Đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở 2, mở rộng diện tích và không gian phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội tại tỉnh Hưng Yên

Thứ tư - 26/03/2025 14:57
Đó là một trong những nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện Đề án Phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký phê duyệt tại Quyết định số 663/QĐ-TTg ngày 25/3/2025.
dhbk

Theo Quyết định, quan điểm là phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội theo các tiêu chuẩn chất lượng của quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, lấy kỹ thuật và công nghệ làm nòng cốt; tập trung đầu tư phát triển một số ngành kỹ thuật và công nghệ then chốt phục vụ nghiên cứu, phát triển các lĩnh vực công nghệ và công nghiệp chiến lược mà Đại học Bách khoa Hà Nội có thế mạnh, đóng góp trực tiếp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của Thủ đô Hà Nội, của vùng Đồng bằng sông Hồng và của cả nước; huy động các nguồn lực để phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội, trong đó ngân sách nhà nước đóng vai trò chủ đạo để hiện đại hóa cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và mở rộng không gian phát triển.

Mục tiêu đặt ra là phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thành cơ sở giáo dục đại học hiện đại, thuộc nhóm hàng đầu châu Á trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ; là trung tâm xuất sắc về đào tạo, phát triển tài năng, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo giữ vai trò dẫn dắt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam ở các ngành phục vụ phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược (bao gồm các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, chuỗi khối, điện tử, bán dẫn, chip, công nghệ số, robot và tự động hoá, năng lượng, môi trường, công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến...); đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội, của vùng Đồng bằng sông Hồng và của cả nước.

Đến năm 2030, phấn đấu: Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt 85%, trong đó 30% có chức danh giáo sư, phó giáo sư, 10% là giảng viên, nhà khoa học uy tín đến từ nước ngoài; ít nhất 25% tổng số chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh; đào tạo ít nhất 8.000 kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ trong các ngành phục vụ phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược; trung bình mỗi giảng viên có 1,6 công bố khoa học/năm trong danh mục Web of Science, SCOPUS; toàn Đại học Bách khoa Hà Nội có số lượng sở hữu trí tuệ được công nhận trung bình đạt từ 25 đến 30 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích/năm; có từ 04 đến 06 nhóm ngành/ngành được xếp hạng trong tốp 300-500 khu vực, thế giới; có ít nhất 06 sản phẩm được thương mại hóa thành công từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Đại học Bách khoa Hà Nội là trung tâm mạng lưới đổi mới sáng tạo của Thủ đô Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng, ươm tạo ít nhất 10 doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off), khởi nghiệp sáng tạo (start-up) gọi vốn thành công với tổng giá trị trên 10 triệu USD.

Định hướng đến năm 2035: Đại học Bách khoa Hà Nội là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo xuất sắc đứng đầu cả nước về khoa học, kỹ thuật và công nghệ, được xếp hạng trong nhóm 100-150 khu vực châu Á theo các bảng xếp hạng quốc tế uy tín.

Đến năm 2045: Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành cơ sở giáo dục đại học thuộc nhóm 100 trường hàng đầu châu Á trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, có danh tiếng trong khu vực và thế giới về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; giữ vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam; đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây