức ấy lại đang được dùng như một lẽ đương nhiên và đầy tự hào trong hệ thống giáo dục quốc dân.

(còn nữa)

Nguồn Văn nghệ số 33/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây