Trong những lần khảo sát mức độ yêu thích bộ môn Văn mà tôi thực hiện với học sinh của mình, kết quả mà tôi nhận được thường vẫn là những lời ngợi khen chiếu lệ kiểu như “ em rất mê văn”, “ mỗi lần đến giờ văn em cảm thấy rất hào hứng”, “ một môn học tuyệt vời”… Tôi biết rằng, vì nhiều lý do mà các em không bày tỏ cảm xúc thực của mình. Duy chỉ có một lần, lời tâm sự của một cậu học sinh khiến tôi trăn trở rất nhiều. “Em cảm thấy rất chán môn văn, toàn những áp đặt, giả dối. Đề văn lúc nào cũng yêu cầu trình bày cảm nhận của em nhưng khi chấm, thầy cô lại cứ chấm theo đáp án hoặc theo suy nghĩ của thầy cô”.
Những lời nói thật lòng ấy của học sinh khiến tôi bất giác giật mình. Chẳng phải trước nay khi chấm bài chúng ta vẫn thường đề cao những bài văn bài bản, đủ ý, trình bày tốt những gì thầy cô đã dạy mà ít chú ý, nếu không muốn nói là khó chấp nhận những bài văn ngô nghê, có suy nghĩ khác lạ, không giống ai sao? Chẳng phải khi giảng bài chúng ta vẫn quen chuẩn bị tất cả trong một “kịch bản” kĩ lưỡng, chi tiết rồi truyền đạt lại cho học sinh, yêu cầu các em phải ghi nhớ, thuộc lòng rồi trình bày lại khi kiểm tra sao? Chúng ta đâu biết rằng, những bài văn chỉn chu, bài bản, đủ ý kia đâu phải là sản phẩm có được từ sự sáng tạo của học sinh. Đó thực ra chỉ là sự sao chép lại từ sách mẫu, từ bài giảng của thầy cô. Chính những bài văn có vẻ còn ngô nghê, non nớt kia mới chính là sản phẩm được tạo ra từ tư duy độc lập của các em. Chúng ta đâu biết rằng khi chúng ta say sưa giảng, học sinh say sưa nghe, cặm cụi ghi chép nghĩa là ta đã “đọc giúp”, “cảm nhận hộ” mà đã tước mất của các em cơ hội được tự mình đọc, tự mình cảm nhận theo chính kiến của riêng mình. Chúng ta say sưa ca ngợi, đề cao nàng Kiều và bắt học sinh phải ca ngợi theo mà không tạo điều kiện cho các em tự mình khám phá để nhận ra Kiều cũng chỉ là một con người rất bình thường, cũng tham, cũng nhẹ dạ như ai. Chúng ta say sưa ca ngợi tình thương con, sự nhẫn nhịn và đức hi sinh của người đàn bà làng chài ("Chiếc thuyền ngoài xa" – Nguyễn Minh Châu) mà không khơi gợi cho các em thấy được rằng sự cam chịu, nhẫn nhịn ấy vô tình tiếp tay chọ bạo lực.
Cứ như thế những suy nghĩ riêng, những ý tưởng táo bạo, mới mẻ, phá cách về văn chương của học sinh vừa lóe lên đã ngay lập tức bị tiêu diệt. Cứ như thế, chúng ta vô tình áp đặt, đóng khung tư duy của học sinh vào những khuôn mẫu nhất định, khiến cho hình như bài văn nào của cũng na ná nhau theo những bài bản sẵn có đã được thầy cô giáo ôn cho. Và cũng cứ như thế, lâu dần chúng ta góp phần đào tạo ra những con người giỏi học thuộc lòng, giỏi ghi nhớ máy móc theo kiểu “tầm chương trích cú” nhưng khi va chạm với thực tế công việc thì lại tỏ ra rất vụng về; góp phần đào tạo ra những con người “ngoan ngoãn” nhưng khả năng phản biện và tư duy độc lập vô cùng kém.
Tôi bỗng nhớ đến hai câu thơ mà Quảng Nghiêm thiền sư – một bậc chân tu đã dạy đệ tử của mình “Nam nhi tự hữu xung thiên chí/ Hưu hướng Như Lai hành xứ hành” (Làm trai phải tự mình có chí xông lên trời thẳm/ Đừng đi theo con đường mà Như Lai đã đi). Tôi cũng nhớ đến thơ của nhà thơ người Mĩ Robert Frost “Trong rừng có nhiều lối đi/ Và tôi chọn lối đi không có dấu chân người”. Quảng Nghiêm và Robert Frost gặp nhau ở chỗ hai ông đã đề cao sự tự do sáng tạo và độc lập tư duy, kêu gọi mỗi người nên tự tìm cho mình một con đường đi riêng, thể hiện rõ dấu ấn cá tính; tránh lối sống dựa dẫm, phụ thuộc, đánh mất chính mình. Ở thời nào cũng vậy thôi, muốn phát triển thì phải đào tạo được những con người mạnh mẽ, phóng khoáng, có tư duy độc lập, có chính kiến, có óc sáng tạo để có thể tự mình khai mở một lối đi riêng cho bản thân mà không phải chen chúc trên những con đường mòn định sẵn.
Muốn đào tạo được những con người như thế, chúng ta phải bắt đầu ngay từ những việc nhỏ nhất, đơn giản nhất như đổi mới những giờ học văn trong nhà trường. Phải tạo ra một môi trường thật sự cởi mở, dân chủ để cả thầy và trò thỏa sức sáng tạo. Phải thay đổi cách dạy – học văn từ chỗ thuyết giảng, áp đặt kiến thức, quan điểm, tư tưởng cho học sinh sang hướng dẫn, khơi gợi để các em tự mình khám phá thế giới mênh mông, kì thú của văn học. Phải thay đổi cách ra đề văn, cách chấm bài… để mỗi bài văn của học sinh phải thực sự được tạo ra từ năng lực, từ sự sáng tạo của các em chứ không phải là sự cóp nhặt, “xào nấu” từ văn mẫu hay bài giảng của thầy cô.
Sự thay đổi này trông vậy nhưng không đơn giản một chút nào. Bao nhiêu lần đổi mới giáo dục, Bộ Giáo dục & Đào tạo vẫn đưa ra những chủ trương như “Lấy học sinh làm trung tâm”, “Dạy học văn theo định hướng năng lực”… nhưng nhìn lại, sẽ nhận ra rằng chúng ta có thay đổi được bao nhiêu đâu. Học sinh làm sao dám phá cách khi giáo viên chấm bài sát theo đáp án mà đáp án thì chi tiết đến từng ý nhỏ. Giáo viên làm sao dám thay đổi khi cấp trên yêu cầu phải theo đúng chuẩn kiến thức, mà chuẩn kiến thức thì mỗi bài cụ thể đến từng ý. Muốn thay đổi, phải trông chờ vào sự nhất quán, đồng bộ và tích cực trong cả hệ thống giáo dục.
Theo Hồ Tấn Nguyên Minh/VNQĐ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên