LTS: Nhân ngày kỷ niệm của Đài tiếng nói Việt Nam, Báo Nhà báo và Công luận xin trích đăng bài của nhà báo Hà Thanh Niên ( Tư Niên ) nguyên phó Bí thư thường trực tỉnh Ủy tỉnh Bến Tre, nguyên Tổng Biên tập Báo Đồng Khởi, cựu học viên báo chí Khoá 3 Trường Tuyên huấn Trung ương Hà Nội, (đã mất năm 2014 ). Anh viết về những ngày đầu tiên bước chân vào nghề báo và làm một công việc ít ai biết: Đó là nghề chép tin đọc chậm trên Đài TNVN trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tiếng súng đợt 2 xuân Mậu Thân thưa dần. Chiến trường thị xã Bến Tre đã qua những tháng ngày sôi động. Đội tuyên truyền xung phong của học sinh kháng chiến được thành lập để phục vụ cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân giải thể. Anh em trong đội số thì vào các đơn vị biệt động, số sang công tác ở Thị Đoàn. Anh Bảy N. và tôi được Ban Tuyên giáo tỉnh rút về Ban. Một ngày đầu tháng 6 năm 1968, từ xã Lương Phú, tôi và anh Bảy N. tìm về Văn phòng Ban ở ấp 7, Giồng Chùa, xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm. Anh Bảy N. được phân công về B1000 (Tiểu ban Giáo dục), còn tôi về Tiểu ban Thông tấn báo chí.
Tôi còn nhớ như in, từ ấp 7, anh giao liên của Ban đưa tôi đi qua ấp 9 (Giồng Lực) cũng thuộc xã Tân Hào, nơi Tiểu ban báo chí đóng “Tòa soạn”, trong một căn nhà nhỏ của ông Chín. Trời chạng vạng tối, anh em trong Tiểu ban đón tôi thân tình nhưng cũng không ít băn khoăn, vì thấy tôi năm đó đã mười lăm tuổi, nhưng vóc dáng nhỏ thó như em bé mười hai, mười ba tuổi, không biết sẽ phân công làm gì cho phù hợp. Chắc các anh lãnh đạo Tiểu ban báo chí cân nhắc nhiều lắm để đi đến quyết định phân công tôi chép tin đọc chậm.
Hồi đó, phương tiện truyền thông rất hạn chế. Kênh thông tin hiệu quả nhất là đài phát thanh, gồm có: Đài Tiếng nói Việt Nam (gọi tắt là Đài Hà Nội) và Đài Phát thanh Giải phóng. Thông tin từ đài phát thanh truyền đến cán bộ, nhân dân ta khá nhanh, nhưng dân có máy thu thanh không nhiều. Các nơi trong vùng bị kềm kẹp, địch không cho nhân dân bắt đài của ta. Hơn nữa, mỗi tin, bài, đài chỉ phát một lần, do đó nhiều người không nghe được hoặc không nghe chính xác, không nhớ lâu. Vì vậy, ngoài phát thanh đọc bình thường, Đài Hà Nội cũng như Đài Giải phóng đều có buổi phát thanh đọc chậm mỗi ngày từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ để cán bộ ghi chép và phổ biến lại cho nhân dân. Mỗi câu, phát thanh viên đọc chậm chậm và đọc lại hai lần. Tôi được cơ quan giao cho chiếc radio (máy thu thanh) để hàng ngày chép tin đọc chậm trên Đài Hà Nội (buổi sáng từ 8 giờ đến 10 giờ) và trên Đài Giải phóng (buổi trưa từ 13 giờ 30 phút đến 15 giờ). Nội dung thông tin chủ yếu là thắng lợi của quân, dân ta trên các mặt: quân sự, chính trị, binh vận, ngoại giao, cũng như tin tức, sự kiện về tội ác của Mỹ, ngụy.
Tôi gắn bó với nghề chép tin đọc chậm gần 4 năm. Đó là những năm chiến tranh ác liệt trên chiến trường Bến Tre. Các phương tiện chiến tranh hiện đại, các kiểu đánh phá ác liệt của bộ binh, pháo binh, hải quân, không quân đã được địch sử dụng trong giai đoạn này. Trước sự tàn bạo và nham hiểm của kẻ thù, mỗi công việc chúng ta làm đều gặp những khó khăn riêng, đòi hỏi người thực hiện nhiệm vụ phải quyết tâm cao và năng động mới hoàn thành. Nghề chép tin đọc chậm gay go nhất là ngay thời điểm đài phát thanh đọc chậm mà địch ném bom, bắn pháo hoặc càn quét vào địa bàn mình đang ở. Muốn có đủ tin tức, tôi phải tranh thủ mọi điều kiện để không bỏ sót thông tin, nhất là các thông tin quan trọng. Có khi xuống hầm tránh bom pháo tôi cũng mang radio và giấy viết theo để chép tin. Có lúc chép tin đọc chậm còn thiếu một số đoạn, tôi phải đón các buổi phát thanh đọc nhanh (phát lại tin đó) để ghi bổ sung cho đầy đủ.
Cơ quan Thông tấn báo chí phải di chuyển hết cù lao Minh đến cù lao Bảo, từ xã này sang xã khác. Đến đóng quân ở một nhà dân nào đó, tôi đều tìm một nơi thuận lợi, yên ổn để chép tin đọc chậm. Có thể là giăng võng ở ngoài hiên nhà, có thể là ngồi trên thùng đạn đại liên (dùng để đựng giấy tờ), đặt tập vở và máy thu thanh trên giường tre mà chép. Mùa hè năm 1971, địch bình định, đóng đồn bót dày đặc các huyện vùng trên; các cơ quan của tỉnh, trong đó có Tiểu ban Thông tấn báo chí phải dạt xuống Thạnh Phú, đóng quân ở Bãi Đầm. Địch đuổi theo đưa quân càn vào Bãi Đầm. Cơ quan tôi chuyển xuống cồn Lợi - vùng rừng ngập mặn. Những ngày đó, tôi giăng võng trên cây mắm, cây đước ngồi chép tin đọc chậm. Tin tức về chiến thắng của bộ đội ta và bộ đội Lào ở đường 9 - Nam Lào, mỗi ngày diệt hàng trung đoàn ngụy Sài Gòn, được ghi chép đầy đủ, làm tôi phấn chấn quên cả gian khổ do nước mặn, chà là gai, muỗi kêu như sáo thổi, hay việc ăn cơm nguội với đường tán trong cơn sốt rét hoành hành.
Chép đầy đủ thông tin vào tập là hoàn thành được phân nửa công việc. Phân nửa công việc còn lại là đến giữa tháng, cuối tháng, tập hợp các tin tức đã chép thành các bản tin tổng hợp để in ấn, phổ biến cho cán bộ, nhân dân ta. Công đoạn này đòi hỏi phải có “nghề”, mà tôi thì chưa được huấn luyện ngày nào. Vừa làm vừa học, học từ công việc đã làm và sự góp ý của các anh trong Tiểu ban, dần dần các bản tin thời sự tổng hợp do tôi biên soạn chất lượng tốt hơn, có trọng tâm, sinh động, được in thành tập thời sự hoặc đưa lên trang báo Chiến Thắng phát hành đến cơ sở, cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Gần 4 năm làm nghề chép tin đọc chậm, tôi có niềm vui là hoàn thành nhiệm vụ, nhưng vẫn còn băn khoăn và tự ti so với các anh chị phóng viên đi theo bộ đội ra trận để có tư liệu viết những mẩu chuyện hừng hực hơi thở chiến trường hoặc được đi tham dự đại hội để viết những bài tường thuật làm náo nức người đọc. Tôi mơ ước một ngày nào đó được làm phóng viên, được tự mình thâm nhập vào thực tế cuộc sống, chiến đấu để có chất liệu viết nên những bản tin, bài phóng sự, mẩu chuyện, bài tường thuật...ký bút danh của mình...
Hòa bình năm 1975, tôi được đưa đi đào tạo chính quy ở trường báo chí. Ra trường, tôi lại viết báo rồi biên tập báo, tổ chức thực hiện một chuyên mục trên báo, một trang báo rồi một kỳ báo. Mười năm, hai mươi năm, trưởng thành trong nghề làm báo nhưng tôi không sao quên được những ngày làm nhiệm vụ chép tin đọc chậm. Những năm tháng ác liệt đó, tôi đưa đến cho quân, dân ta những tin thắng trận giòn giã, những tội ác dã man của Mỹ ngụy, cũng là mang đến cho bạn đọc trên chiến hào niềm tin vào chiến thắng. Đó thật sự là những tháng ngày có ý nghĩa trong nghề làm báo của tôi!
Theo H.T.N/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên