Hàng năm, các tàu thuyền thường tập trung dọc theo đường giới hạn Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Argentina để đánh bắt hải sản tại các ngư trường dồi dào.
Bằng cách theo dõi tín hiệu từ các tàu trong khoảng thời gian từ tháng 1/2018 đến tháng 4/2021, Oceana, tổ chức phi chính phủ quốc tế chuyên về bảo tồn đại dương, phát hiện hơn 800 tàu dường như đã tiến hành gần 900.000 giờ đánh bắt trong vòng 20 hải lý từ biên giới giữa vùng biển của Argentina và vùng biển quốc tế.
"Trong khoảng 3 năm rưỡi, đã có hơn 6.000 trường hợp tàu cá trở nên "vô hình" khi tắt các thiết bị theo dõi điện tử, hay còn được gọi là Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS)", báo cáo của Oceana cho biết.
Theo Oceana, các con tàu đã "ẩn mình" trong hơn 600.000 giờ khi đi qua lãnh hải của Argentina để đánh bắt cá trái phép.
"Thật đáng ngờ khi họ đã tắt AIS trong phần lớn thời gian ra khơi đánh cá", Marla Valentine, nhà sinh thái học tại Oceana, cho biết.
"Các sinh vật biển trị giá hàng tỷ USD đang bị đánh bắt khỏi hệ sinh thái. Điều này có thể ảnh hưởng lâu dài đến chu kỳ sinh sản của chúng", bà Valentine nói.
Gần 66% tàu tắt thiết bị theo dõi là tàu câu mực có gắn cờ Trung Quốc - những tàu có các chùm đèn sáng và bộ móc câu được thiết kế để đánh bắt mực, trong khi 6% là tàu Tây Ban Nha.
Argentina có một trong những ngư trường đánh bắt mực lớn nhất thế giới với giá trị thương mại gần 4 tỷ USD vào năm 2016. Báo cáo của Oceana cho biết mực của Argentina đóng vai trò "rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, an ninh lương thực và tiềm năng phục hồi của đại dương".
Sự hiện diện của hàng loạt tàu thuyền ở ngoài khơi vùng biển Argentina đã dẫn đến một số cuộc đối đầu với lực lượng bảo vệ bờ biển của Argentina. Vào tháng 4 năm ngoái, khoảng 100 tàu câu mực - hầu hết được gắn cờ Trung Quốc - đã bị bắt với cáo buộc đánh bắt cá trái phép khi xâm nhập vùng biển Argentina vào ban đêm và đều tắt thiết bị theo dõi tự động.
Tháng 3/2016, lực lượng tuần duyên Argentina đã đánh chìm một tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép, sau khi bắn cảnh cáo về phía mũi tàu và liên tục cảnh báo các thuyền viên trên tàu thông qua radio.
Năm 2018, 4 tàu cá mang cờ Trung Quốc đã tập hợp lại để bảo vệ một tàu thứ 5 bị tuần duyên Argentina truy đuổi. Đây là con tàu bị phát hiện đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Argentina và có hành vi đánh bắt trái phép ở khu vực này.
Năm ngoái, Oceana cũng báo cáo về tình trạng đánh bắt bất hợp pháp của các đội tàu Trung Quốc khổng lồ dọc theo bờ biển Thái Bình Dương của khu vực Nam Mỹ, ảnh hưởng đến một loạt quốc gia gồm Chile, Colombia, Ecuador và Peru. Các tàu này cũng bị cáo buộc tắt các thiết bị theo dõi và tham gia vào các hoạt động vận chuyển khả nghi.
Trung Quốc là nước có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất thế giới với gần 17.000 tàu, trong đó có 1.000 tàu đăng ký ở nước ngoài. Khu vực hoạt động chủ yếu của các tàu này là ở ngoài khơi vùng biển phía nam Trung Quốc, vùng biển châu Phi và Nam Mỹ.
Đội tàu cá Trung Quốc bị cáo buộc thường xuyên dính líu đến các hoạt động khai thác quá mức, xâm phạm quyền tài phán trên biển, sử dụng giấy tờ đánh bắt giả và cưỡng ép lao động trên tàu.
Theo Dân trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên