Nghị định 38/2021/NĐ-CP (Nghị định 38) về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo vừa có hiệu lực từ ngày 1/6, đang làm dấy lên nhiều lo ngại rằng đây sẽ là rào cản lớn khiến kinh tế báo chí đã khó khăn lại càng thêm trắc trở.
Xung quanh Nghị định 38, Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS - Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, về vấn đề này.
Trong 2 năm trở lại đây, các cơ quan báo chí trong nước đã cố gắng hết sức để tồn tại trong bối cảnh đại dịch và sự cạnh tranh khốc liệt từ các đại gia công nghệ nước ngoài nhưng tình hình đang diễn biến theo chiều hướng không mấy khả quan.
Chưa dừng lại, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều khả năng năm 2021 tình hình cũng không cải thiện nếu không muốn nói là sụt giảm thêm về doanh thu quảng cáo đối với ngành báo chí.
Đến nay, Nghị định 38 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo chính thức có hiệu lực từ 1/6, lại như "giáng thêm 1 đòn" đối với hoạt động của ngành báo chí với những quy định siết chặt có thể nói là "quá tay" đối với dịch vụ kinh doanh quảng cáo trực tuyến đối với các cơ quan báo chí trong nước. Hay nói cách khác, ngành báo chí đã khó nay sẽ thêm "ngộp thở" với quy định tại Nghị định 38.
Xin ông phân tích cụ thể hơn?
- Nghị định 38 có quy định phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng nếu thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định trên báo điện tử và trang thông tin điện tử quá 1,5 giây. Tức là đồng nghĩa với việc cho phép người dùng nhấn nút bỏ qua quảng cáo (skip ad) chỉ trong 1,5 giây.
Theo quan điểm cá nhân, thời gian tắt, mở quảng cáo trong 1,5 giây là "quá ngắn và bất khả thi". Với 1,5 giây người xem chưa kịp nắm bắt được sản phẩm được quảng cáo cũng như những nội dung cơ bản nhất doanh nghiệp sử dụng dịch vụ quảng cáo muốn truyền tải tới người xem. Cũng có nghĩa là hiệu quả của quảng cáo không còn, như vậy tại sao doanh nghiệp phải quảng cáo trên báo chí chính thống?
Thay vào đó, doanh nghiệp trả tiền quảng cáo sẽ bỏ sang các nền tảng mạng xã hội (MXH) như Google search, Facebook advertising hay các kênh quảng cáo trực tiếp đến khách hàng như Shopee, Lazada…
Đây là vấn đề rất lớn mà các cơ quan chức năng cần phải xem xét và cân nhắc lại để tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí trong nước tồn tại. Bởi một khi báo chí chính thống trong nước yếu đi thì chỉ làm lợi cho các kênh bên ngoài.
Hơn nữa, việc kinh doanh quảng cáo trên thế giới tương đối tự do và họ hoàn toàn có thể thiết kế các cách thức quảng cáo khác nhau, thời gian hiển thị quảng cáo phù hợp với nội dung quảng cáo,…
Trong khi đó, chúng ta đang hội nhập sâu rộng, nên rất rất cần thiết phải tạo cho doanh nghiệp sân chơi có thể cạnh tranh một cách công bằng bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và giữa các doanh nghiệp trong nước và và các doanh nghiệp quốc tế. Với ngành báo chí cũng không phải ngoại lệ. Chúng ta không thể đi ngược với thông lệ quốc tế.
Với quy định tại Nghị định 38, thị phần của quảng cáo trực tuyến sẽ được chia lại như thế nào, thưa ông?
Theo thống kê, doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam khoảng 630 triệu USD/năm. Trong khi đó, tổng doanh thu của báo chí điện tử mỗi năm chỉ khoảng trên 4.000 tỷ đồng.
Nói cách khác, hơn 10.000 tỷ đồng quảng cáo trực tuyến hiện đang vào túi các "ông lớn" nước ngoài như Google, Facebook và hàng loạt các nền tảng trực tuyến OTT khác.
Một thống kê khác cho thấy, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam năm 2020 ước đạt 820 triệu USD, dự báo con số này sẽ tăng lên hơn 955 triệu USD trong năm 2021.
Thực ra, không phải bây giờ mà ngay từ khi Nghị định 38 chưa có hiệu lực thì người ta đã nói đến việc cạnh tranh quảng cáo không công bằng giữa một số nền tảng nước ngoài và các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
Điều đáng nói, có tới gần 80% số tiền này lại chảy vào túi các doanh nghiệp xuyên biên giới như Google hay Facebook,... Phần nhỏ nhoi còn lại là để cho doanh nghiệp trong nước chia nhau, trong đó có cả các cơ quan báo chí.
Những quy định "quá tay" tại Nghị định 38 có thể khiến cho hàng nghìn tỷ đồng quảng cáo trực tuyến trên báo điện tử trong nước rơi hết vào tay các "ông lớn" xuyên quốc gia. Mà đây lại là những đại gia đang được nhắc đến nhiều vì nộp thuế chưa tương xứng với doanh thu.
Tất nhiên về lâu về dài, cơ quan quản lý cũng sẽ giải quyết được bài toán về thuế đối với các "đại gia" công nghệ này, song điều quan trọng nhất hiện nay tôi muốn nhấn mạnh đó là đừng đẩy miếng bánh gần 1 tỷ USD quảng cáo trực tuyến cho các đại gia nước ngoài "nuốt trọn", trong khi chúng ta hoàn toàn có thể tạo điều kiện để nhận được thị phần to hơn so với hiện nay.
Nhìn góc độ vĩ mô hơn, nếu bị "bóp nghẹt" thêm, báo chí không có nguồn thu từ quảng cáo, không sống được thì cũng không đủ nguồn lực để thực hiện sứ mệnh người cung cấp thông tin chính thống cho bạn đọc, thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chúng ta không thể thuê Google hay Facebook tuyên truyền cho động lực của Đảng và Nhà nước, việc này chỉ có các cơ quan báo chí, truyền thông chính thống trong nước có thể làm được.
Ngoài ra, khi hoạt động quảng cáo của báo chí bị siết chặt, nghĩa là doanh nghiệp trả tiền quảng cáo cũng sẽ ít lựa chọn đối tác quảng cáo hơn và chi phí quảng cáo có thể sẽ gia tăng, theo quan hệ cung -cầu. Đặt trong bối cảnh hiện nay, cân đối thu – chi sẽ là bài toán khó với doanh nghiệp.
Tóm lại, các "đại gia" công nghệ nước ngoài sẽ hưởng lợi, trong khi đó báo chí trong nước ngộp thở và doanh nghiệp trả tiền quảng cáo cũng thiệt thòi hơn và ảnh hưởng tới cả nền sản xuất trong nước.
Nhiều hệ lụy như vậy, chúng có có cần có quy định cứng đối với hoạt động kinh doanh quảng cáo hay không?
- Khẳng định, việc tạo cơ hội cho ngành báo chí, truyền thông trong nước phát triển là rất cần thiết. Hơn nữa, muốn có được nền kinh tế bền vững và thông tin đầy đủ hoàn thiện phục vụ mục tiêu chính trị, kinh tế xã hội phải xuất phát từ chính nội lực, bằng chính các doanh nghiệp trong nước.
Với Việt Nam hiện nay, chúng ta đi theo kinh tế thị trường nên để thị trường quyết định.
Thị trường quyết định là gì, đó là để khách hàng quyết định mà không nhất thiết phải có "bàn tay vô hình" can thiệp quá sâu vào những vấn đề mang tính kỹ thuật. Nếu báo điện tử nào thực hiện quảng cáo nhiều, nội dung quảng cáo phản cảm hay thời gian "quá lố" thì độc giả sẽ tự lựa chọn các kênh thông tin khác để tiếp cận tin tức.
Tất nhiên trong điều kiện hiện nay của nước ta, Nhà nước vẫn quản lý mọi hoạt động kinh tế xã hội và đặc biệt là hoạt động truyền thông thì Nhà nước có quy định tương đối cụ thể và riêng biệt nhưng như đã nói, chúng ta đang đi theo kinh tế thị trường thì dù có "bàn tay" Nhà nước nhưng vẫn phải tôn trọng tính thị trường của hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động quảng cáo nói riêng.
Do đó, chúng ta vẫn có thể có nhưng quy định "cứng", tạo khuôn khổ cho các doanh nghiệp báo chí đối chiếu tuân theo để hài hòa lợi ích cho tất cả các bên như doanh nghiệp, người tiêu dùng, cơ quan báo chí.
Nhưng theo tôi, các quy định tại Nghị định 38 cần được xem xét sửa đổi phù hợp thực tiễn hơn. Đơn cử như thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định trên báo điện tử và trang thông tin điện tử ít nhất 5 giây.
Hay như việc chèn quảng cáo trong nội dung tin bài thay vì cấm thì thiết kế sao cho phù hợp có thể quy định chỉ được chèn tối đa 2 quảng cáo trong nội dung chẳng hạn. Những vấn đề còn lại để kinh tế thị trường quyết định.
Xin cám ơn ông!
Theo H.Anh/Dân Việt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên