Khi tôi rời nhiệm sở của một cơ quan đoàn thể trở về với cuộc sống gia đình thì thằng cháu nội thứ tư của tôi vừa tròn 3 tháng tuổi. Một buổi sáng, tôi nghe tiếng chân giậm trên cầu thang rồi khuôn mặt của mẹ cháu ùa vào rạng rỡ: “Ông ơi thằng Bo biết lật rồi”. Tôi vội theo mẹ cháu lên tầng 3. Trên chiếc giường nhàu nhĩ chăn đệm, thằng cháu nằm úp, cái đầu dày tóc đen nhánh chúi chúi trên mặt gối. Dù cố hết sức nhưng cháu vẫn không thể nhấc nổi cái đầu to, nặng lên được. Tôi vội vàng đỡ cháu lên, ấp khuôn mặt của mình vào mặt cháu. Một cảm giác rân rân lạ lùng lan truyền khắp cơ thể. Lần nào cũng vậy, bế cháu, tôi đều gặp cái cảm giác máu mủ ruột rà sâu đến tận cùng như vậy. Có thể đó là tình trạng chung của người già, những người biết trước rằng, mình sẽ không còn được trú ngụ ở cuộc đời này bao nhiêu lâu nữa.
Vào thời điểm này, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên cả nước, làn sóng dịch thứ 4, với biến chứng Delta đổ bộ vào thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam với cường độ lây nhiễm khủng khiếp. Ngày nào cũng có hai, ba ngàn ca F0 được phát hiện, hàng trăm người chết, không khác gì tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ tháng trước. Cả thành phố 9 triệu dân bị phong tỏa, giãn cách, ai ở đâu ở yên đó. Một tháng rồi 2 tháng, càng giãn cách, phong tỏa, con số nhiễm bệnh, tử vong càng dần lên như nước lũ.
Ngày nào, vào buổi tối, tôi cũng nôn nóng ngồi trước màn hình Tivi, hồi hộp và lo lắng sau đó là thất vọng, chán nản. Hình như có một cái gì đó chưa ổn trong cách phòng chống dịch của chính quyền, người dân trong thành phố. Liệu rằng chúng ta có chủ quan quá không, khi hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh bị phong tỏa, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có dăm bảy ca nhiễm. Lúc đó, nếu có vắc xin, kể cả là vắc xin Trung Quốc chích cho người dân thành phố chắc chắn sẽ không gặp cái thảm họa hàng chục vạn người lây nhiễm, hàng chục nghìn người tử vong như hiện nay. Người Trung Quốc không cho không, giúp đỡ không ai bao giờ mà họ không đòi lại.
Còn nhớ, trước khi Phó tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris tới thăm Việt Nam vài giờ, đại sứ Trung Quốc, ông Hùng Ba đã xin gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính hứa tặng 1 triệu liều vắc xin Sinopharm chỉ để nhận biết 1 thông tin: Việt Nan không chọn bên. Và trước khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đi Mỹ dự cuộc họp đại hội đồng Liên Hiệp quốc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị lại sang thăm Việt Nam, hứa tặng thêm 3 triệu liều vắc xin nữa, trong lúc họ vẫn tập trận, bom đạn thật trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Mới hay ngay từ đầu dịch, khi Trung Quốc có vắc xin, sự lựa chọn của những nhà lãnh đạo Việt Nam đối với Sinovac, Sinopharm khó khăn đến mức nào.
Có lẽ chưa bao giờ người dân cả nước hướng về Thành phố Hồ Chí Minh, yêu thương và xót xa cho cái thành phố phồn vinh bậc nhất cả nước như hiện nay. Hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính, áo đẫm mồ hôi khi làm việc với lãnh đạo thành phố, khi vào tận các hang cùng ngõ hẻm ở tâm dịch để kiểm tra, chỉ đạo thật cảm động. Rồi hàng chục ngàn, trăm ngàn các y bác sĩ, các điều dưỡng viên từ Hà Nội, từ các tỉnh phía Bắc vào thành phố Hồ Chí Minh chi viện chống dịch đã gợi lên để làm sống lại cái ý niệm máu thịt da diết, Nam Bắc một nhà. Vậy mà ngày đầu tiên sau 1 vài trục trặc giữa người mới đến và cơ sở tiếp nhận, có kẻ đã mỉa mai rằng, thành phố Hồ Chí Minh không cần sự chi viện ấy, rằng thành phố đủ sức chống dịch mà không cần ngoại viện... Bây giờ, sau 3,4 tháng nằm nhà, chắc bẳn họ đã tỉnh ra rồi. Nếu không có sự chi viện của cả nước, của miền Bắc, sức tàn phá của con vi rút biến chủng sẽ còn khốc hại đến đâu.
Một buổi sáng, một người bạn thân, nhà thơ Lê Thành Nghị gọi điện cho tôi, Nguyễn Quốc Trung bị nhiễm Covid rồi. Tôi vội vã gọi cho vài người bạn thân thiết ở thành phố. Họ đều xác nhận điều đó. Một tuần trước Trung còn gọi điện cho tôi, bảo ở Hà Nội anh cần gì, thiếu gì em gởi ra cho. Vậy mà... tôi điện cho Trung. Trung bảo đang nằm ở viện quân y 175, các bác sĩ ở đây rất tốt. “Em ăn được một ít rồi”. Giọng Trung yếu ớt. Tôi sợ Trung mệt nên vội vã tắt máy.
Vậy là con vi rút quái ác đã mò vào đến người thân của mình rồi, đến chân giường của mình rồi. Tuy là nhân viên của cơ quan tôi, đã từng lặn lội nhiều năm trên chiến trường Campuchia. Hồi tôi còn công tác ở tạp chí Văn nghệ Quân đội, Trung luôn coi tôi như một người anh, còn tôi coi Trung như một người em thân thiết. Mỗi lẫn vào Thành phố Hồ Chí Minh công tác, Trung đều dẫn tôi đi ăn bún bò Huế, bún mắm, những món ăn mà tôi rất thích. Lần nào ăn xong Trung cũng đều giành trả tiền. Có lần tôi ăn thật nhanh, biết ý tôi, Trung lùa vội miếng rau vào miệng, vừa giữ chặt tay tôi không cho tôi trả tiền, cử chỉ thật buồn cười. Trung luôn ồn ào và liến láu. Liến láu nhưng kín đáo, giấu nhẹm đời tư của mình. Là thủ trưởng của Trung hơn chục năm, tôi vẫn không khai thác được gì về đời tư của Trung. Ngoài những truyện ngắn, tiểu thuyết mà Trung viết.
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu bảo tôi: Trung bị lây nhiễm bệnh từ một shipper giao hàng
***
Thằng cháu tôi đã biết bò. Ngoài lúc ăn và lúc ngủ, cháu lổm nhổm bò suốt ngày trên sàn nhà, trên cầu thang. Rất ít khi cháu chịu ngồi lại lâu lâu với một đồ chơi nào đó. Đúng là cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Thời điểm này, dịch bệnh này vẫn tiếp diễn mỗi ngày một khốc liệt ở Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi ngày có đến hai, ba trăm người không qua khỏi. Các nhà hỏa táng chạy hết công suất, xe chở thi hài vẫn nối dài trên các con phố. Hà Nội cũng đã phong tỏa được hơn một tháng. Suốt ngày, tôi ở nhà với cháu, bố mẹ ở nhà với con. Lương thực, thực phẩm liên tục phải bổ sung qua các shipper giao hàng. Cháu tôi biết bò trong mùa dịch. Nó dần lớn lên trong lúc tôi mỗi ngày một già đi. Năm ngoái tôi còn nhuộm tóc cho đỡ già trước các anh chị em trong cơ quan, giờ tôi bỏ mặc, thả lỏng hoàn toàn. Vợ tôi có lúc bảo: “Bố không nhuộm tóc trông ốm quá”. Tôi nhìn vào gương thấy mình thật thảm hại: tóc bạc, râu bạc và cả lông mày cũng bạc. Cứ thấy người hơi khang khác một chút là lại lo lắng: chẳng hay mình bị nhiễm Covid rồi. Mình bị đã đi một nhẽ, lo là lo cho cả nhà, lo cho thằng chó con đang bỏ lổm ngổm, thích leo trèo, gặp cái gì cũng nhặt, cũng vứt bừa bộn khắp nhà...
Vào một buổi tối, khi đang đứng nói chuyện với ông bạn hàng xóm nguyên là giám đốc một doanh nghiệp quân đội trên khoảnh sân nhỏ trước nhà, anh đột ngột hỏi tôi: “Nguyễn Quốc Trung mất rồi, anh biết chưa?”. Tôi giật mình vội vào nhà tìm số của một vài người bạn. Một người bảo Trung mất vào 2 giờ chiều, không có người thân ở bên cạnh, thi hài đã được đưa đi hỏa táng, tro cốt nhận sau. Người này còn bảo bệnh viện đang rất lúng túng vì không biết người thân của Trung là ai, ở đâu để liên lạc. Tôi biết, đã nhiều năm nay Trung sống một mình trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Trung có một ngôi nhà ở đường Yên Thế, quận Tân Bình do quân đội cấp đất. Trung đang cho thuê căn nhà ấy và mua một căn nhà nhỏ hơn ở một hẻm nào ấy. Hình như Trung còn có đất đai gì đó ở Gò Vấp. Mươi năm trước tôi có về quê Trung ở Hương Sơn, Hà Tĩnh viếng mẹ Trung. Đó là một vùng quê rất đẹp, xanh mướt mát và yên bình. Các nhà ngăn cách nhau bằng những hàng rào râm bụt, cửa ngõ không cần khóa. Trung bảo sau này khi nghỉ hưu Trung sẽ về quê sống để tiện phần hương khói cho bố mẹ.
Cuộc đời của Trung có nhiều góc khuất, khó nói và không nên nói.
Tôi lặng lẽ lên bàn thờ, thắp một nén nhang vĩnh biệt Trung, cầu chúc cho hương hồn Trung được bình an. Tôi bàng hoàng khi chợt nghĩ rằng, liệu còn những đồng đội nào của tôi, người bạn nào mà tôi hằng yêu quý ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không thoát được lưỡi hái tử thần của con Covid tàn nhẫn đó...
***
Bộ Y tế đưa ra quy định 5K rồi 5T cộng với vắc xin để phòng chống dịch bệnh, nhưng cái con biến chủng quái quỷ này vãn tìm cách xuyên thủng các quy tắc đó. Đã gần đến ngày buộc phải nới lỏng giãn cách, thay đổi chiến lược từ không có F0 đến việc chung sống an toàn với dịch bệnh như phần lớn các quốc gia trên thế giới đã lựa chọn.
Trong các quy định về 5K và 5T thì vắc xin là vũ khí quan trọng nhất. Để đủ vắc xin cho 96 triệu dân, Việt Nam cần ít nhất 150 triệu liều. Năm sau lại phải có 150 triệu liều nữa. Đó là chưa kể vắc xin đang có dễ trở nên lạc hậu trước những biến chủng tiếp theo của cháu chắt con Covid...
Ăn đong vắc xin là tình trạng phổ biến của nhiều quốc gia trên thế giới. Tính cho đến thời điểm này, Việt Nam mới chỉ tiêm được cho 40, 50 triệu dân, đa phần là một mũi. Cứ nghĩ lại thấy thương các nhà lãnh đạo đất nước. Từ chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ, bộ ngoại giao gặp vị nguyên thủ quốc gia nào cũng xin tài trợ, xin mua, xin vay và xin chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin. Chúng ta đã có và sẽ có các loại vắc xin hàng đầu thế giới: Mỹ, Nga, Anh, Cuba và cả Ả rập xê út nữa.
Trong khi đó vắc xin Việt Nam, niềm kiêu hãnh của trí tuệ Việt Nam đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3A rồi 3B vẫn nằm đâu đó trên bàn giấy của Bộ Y tế.
Chưa bao giờ tôi nôn nóng và sốt ruột trước những diễn biến chậm chạp của vắc xin Việt Nam. Hy vọng rồi thất vọng. Suốt ngày tôi lùng sục trên các trang mạng tìm kiếm thông tin về Nanocovax. Nanocovax đã vượt qua giai đoạn thử nghiệm 3A trên 13.000 người, tất cả đều an toàn, đều sinh miễn dịch tốt. Hội đồng đạo đức đã họp, thông qua gửi hồ sơ lên hội đồng Bộ Y tế đề nghị cấp phép khẩn cấp, nhưng đã hơn một tuần trôi qua, thông tin về vắc xin nội vẫn bặt vô âm tín. Mỗi lần có thông tin hàng triệu, hàng chục triệu liều vắc xin này nọ đã về Việt Nam. Mừng nhưng lại thấy lo lo cho vắc xin nội. Trước cuộc họp của hội đồng đạo đức tuần trước, một ngôi chùa ở thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ cầu nguyện cho Nanocovax được thông qua, được cấp phép, được sản xuất để tiêm chủng cho người dân, đủ biết không chỉ tôi mà rất cả mọi người đều mong đợi vắc xin Việt Nam đến chừng nào.
Không biết điều gì đã cản trở việc cấp phép khẩn cấp cho vắc xin Việt Nam. Trong khi cả Nga và Trung Quốc đều cấp phép khẩn cấp cho vắc xin của họ khi chưa hoàn tất thử nghiệm giai đoạn ba. Liệu chúng ta có cầu toàn quá không? Liệu...
Tôi không dám nghĩ tiếp. Chỉ cố tin rằng chúng ta cần có một loại vắc xin tốt nhất, an toàn nhất. Còn nhớ, ngay từ khi bắt đầu thử nghiệm giai đoạn ba, vắc xin Việt Nam đã được Ấn Độ và Hàn Quốc, hai cường quốc về vắc xin của châu lục, đã kí thỏa thuận chuyển giao công nghệ cho họ khoảng chừng cuối năm. Chính chúng ta sẽ phải nhập lại Nanocovax từ hai cường quốc ấy.
Hôm nay đã là tháng 10 rồi. Đã năm tháng ròng, người dân cả nước đồng hành cùng chính phủ gồng mình chống dịch, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa dẫn tới thua lỗ, phá sản. Nhưng có một câu nói đầy nhân bản của cựu thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm ấm lòng người: “Chúng ta không để ai bị bỏ lại phía sau”. Mới đây thường vụ quốc hội đã quyết định thông qua gói hỗ trợ lần thứ tư, chi ra trên ba ngàn tỉ đồng cho những hoàn cảnh khó khăn của người lao động. Điều này đã thể hiện sức chịu đựng dẻo dai của một nền kinh tế đang phát triển. Một tín hiệu vui.
Trong lúc cả nước ta phải ăn đong từng liều vắc xin, thì thế giới cũng bước vào một kỷ nguyên đặc biệt với nạn cháy rừng, mưa lụt, bão lũ, hạn hán,... Trong lúc cả loài người có một kẻ thù chung là Covid-19 với biến chủng Delta, lẽ ra tất cả các quốc gia phải đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm, chia sẽ vắc xin, thì ngược lại con người lại đứng trên bờ vực của chia rẽ, của chiến tranh. Trung Quốc không ngừng tập trận, đe dọa số phận bé mỏng của Đài Loan, của Biển Đông. Rồi cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung kéo theo sự hình thành các liên minh quân sự. Một cuộc chiến tranh lạnh đang lộ rõ nguyên hình khi Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa tầm xa. Đáp lại, Hàn Quốc cũng phóng tên lửa tầm xa từ tàu ngầm. Rồi Úc hủy hợp đồng 40 tỷ USD đóng tàu ngầm với Pháp để nhận hợp đồng với Anh, Mỹ đóng đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân...
Chiến tranh, ít nhất là những cuộc chiến tranh cục bộ trên các vùng biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan và Biển Đông đang tích tụ những yếu tố cần, đủ để có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Không ít những người bạn của tôi nói Việt Nam nên chọn bên để giữ biển, giữ đảo. Tôi không nghĩ như họ bởi một bên là kẻ thù cũ. Họ giàu mạnh, nhiều tiền, nhiều vũ khí và hào phóng, nhưng sẵn sàng hy sinh bạn bè, đồng minh vì lợi ích của họ. Đài Loan, Việt Nam Cộng Hòa, I rắc, Asgankistan là những ví dụ. Bên còn lại là một quốc gia láng giềng rộng lớn nhưng lại luôn thèm khát của các quốc gia khác. Khát vọng thống trị thế giới đang cháy ngùn ngụt trong huyết quản của họ. Làm sao chúng ta có thể quên được năm 1979, 1988 ở biên giới phía Bắc, và sau này là những giàn khoan dựng phi pháp trên thềm lục địa Việt Nam... Chưa kể hai dòng sông lớn nhất của nước ta tạo nên hai đồng bằng châu thổ rộng lớn là Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long đều được khởi nguyên bắt nguồn từ đất nước của họ!...
***
Một buổi sáng. Lại một buổi sáng, con dâu tôi chợt reo lên rất to: “Ông ơi, thằng Bo đi được rồi này!”. Lúc đó ở phòng khách, thằng cháu yêu quý ruột thịt của tôi đang vịn một tay vào mép bàn uống nước, tay còn lại đưa ra chới với về phía tôi. Được sự cổ vũ của mọi người, cháu tôi rời bỏ mép bàn, chập chững đi về phía tôi. Một bước, hai bước rồi ba bước... Còn cách tôi khoảng một sải tay, cháu chạy ào rồi đổ vào tôi. Tôi ôm ghì lấy cháu mừng đến rơi nước mắt. Thế là cháu tôi đã trở thành một con người đầy đủ rồi. Nhưng, tôi chợt sững người, cái gì, cái gì đang chờ đợi bàn chân của cháu tôi bước vào một thế giới rộng lớn nhưng đầy bất trắc, một thế giới mà con người, với bàn tính vị kỉ và tham lam không bao giờ có thể tìm được một tiếng nói chung, một hành động chung để bảo vệ chính mình, bảo vệ hành tinh mình đang trú ngụ.
Sẽ còn cuộc chiến nào, tai họa nào, con vi rút biến chủng nào sẽ xuất hiện ờ thì tương lai bất định của con người?...
Tác giả: Nhà văn Nguyễn Trí Huân
Nguồn Văn nghệ số 42/2021
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên