Khủng hoảng giá lợn lặp lại
Theo tính toán của ông Hoàng Văn Chung, chủ trang trại lợn quy mô 1.600 con ở Phú Lương (Sơn Dương, Tuyên Quang), một con lợn nuôi đến lúc xuất chuồng nặng 1,3 tạ, ông phải bỏ ra 5,3 triệu đồng. Trong đó, tiền giống 1 triệu đồng (trang trại tự chủ được con giống), chi phí tiền cám hết hơn 4,2 triệu đồng, chi phí các loại khác hết khoảng 100.000 đồng. Với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải đi mua con giống thì giá thành chăn nuôi một con lợn đến lúc xuất bán lên tới 6,5 triệu đồng.
Thế nhưng, những ngày này giá thịt lợn hơi gần như “rơi tự do”. Như sáng 14/10, ông cân bán lứa lợn 30 con với giá 29.500 đồng/kg mà thương lái vẫn không muốn bắt. Bán xong, ông lỗ 2,35 triệu đồng/con lợn khi xuất chuồng.
Từ đầu tháng 10 tới giờ, ông Chung đã xuất bán khoảng 300 con lợn, chịu lỗ hơn 600 triệu đồng.
“Với giá lợn như hiện nay, đại lý thức ăn chăn nuôi cũng cắt cung, không cho nợ tiền cám. Họ sợ giá giảm thêm người nuôi sẽ không có khả năng trả tiền. Thành ra, nuôi lợn lúc này đành chấp nhận thương lái trả giá nào cũng bán, không khác gì thời kỳ khủng hoảng giá lợn năm 2017”, ông nói.
Ông Nguyễn Công Bắc, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở Chiềng Sinh (Sơn La), cũng cho biết, cách đây hai ngày ông phải xuất bán 500 con lợn với giá 30.000 đồng/kg. Đến hôm nay, giá đã giảm xuống dưới mốc 30.000 đồng/kg.
“Giá này thì bán một con lợn không đủ để trả tiền cám chứ chưa nói đến tiền công, tiền giống, tiền thuốc men,... ”, ông than thở. Từ đầu tháng 10 đến nay, gia đình ông lỗ 3 tỷ đồng, còn cộng cả số lỗ tháng 9 thì lên tới hơn 5 tỷ đồng.
Theo ông Bắc, với mức giá giảm sâu như hiện nay thì lịch sử khủng hoảng giá lợn năm 2017 đang lặp lại. Bởi, hiện tại giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã nên lợn hơi xuất chuồng ở mức 30.000 đồng/kg thì cũng chỉ tương đương với giá 17.000 đồng/kg năm 2017.
“Không chỉ trang trại của tôi mà các hộ chăn nuôi khác cũng vậy, lỗ quá nặng thì đành phải thu hẹp đàn lợn. Bán lợn rồi không dám tái đàn”, ông chia sẻ.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho biết, giá thịt lợn hơi đang giảm quá sâu. Như sáng 14/10, loại lợn ngon nhất tại Đồng Nai giá xuất chuồng cũng chỉ 40.000 đồng/kg, còn lại ở mức 35.000-37.000 đồng/kg.
“Lịch sử khủng hoảng giá lợn năm 2017 lại lặp lại với người chăn nuôi hiện nay”, ông nhận xét. Giá thức ăn chăn nuôi tăng hơn 40%, đẩy giá thành sản xuất lên rất cao khiến người nuôi phải chịu lỗ trên dưới 2 triệu đồng/con lợn khi xuất bán.
Trong nước ế thừa, vẫn nhập khẩu ồ ạt
Điều lo lắng hơn cả là số lượng lợn hơi đến kỳ xuất chuồng đang tồn đọng tới vài trăm nghìn con tại thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai. Ông Đoán ước tính, trước khi TP.HCM bùng phát dịch Covid-19, mỗi ngày Đồng Nai cung ứng cho thành phố khoảng 3.000-4.000 con lợn hơi. Khi dịch bệnh xảy ra, lượng cung giảm chỉ còn hơn 1.000 con, tức Đồng Nai dư thừa khoảng 2.000-3.000 con lợn/ngày. Cộng dồn lại cả thời kỳ giãn cách vừa qua, Đồng Nai tồn ít nhất 300.000 con lợn quá lứa mà chưa thể bán.
“Lợn trọng lượng 1-1,1 tạ/con còn dễ bán. Với loại lợn trọng lượng đạt 120-130 kg/con đang tồn đọng thường rất khó bán, thương lái hay chê và mua giá thấp”, ông cho hay.
Người chăn nuôi ở Đồng Nai vốn kỳ vọng, khi hết giãn cách giá lợn sẽ bật tăng. Song, đến thời điểm này, các bếp ăn tập thể vẫn chưa hoạt động bình thường như trước; nhà hàng, quán ăn vẫn còn hạn chế khiến cung dư thừa, giá lợn vẫn tiếp đà giảm sâu.
Cũng theo ông Đoán, thời gian qua thịt lợn nhập khẩu về ồ ạt, nguồn cung trong nước cũng có phần dư thừa càng dồn người chăn nuôi vào thế khó. Tâm lý chung là e ngại tái đàn vì sợ tiếp tục lỗ nặng.
Ước tính của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), số lợn quá lứa xuất chuồng nhưng chưa bán được là khoảng 8 triệu con, tương đương 30% tổng sản lượng. Trong khi, thịt lợn nhập khẩu 8 tháng năm 2021 lên tới 257.000 tấn, trị giá đạt hơn 508 triệu USD, tăng 62% về lượng và tăng 84% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Các chuyên gia cho rằng, để giá thịt lợn phục hồi trở lại, trước mắt nên ngừng nhập khẩu thịt lợn. Ngoài ra, tăng cường các kho lạnh để mua dự trữ thịt lợn, chặn đà giảm giá. Cùng với đó, rà soát, điều chỉnh tăng hoặc giữ mức thuế nhập khẩu với mặt hàng thịt lợn, giảm thuế nhập khẩu với ngô, đậu tương. Nếu không có biện pháp hỗ trợ thì với đà tăng của giá thức ăn chăn nuôi, đà giảm của giá thịt lợn thì sớm muộn ngành này cũng bị "bóp chết".
Theo Châu Giang/VietNamnet
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên