Giới quan sát nhận định rằng hành động đề cử này chứng tỏ Việt Nam đang quan tâm hơn đến phương diện pháp lý trong vấn đề giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Lần đầu đề cử trọng tài viên nước ngoài
Căng thẳng xung quanh các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây khiến dư luận chú ý tới các đề cử của Việt Nam. Thực tế từ ngày 27-7, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung đã trao quyết định đề cử trọng tài viên và hòa giải viên theo UNCLOS 1982.
Theo đó, bốn đề cử cho vị trí hòa giải viên gồm: ông Phạm Quang Hiệu (trợ lý bộ trưởng Bộ Ngoại giao), đại sứ Huỳnh Minh Chính (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia), đại sứ Nguyễn Thị Thanh Hà (nguyên vụ trưởng Vụ Luật pháp và điều ước quốc tế) và đại sứ Nguyễn Quý Bính (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, nguyên vụ trưởng Vụ Luật pháp và điều ước quốc tế).
Trong khi đó, các vị trí trọng tài viên được đề cử bao gồm: PGS.TS Nguyễn Hồng Thao (Học viện Ngoại giao, thành viên Ủy ban Pháp luật quốc tế Liên Hiệp Quốc, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia), PGS.TS Nguyễn Thị Lan Anh (Học viện Ngoại giao), TS Nguyễn Đăng Thắng (vụ trưởng, Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao, thành viên Tòa trọng tài thường trực quốc tế) và GS Robert Beckman (giám đốc Chương trình Luật và chính sách đại dương, Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore).
Hôm 6-8, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore cũng đã tổ chức buổi lễ chính thức trao quyết định đề cử của Bộ Ngoại giao cho ông Beckman. Đại sứ Việt Nam tại Singapore Tào Thị Thanh Hương nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đề cử một người nước ngoài cho vị trí quan trọng này.
"Điều này khẳng định không chỉ sự công nhận đối với kiến thức và kinh nghiệm của ông Beckman mà còn với sự vô tư và sự ủng hộ dành cho các giải pháp xử lý tranh chấp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế", đại sứ Tào Thị Thanh Hương nói.
Thực thi quyền của thành viên UNCLOS
Động thái mới đây của Việt Nam góp phần khiến những suy đoán về khả năng Việt Nam khởi kiện Trung Quốc về Biển Đông xuất hiện nhiều hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia về luật biển quốc tế nhận định rằng còn quá sớm để nói về kịch bản trên.
GS.TS James Kraska (Trung tâm luật quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Mỹ) cho rằng Việt Nam, cũng như toàn bộ các bên đã ký UNCLOS 1982, có thể đề cử trọng tài viên nhằm lựa chọn cho một vụ kiện trong tương lai. Tuy nhiên, "thực tế là việc Việt Nam chỉ định một nhóm trọng tài không nhất thiết phải ngầm hiểu rằng họ đang khởi kiện ngay, mà đây đơn giản chỉ là việc thực thi quyền của mình trên tư cách một thành viên UNCLOS", ông bình luận với Tuổi Trẻ.
Tương tự, Tuổi Trẻ cũng đã phỏng vấn chính ông Beckman, người được đề cử làm trọng tài viên. Chuyên gia luật biển này đã giải thích về các quy trình và quyền lợi của quốc gia thành viên trong UNCLOS 1982.
Ông Beckman nhận định: "Việc đề cử này có nghĩa là Việt Nam chứng tỏ sự ủng hộ dành cho UNCLOS 1982 và các thủ tục giải quyết tranh chấp, thông qua việc thực hiện quyền của mình trong việc đề cử ứng viên vào danh sách trọng tài viên và hòa giải viên của Liên Hiệp Quốc.
Rất nhiều quốc gia thành viên UNCLOS 1982 đã thực hiện quyền này. Đây không phải tín hiệu cho thấy Việt Nam đang có ý định khởi động các thủ tục giải quyết tranh chấp chống lại bất kỳ thành viên nào.
Đúng hơn, đây là tín hiệu cho thấy Việt Nam ủng hộ trình tự pháp lý dựa trên quy tắc được quy định trong UNCLOS 1982 và các thủ tục trong UNCLOS để giải quyết tranh chấp theo đường lối hòa bình giữa các quốc gia thành viên, xung quanh việc giải thích và áp dụng các điều khoản của công ước".
Ông Beckman là người theo dõi sát sao tình hình pháp lý trên biển, đặc biệt là Biển Đông. Vị học giả này đã tham dự nhiều hội thảo quốc tế, trong đó có giai đoạn Philippines kiện Trung Quốc. Từ kinh nghiệm của mình, ông lý giải thêm về sự liên quan giữa quy trình kiện tụng và việc bổ nhiệm trọng tài hay hòa giải viên.
"Phần lớn các nước đề cử người vào danh sách trọng tài viên đến nay chưa từng khởi động các thủ tục giải quyết tranh chấp này. Cả Philippines lẫn Malaysia đều không đề cử người vào danh sách trọng tài viên, tuy nhiên Philippines đã khởi động thủ tục giải quyết tranh chấp chống lại Trung Quốc, còn Malaysia cũng làm điều tương tự với Singapore trong vụ kiện cải tạo đất", ông Beckman phân tích.
TS Kraska cũng nói với Tuổi Trẻ: "Việt Nam đã hành động có chủ đích và phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam đã chứng tỏ sự hiện diện ổn định ở Biển Đông".
Trung Quốc có đại diện ở ITLOS
Việc ông Đoàn Khiết Long, đại sứ Trung Quốc tại Hungary, được chọn vào danh sách 1 trong 7 thẩm phán Tòa án quốc tế về luật biển (ITLOS) mới đây làm dấy lên nhiều lo ngại vì Trung Quốc liên tục không tôn trọng UNCLOS 1982.
TS James Kraska cho rằng các nước nhiều khả năng lo ngại về việc các thẩm phán Trung Quốc tuân thủ nguyên tắc luật pháp, áp dụng thực tế vào luật, thậm chí là chính trị hóa các kết quả vốn có thể thúc đẩy chiến lược thống trị khu vực của họ.
Tuy nhiên, GS Beckman chia sẻ với Tuổi Trẻ cái nhìn đôi phần lạc quan về vấn đề này: "Theo tôi hiểu thì đại sứ (Đoàn Khiết Long) là ứng viên duy nhất từ châu Á cho vị trí thẩm phán ấy. Tôi cho rằng cũng tốt khi Trung Quốc đưa một ứng viên vào ITLOS.
Nó cho thấy Trung Quốc vẫn còn sự quan tâm dành cho thủ tục giải quyết tranh chấp theo UNCLOS 1982, kể cả khi họ đã không tham gia vụ kiện Biển Đông (vụ Philippines kiện "đường lưỡi bò" - PV) và đã không tuân thủ quyết định ràng buộc về mặt pháp lý của Hội đồng trọng tài trong vụ kiện ấy".
Nhật Đăng/Tuổi trẻ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên