"Với địa vị chính trị của ông Navalny ở Nga, cuộc tấn công nhằm vào ông ấy đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng. Nhà chức trách Nga có trách nhiệm trả lời vụ này".
Ngoại trưởng Pháp JEAN-YVES LE DRIAN
"Phản ứng của các nước phương Tây như thể họ đã tập dượt từ lâu. Tất cả chạy vội vã tới micro như thể chiến dịch bôi nhọ thông tin này đã được chuẩn bị từ trước" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova phản pháo lại các chỉ trích của phương Tây ngày 3-9.
Phương Tây gây sức ép
Các cuộc tranh luận điều gì đã xảy ra với Alexei Navalny diễn ra sôi nổi trong gần 2 tuần qua. Một số chi tiết được truyền thông phương Tây chấp nhận như sau: ông Navalny uống một tách trà tại sân bay Tomsk ở Siberia và gục xuống trên chuyến bay trở về Matxcơva. Sau khi điều trị ngắn hạn tại một bệnh viện ở Nga, Navalny được cho phép chuyển đến Berlin điều trị. Ông hôn mê kể từ khi được tiếp nhận vào Bệnh viện Charité của Đức.
Việc Đức tuyên bố tìm thấy chất độc thần kinh novichok trong các mẫu bệnh phẩm lấy từ ông Navalny kéo theo phản ứng của một loạt nhà lãnh đạo phương Tây. Đích thân Thủ tướng Đức Angela Merkel cung cấp thông tin cho báo chí. Mặc dù chỉ trích và yêu cầu chính quyền Nga trả lời hoặc điều tra "minh bạch", lãnh đạo phương Tây đều tránh cáo buộc chính quyền Matxcơva đứng đằng sau sự việc.
Thủ tướng Anh Boris Johnson thúc giục Matxcơva "giải thích" những gì đã xảy ra. "Chính phủ Nga phải nói sự thật những gì đã xảy ra với ông Navalny. Chúng tôi sẽ phối hợp với Đức, các đồng minh và những đối tác quốc tế để cho thấy việc sử dụng vũ khí hóa học bị cấm, cho dù là ở nơi đâu, cũng phải lãnh hậu quả" - Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nhấn mạnh trong một tuyên bố khác.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - bà Ursula von der Leyen - đã nói vụ đầu độc là một hành động "đáng khinh và hèn nhát". Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã gọi vụ đầu độc là một hành động "gây sốc" và xác nhận Paris đang liên hệ với Berlin, các tổ chức liên quan để làm rõ hơn sự việc, đặc biệt là Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW). Mỹ, Canada cũng lên tiếng sau sự việc.
Navalny có thể bị nhiễm độc ở Đức?
Hãng thông tấn Tass ngày 2-9 dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga chưa nhận được kết luận của Đức. Một nguồn tin nói với TASS rằng các chuyên gia pháp y Nga đã không tìm thấy bất kỳ chất độc hoặc hóa chất độc hại nào trên người ông Navalny và đồ đạc của ông này.
Ông Andrei Lugovoi, một thành viên của Ủy ban An ninh và chống tham nhũng của Duma quốc gia (Hạ viện) Nga, nghi ngờ nếu Navalny thực sự bị nhiễm độc novichok, ông này có thể đã bị đầu độc trên lãnh thổ Đức.
"Một y tá hoặc một bác sĩ ở Đức có thể đã làm điều đó nếu họ thực sự muốn. Bằng cách nào đó họ đã để Navalny tiếp xúc với một chất độc hại. Tôi chắc chắn đây là những gì đã thực sự xảy ra" - ông Lugovoi lập luận với Tass. Vị này khẳng định mục đích của vụ việc lần này là chia rẽ quan hệ Nga - Đức, ám chỉ dự án đường dẫn khí đốt Nord Stream 2 chạy thẳng từ Nga sang Đức.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 3-9 đã thể hiện sự không hài lòng và cho rằng Đức đang làm lớn chuyện, chính trị hóa vấn đề. Bà Zakharova nhấn mạnh thay vì cùng điều tra kỹ lưỡng với Nga để có được kết quả xác thực nhất, "Đức đã chọn cách công bố các thông tin mà không đưa ra được bất kỳ sự thật bằng chứng nào".
Theo Tuổi trẻ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên