Chủ tịch Quốc hội: Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra vẫn còn “chung chung”

Thứ tư - 16/06/2021 10:53
Ngày 15/6, trong chương trình phiên họp thứ 57, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN 6 tháng cuối năm 2021.

Trước đó, UBTVQH đã nghe trình bày các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội về đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước tháng 5, 5 tháng, dự báo thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021.
111
Quang cảnh phiên họp.

Cho ý kiến về các báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị các báo cáo cần bổ sung một số nội dung để hoàn thiện hơn. Trong đó, cần có thêm đánh giá việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ dành cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Chỉ rõ trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra nêu rất mờ nhạt về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh đây là một nội dung đặc biệt quan trọng, bởi khi làm tốt công tác bảo đảm chủ quyền an ninh biên giới, an toàn, trật tự thì sẽ tạo ra môi trường phát triển xã hội, kinh tế rất tốt. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải làm rõ thêm nội dung này nhất là trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19. Đặc biệt, cần phải phân tích làm rõ tác động của đại dịch COVID-19 đến đời sống nhân dân, vấn đề thu nhập, việc làm… vấn đề đó ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

Có cùng đề nghị, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, Chính phủ cần tiến hành tổng kết, đánh giá cụ thể các gói giải pháp đã thực hiện trong đại dịch COVID-19 đặc biệt là trong năm qua để rút ra được những giải pháp gì cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, giải pháp gì cần được điều chỉnh.

Cần tiếp tục đánh giá đối với gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp do đại dịch, đồng thời xem xét hiệu quả các chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

111
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Ông Bùi Văn Cường lưu ý rằng, Chính phủ cần phải giữ nguyên tắc xuyên suốt trong thời gian thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế đó là luôn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô khi đưa ra các chính sách trong giai đoạn này.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, các báo cáo nêu tương đối toàn diện, đầy đủ, phản ánh đúng sự nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và hệ thống chính quyền địa phương trong cả nước trong 5 tháng đầu năm với các ưu điểm rất nổi bật và một số hạn chế, yếu kém đã được chỉ rõ.

Tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị các báo cáo phải chỉnh lý thêm một số nội dung để gắn với kết luận của Trung ương, chỉ rõ các nội dung đã làm, nội dung chưa làm được. Đồng thời gắn với nội dung Nghị quyết 124 ngày 11/11/2020 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, từ đó đối chiếu với các mục tiêu tổng quát, các nhóm mục tiêu, 12 chỉ tiêu, 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Quốc hội giao để báo cáo việc gì làm được, việc gì chưa làm được.

“Năm 2021 là năm đầu thực hiện đại hội Đảng, năm đầu thực hiện chiến lược 10 năm, năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm, năm bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, kiện toàn bộ máy; là năm chuyển giao nhiệm kỳ, vừa là năm cuối nhiệm kỳ vừa là năm đầu nhiệm kỳ. Do đó cần làm rõ, cuối nhiệm kỳ làm được đến đâu, và đầu nhiệm kỳ tới làm gì, trong đó, chú ý đến đặc điểm, bối cảnh của năm nay để phản ánh vào báo cáo sát với yêu cầu nhiệm vụ mà Trung ương và Quốc hội giao”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: “Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra vẫn còn chung chung”.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ: “Báo cáo còn thiếu cấn đối giữa đánh giá về kinh tế và xã hội, nhất là đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 tác động đến đời sống nhân dân, xã hội, sức khỏe, tinh thần, tình trạng đời sống một số bộ phận rất khó khăn”.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị: Báo cáo Chính phủ và báo cáo thẩm tra phải căn cứ vào Nghị quyết 124 Quốc hội khóa XIV về phát triển kinh tế - xã hội của 2021, trong đó có tổng quát mục tiêu cụ thể, nhóm chỉ tiêu các nhiệm vụ, giải pháp rất rõ ràng, cái gì đã làm được, cái gì chưa làm. Cùng với đó là Nghị quyết 128 Quốc hội về tài chính, ngân sách của năm 2021; Kết luận số 07 ngày 11/6 của Bộ Chính trị về một số các nhiệm vụ trọng tâm về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó Bộ Chính trị đã có đánh giá và định hướng của 6 tháng cuối năm rất rõ ràng.

111
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, các báo cáo còn thiếu nhận định về bối cảnh của năm 2021 cần làm rõ hơn: Một là, tình hình phòng, chống dịch COVID -19 trên thế giới trong năm 2021 đã có sự khác biệt hoàn toàn so với năm 2020.

Hai là, rủi ro bong bóng tài sản trên toàn thế giới do hệ quả của chính sách siêu nới lỏng của Hoa Kỳ và các nước trên thế giới nhằm ngăn chặn đà suy giảm của kinh tế theo chu kỳ và hạn chế hậu quả của đại dịch COVID-19.

Điều hành và kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan Chính phủ và các cơ quan thẩm tra đã khẩn trương hoàn thiện các báo cáo.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cần bổ sung một số nội dung, cập nhật số liệu của 6 tháng đánh giá toàn diện tình hình và đặc biệt biểu dương các lực lượng ở tuyến đầu, trong đó ngành y tế, công an, quân đội và các địa phương đang khẩn trương phòng, chống dịch. Đồng thời có thêm đánh giá kết quả bầu cử; bổ sung các vấn đề đánh giá các chính sách kinh tế, các gói hỗ trợ, giải ngân vốn đầu tư công”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu.

Đối với các vấn đề về thể chế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu để xử lý ngay những vấn đề liên quan đến các luật, việc thực hiện các luật cũng như đối với một số doanh nghiệp như hàng không, ngân hàng, vấn đề liên quan đến hỗ trợ cho các doanh nghiệp, làm rõ nguyên nhân và nêu rõ trách nhiệm cụ thể của từng cấp, từng ngành để có giải pháp tháo gỡ cụ thể và tích cực.

 

Theo Quốc Trần/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây