Ban đầu, cuộc họp được trù tính diễn ra ở Leipzig (Đức), nhưng do Covid-19 nên chuyển sang hình thức trực tuyến. Vì thế, tuần qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến công du 5 nước châu Âu nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp diễn ra suôn sẻ. Tiếc rằng, hội đàm thì có nhưng không hề ngọt ngào như mong đợi, theo Andreas Kluth.
Kluth chỉ ra rằng, Ngoại trưởng Vương Nghị muốn nghe những ngôn từ nhẹ nhàng từ người châu Âu. Vì so với Mỹ, châu Âu vẫn háo hức hơn trong việc duy trì thương mại và hợp tác làm ăn với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Vương đã phải ngạc nhiên trước những gì ông nhận được.
Tông giọng mới của châu Âu
Những bất hòa đó vẫn không thấm vào đâu so với sự việc ở Berlin. Trò chuyện với các phóng viên Đức, Ngoại trưởng Vương Nghị cảnh báo Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc Milos Vystrcil sẽ phải "trả giá đắt" vì đã đến thăm vùng lãnh thổ Đài Loan.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngay lập tức phản ứng. Đứng cạnh ông Vương ở cuộc họp báo chung, ông Maas nói "chúng tôi là những người châu Âu hành động trong sự hợp tác chặt chẽ". Ông yêu cầu sự tôn trọng, và nhấn mạnh "những lời đe dọa không phù hợp ở đây". Ông cũng khẳng định châu Âu sẽ không trở thành "món đồ chơi" trong cuộc cạnh tranh Trung - Mỹ.
Các đồng nghiệp đến từ Pháp, Slovakia và nhiều nước châu Âu khác đã nhanh chóng lên tiếng ủng hộ Ngoại trưởng Maas.
Điều này báo hiệu không chỉ một tông giọng mới của châu Âu, mà còn cho thấy một hướng đi mới. Những năm qua, nhiều nước châu Âu, nhất là Đức, đã cố gắng vì các lý do thương mại mà bỏ qua nhiều hành xử của Trung Quốc. Nhưng có vẻ như thời đại đó đã qua.
Danh sách bất bình với Trung Quốc đang ngày càng dài thêm, bắt đầu từ các vấn đề liên quan Hong Kong cho tới Biển Đông... và cả những cách tiếp cận kinh doanh đầy tham vọng.
Hội nghị thượng đỉnh vào ngày 14/9 ban đầu nhằm mục đích chính thức hóa mối quan hệ tốt đẹp hơn cho đầu tư song phương giữa EU và Trung Quốc. Nhưng theo Kluth, sau nhiều năm đàm phán, EU giờ đây không còn mặn mà, nên thay vì tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu thì Liên minh bắt đầu thu hẹp dần điều này.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều hạn chế về việc châu Âu sẽ đi xa đến mức nào so với Mỹ trong việc chống lại Trung Quốc.
Sự chọn lựa của EU
Noah Barkin, một chuyên gia theo dõi Trung Quốc ở Berlin và hiện làm việc cho Quỹ Marshall Đức, cho rằng trong khi Mỹ muốn "tách rời" kinh tế khỏi Trung Quốc thì EU lại muốn "đa dạng hóa".
Đó là lý do một số quốc gia châu Âu, nổi bật là Đức, vẫn chưa quyết định cấm hay không cấm Huawei cung cấp bộ công cụ cho các mạng 5G sắp tới. Nó cũng giải thích vì sao Pháp, với sự ủng hộ từ Đức và nhiều nước khác, đang cố gắng giữ cho toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và thịnh vượng.
Người châu Âu nhận thấy mình không thể sát hạch sức mạnh của Trung Quốc ở bất cứ nơi đâu có thể, bởi họ phải tìm kiếm sự hợp tác của Bắc Kinh khi cần thiết để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Trên tất cả, người châu Âu hy vọng sự kình địch giữa Mỹ và Trung Quốc không biến thành một cuộc chiến tranh nóng mà châu Âu sẽ buộc phải chọn bên.
Đối với châu Âu, mục tiêu của khối là duy trì một thể thức tự trị trong một thế giới đang ngày càng chịu sự chi phối của hai siêu cường hàng đầu thế giới.
Nếu ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ, EU sẽ cố gắng hợp tác với đồng minh truyền thống để đạt được mục tiêu của mình. Còn nếu ông Donald Trump giành được thêm một nhiệm kỳ nữa ở Nhà Trắng, châu Âu sẽ tăng tốc các nỗ lực để giữ khoảng cách đều nhau.
Tác giả Andreas Kluth kết luận rằng, dù là tình huống nào, các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng cần phải thay đổi thái độ của mình trong những chuyến thăm tương lai.
Theo Thanh Hảo/Vietnamnet
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên