Nói đến đây thì ai cũng hiểu, đại dịch Covid-19 đã khiến các hãng hàng không điêu đứng, bầm dập như thế nào, phải vùng vẫy giữa lương, bảo hiểm, lãi mẹ lãi con ra sao. Và nhất là những Bamboo Airways, không hề có bầu sữa ngân sách ứng cứu, chỉ có thể chờ mong vào sự hài lòng, đồng hành của khách hàng.
Ông Trịnh Văn Quyết cũng như các doanh nhân trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa, dịch vụ lớn khác giữa mùa Covid-19, chỉ có 2 lứa chọn buông bỏ hoặc hành động. Ông và Bamboo Airways đã chọn hành động, chọn xuất hiện để chào đón, bày tỏ tri ân, biết ơn với khách hàng, những người đã bỏ tiền túi ra mua và sử dụng dịch vụ của mình. Đáng quý, đáng trân trọng chứ sao lại hoài nghi, khinh khi, cợt nhả?
Đáng mừng là, trên báo chí, diễn đàn mạng, các doanh nhân, nhà báo, luật sư,… cũng bày tỏ sự ngợi khen về Bamboo Airways, về chất lượng dịch vụ, về ngoại hình và văn hóa ứng xử của đội ngũ nhân viên… "Tôi đã có trải nghiệm bay khắp thế giới với rất nhiều hãng hàng không hàng đầu, nhưng nếu đặt trong so sánh, tôi đánh giá dịch vụ của Bamboo Airways không hề thua kém, thậm chí sánh ngang nhiều hãng 5 sao ở Trung Đông", ông Nguyễn Đức Hưởng, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Liên Việt đánh giá.
Qua sự kiện này, nhiều người cũng biết thêm được rằng, sau 2 năm đi vào hoạt động, ngoài sự sạch, đẹp, lịch sự, Bamboo Airways đã xây dựng được tới hơn 50 đường bay, đã vận chuyển hơn 5 triệu lượt khách, thực hiện hơn 37.000 chuyến bay an toàn tuyệt đối 100%, đồng thời duy trì tỷ lệ đúng giờ gần 96% - cao hàng đầu toàn ngành hàng không Việt Nam xuyên suốt năm 2019 và 2020.
Vậy nên, nếu ai đó cho rằng ông Trịnh Văn Quyết là như vậy là “làm màu” thì tại sao không nghĩ được rằng điều đó tốt cho Bamboo Airways, tốt cho khách hàng.
Bất giác, tôi nhớ tới ông Đoàn Ngọc Hải, một quan chức từng dính tới lùm xùm tay đeo Patek Philippe, tay cầm Vertu, miệng hò hét "đập", "cẩu" giữa phố đông năm nào, trong cuộc chiến “giành lại vỉa hè" bị xem là nhất thời, hớt ngọn.
Rời bỏ quan trường về làm dân, ông Đoàn Ngọc Hải xây nhà từ thiện, mua xe cứu thương và trực tiếp làm bác tài đón đưa người bệnh nghèo hoàn toàn miễn phí. Đây đó lại hoài nghi về “động cơ” của ông Hải, nhưng đa phần đều mến trọng ông, cho đó là việc làm rất tốt và ý nghĩa, truyền thông điệp mạnh mẽ đến cộng đồng, đặc biệt là giới nhà giàu, quan chức...
Mấy ngày nay, mạng xã hội lại lan truyền về đôi mắt hiền từ của ông Đoàn Ngọc Hải, nụ cười của ông trên đường thiên lý. Ông Hải chở một bệnh nhân nữ ung thư giai đoạn cuối, đã rời bỏ cuộc đời ngay trên chiếc xe của ông, trên đường về quê nhà. Nụ cười hồn hậu của ông Hải được tô điểm bằng ổ bánh mì trên tay. “Khó hiểu, vì ông Hải từng là quan chức, khó mà có thể vượt qua được bản ngã để hạ mình tích cực như vậy. Phải chăng có đã sự thay đổi tư duy một cách kỳ diệụ?”, luật sư Nguyễn Kiều Hưng viết.
Cả xã hội đang dõi theo ông Đoàn Ngọc Hải. Họ thấy hoài nghi, thấy lạ lùng, đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Qua cách thể hiện tình cảm dạt dào với anh Hải, người dân có lẽ cũng gửi gắm khát vọng mong các quan chức giàu có hãy đồng cảm, chia sẻ với cảnh nghèo, nỗi vất vả, lầm than của dân. Chớ chỉ lo vinh thân phì gia, hưởng thụ riêng mình, trơ lì vô cảm.
Thực lòng tôi vẫn mong, có thêm nữa những người "làm màu" như ông Hải, ông Quyết để cuộc sống lấp lánh sắc màu của sự tử tế và nhân hậu.
Có thể có lúc yêu lầm, có thể đôi lần mù quáng, còn hơn phải đem lòng nghi ngờ tất thảy những điều tốt đẹp xung quanh mình. Hãy cứ tin, thời điểm đó, ngày đó, lúc đó, tình cảm và câu chuyện của họ là có thật.
Tin vào trái tim, tin vào nước mắt thì không bao giờ sai cả!
Theo Kiên Giang/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên