Giá trị tối quan trọng cần bảo vệ là quyền tự do hàng hải…

Thứ sáu - 28/05/2021 14:54

Hôm 19/5/2021, một tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ đã đi gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Chuyến “tự do hàng hải” (FONOP) này diễn ra vài giờ sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố, Hoa Kỳ phải bảo vệ quyền tự do lưu thông trên thủy lộ quan trọng này. Khu trục hạm USS Curtis Wilbur được trang bị loại tên lửa có thể điều khiển đạn đạo đã thực hiện cuộc di chuyển FONOP gần quần đảo Hoàng Sa, nhằm khẳng định các quyền và tự do hàng hải là phù hợp với luật pháp quốc tế. Phản ứng trước chuyến đi của chiếc USS Curtis Wilbur, Bắc Kinh cho rằng hoạt động này của tàu chiến Mỹ đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Thông cáo báo chí của Giải phóng quân Trung Quốc (PLA) còn cho biết thêm, các tàu và máy bay của PLA đã bám theo kềm cặp chiếc tàu của Mỹ.

Tình hình Biển Đông hiện căng thẳng hơn trước đang là một thực tế. Song các tuyên bố về Biển Đông trên mặt báo còn căng thẳng hơn do những xảo ngôn gây nhiễu thông tin, che đậy bản thân, đổ vấy trách nhiệm cho các bên khác, gây nhầm lẫn về nguyên nhân, hậu quả. Vừa qua là đợt hoạt động FONOP thứ ba của Mỹ trong năm nay nhằm chống lại các tuyên bố phi pháp của Trung Quốc về Biển Đông.

111
Tấm ảnh Trung tá Robert J. Briggs – Hạm trưởng USS Mustin – ngồi trên ghế bành đặt ở boong tàu, gác chân lên lan can, thảnh thơi nhìn Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh… đang khiến dư luận mạng Trung Quốc nổi sóng

Các chuyến hải hành đảm bảo “tự do hàng hải”

Trước khi khu trục hạm USS Curtis Wilbur nói trên tiến vào Biển Đông, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, trong phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp Sĩ quan Cảnh sát biển, đã cáo buộc Trung Quốc về “những hành động gây rối thách thức các quy tắc quốc tế đã có từ nhiều thập niên”. Tổng thống Biden nói: “Các nguyên tắc hàng hải cơ bản, lâu đời như tự do hàng hải là nền tảng của một kinh tế toàn cầu và an ninh toàn cầu. Khi có quốc gia nào định đánh cược với các nguyên tắc này hoặc có ý định áp dụng các quy tắc theo cách có lợi cho họ, mọi thứ sẽ làm nghiêng thế cân bằng”. Ông Biden khẳng định: “Lợi ích quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Mỹ là làm sao để dòng chảy thương mại toàn cầu không bị cản trở. Và điều đó sẽ không xảy ra nếu Hoa Kỳ không đóng vai trò tích cực trong việc thiết lập các chuẩn mực ứng xử, hình thành các chuẩn mực này xung quanh các giá trị dân chủ, thay vì các giá trị của những kẻ chuyên quyền”.

Kể cả trước đó, khi các chiến hạm Mỹ thực hiện những chuyến hải hành băng qua eo biển Đài Loan rồi tiến thẳng vào biển Đông, dạo trong phạm vi 12 hải lý ở vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa, ông Triệu Lập Kiên đã từng thay mặt Bộ Ngoại giao Trung Quốc, kêu gọi cộng đồng quốc tế cần lưu ý đến việc “Mỹ đang phô trương sức mạnh”. Nhưng ngay sau khi Bộ Tư lệnh Mặt trận miền Nam của PLA đưa ra tuyên bố vừa kể, Bộ Chỉ huy Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ đã phát hành thông báo với nội dung ngược lại, khẳng định: “Tuyên bố của Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa hoàn toàn sai sự thật. USS Curtis Wilbur đã tiến hành FONOP (hoạt động bảo vệ tự do hàng hải) theo đúng luật pháp quốc tế, trong vùng biển quốc tế và không bị “trục xuất” ra khỏi lãnh hải của bất kỳ quốc gia nào.

Theo Bộ Chỉ huy Hạm đội 7, hoạt động của USS Curtis Wilbur cũng như FONOP không chỉ nhằm duy trì tự do, bảo vệ việc sử dụng hợp pháp vùng biển được luật pháp quốc tế công nhận, mà còn nhằm thách thức các hạn chế bất hợp pháp đối với việc đi lại một cách bình thường. Tuyên bố của PLA cho thấy, yêu sách thái quá và phi pháp của Trung Quốc đã gây thiệt hại cho các quốc gia Đông Nam Á là láng giềng của Trung Quốc quanh Biển Đông. Trước nay, Trung Quốc liên tục tuyên bố “đã đẩy, đuổi hết chiến hạm này đến chiến hạm khác của hải quân Mỹ ra khỏi cái gọi là ‘vùng biển của Trung Quốc’, đồng thời không ngừng bày tỏ ‘sự lo ngại về các tai nạn trên biển khi chiến hạm Mỹ thực hiện FONOP’ ở eo biển Đài Loan và Biển Đông”. Nhưng giữa tháng 5 này, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố tấm ảnh chụp Trung tá Robert J. Briggs – Hạm trưởng USS Mustin – ngồi trên ghế bành đặt ở boong tàu, gác chân lên lan can, thảnh thơi nhìn Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh… Tấm ảnh lập tức khuấy động dư luận Trung Quốc, vì USS Mustin “đơn thương độc mã” áp sáp Liêu Ninh, không coi Hàng không mẫu hạm này và hải đội hùng hậu hộ tống nó ra gì.

Đến cuối tháng 4 vừa qua, Trung Quốc, lên án chính quyền mới của Mỹ đang “gia tăng khiêu khích Trung Quốc cả trên biển lẫn trên không và đó là lý do dẫn đến chuyện chạm mặt giữa Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh cùng Hải đội hộ tống với Khu trục hạm Mustin”. Trung Quốc tố cáo, “USS Mustin đã can thiệp nghiêm trọng vào hoạt động huấn luyện của Trung Quốc, đe dọa nghiêm trọng an toàn hàng hải, an toàn cho nhân sự hai bên, nên các chiến hạm Trung Quốc đã phảI cảnh cáo chiến hạm Mỹ!”.

Liệu có xung đột?

Trong hơn năm qua, tình hình Biển Đông và vùng eo biển Đài Loan không ngừng nóng lên, với việc quân đội Trung Quốc liên tục thị uy, đe dọa các láng giềng, kéo theo phản ứng của Hoa Kỳ, thường xuyên cho tàu chiến và máy bay vào để khẳng định thanh thế trong khu vực. Các diễn biến đó từng dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc và ngày càng có nhiều kịch bản về một cuộc chiến Mỹ - Trung được đưa ra. Trang mạng Bloomberg của Mỹ ngày 25/04/2021 đã đăng ý kiến của một nhân vật có thể gọi là “người trong cuộc”, cựu Đô đốc Hải Quân Mỹ James Stavridis, từng là tư lệnh tối cao của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Là người từng phục vụ nhiều năm trong Hải Quân Mỹ ở miền Tây Thái Bình Dương, đã theo dõi về Hải Quân Trung Quốc, trong bài Bốn cách thức mà một cuộc chiến tranh trên biển Mỹ - Trung có thể diễn ra, cựu Đô đốc Stavridis đã cho rằng điểm nóng dễ có khả năng bùng nổ nhất là Đài Loan, nhưng xung đột cũng có thể xảy ra ở Biển Hoa Đông, Biển Đông hoặc Ấn Độ Dương. Hải Quân Trung Quốc giờ đây đã trở thành một thế lực đáng ngại. Mở đầu bài viết của mình, cựu đô đốc Mỹ trước hết ghi nhận đà vươn lên đáng ngại của quân đội, đặc biệt là Hải Quân Trung Quốc, từ một lực lượng không có gì đáng nói vào những năm 1970, đã trở thành một “đối thủ ngang ngửa” với Hoa Kỳ, ít ra là trên các vùng biển bao quanh Trung Quốc.

Tác giả James Stavridis ghi nhận: “Vào giữa những năm 1970, tôi ra khơi với tư cách là một người lính trẻ, lần đầu tiên xuất quân sau khi tốt nghiệp Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ. Từ San Diego (bang California), chúng tôi đi về phía tây trên một khu trục hạm lớp Spruance hoàn toàn mới. Là một thủy thủ thời Chiến tranh Lạnh, tôi vô cùng thất vọng khi tàu của chúng tôi không đi vào vùng biển phía bắc Đại Tây Dương để thách thức hạm đội Liên Xô rất nổi tiếng. Thay vào đó, hành trình kéo dài sáu tháng của chúng tôi tập trung vào vùng biển phía tây Thái Bình Dương, những khu vực ngoài khơi miền bắc nước Úc, Singapore, Hồng Kông và Đài Loan. Trong ký ức của chúng tôi vào thời xa xưa ấy là một mối đe dọa nghiêm trọng từ phía Trung Cộng. Vào khi ấy, Trung Quốc có một lực lượng hải quân ven biển có năng lực, nhưng chiến hạm hay chiến đấu cơ của lực lượng mang một cái tên kỳ lạ là Hải Quân Giải phóng quân Nhân dân không hề là một đối thủ đáng kể”.

Tuy nhiên, theo cựu Đô đốc, mọi thứ đã thay đổi. Trong suốt sự nghiệp hải quân của mình, tôi đã theo dõi Trung Quốc cải thiện một cách từ từ, tỉ mỉ và khôn khéo mọi khía cạnh của lực lượng hải quân của họ. Đà cải thiện đã tăng tốc đáng kể trong thập kỷ qua, khi Trung Quốc nâng số lượng tàu chiến tối tân, triển khai đội tàu này ra khắp khu vực và xây dựng các đảo nhân tạo để làm căn cứ quân sự ở Biển Đông. Trung Quốc hiện là một đối thủ ngang hàng của Hoa Kỳ ở những vùng biển đó, và điều này hàm chứa những rủi ro thực sự. Tác giả ghi nhận bốn “điểm nóng” trên biển riêng biệt, nơi hải quân Trung Quốc có thể mở một cuộc tấn công quân sự nhắm vào Hoa Kỳ, các đồng minh và đối tác của Mỹ: Eo biển Đài Loan, Nhật Bản và Biển Hoa Đông, Biển Đông và các vùng biển xa hơn xung quanh các nước láng giềng khác của Trung Quốc, bao gồm Indonesia, Singapore, Úc và Ấn Độ.

Hải quân nhiều nước cũng có mặt

Về hiện trạng Biển Đông, cựu đô đốc Stavridis ghi nhận sự hiện diện đông đảo của chiến hạm các nước bên cạnh đám đông tàu cá, tàu buôn, tàu dầu, giàn khoan dầu khí trong một tuyến đường thủy bận rộn, vận chuyển gần 40% lượng hàng gởi bằng đường biển của thế giới. Ngoài chiến hạm của Mỹ và Trung Quốc, còn có tàu thuyền của các nước trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan và Singapore. Các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương khác, bao gồm Úc, New Zealand, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc cũng duy trì sự hiện diện quân sự, chưa kể đến chiến hạm đến từ Pháp, Đức, Anh cũng thường xuyên được triển khai ở đó.

Tình hình Biển Đông đã trở thành căng thẳng do các yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc chồng lấn lên các quốc gia ven biển. Bắc Kinh là bên đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông. Dựa vào các chuyến đi của đô đốc Trịnh Hòa từ những năm 1600, Trung Quốc ngay từ những năm 1940 đã vạch ra cái mà họ gọi là “Đường Chín Đoạn”, một ranh giới trên biển mà họ dùng để “duy trì sự hư cấu về chủ quyền”. Yêu sách đó đã bị hầu hết các quốc gia khác trong khu vực lên tiếng phản đối. Một tòa án quốc tế đã bác bỏ phần lớn yêu sách của Trung Quốc vào năm 2016.

Với chiến lược lâu dài là củng cố quyền kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc đã cho bồi đắp các đảo nhân tạo, chủ yếu nằm ở các khu vực có các mỏ dầu khí đầy hứa hẹn ở vùng phía nam Biển Đông và xung quanh quần đảo Trường Sa mà họ đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam. Có bảy hòn đảo nhân tạo đã hoàn thành, tất cả đều được quân sự hóa, một số có sân bay và không ai nghĩ Bắc Kinh sẽ dừng lại ở đó. Đối với Hoa Kỳ, ở những vùng biển châu Á, trong đó có Biển Đông, giá trị tối quan trọng cần bảo vệ là quyền tự do hàng hải. Trung Quốc tin chắc rằng theo thời gian, Mỹ sẽ nhân nhượng thay vì đối đầu, nhưng Hoa Kỳ đã cho thấy rõ ý định khi càng lúc càng tăng số lượng các cuộc tuần tra “tự do hàng hải”. Trung Quốc đã phản đối các hoạt động của Hoa Kỳ và đôi khi cử tàu của họ ra thách thức chiến hạm Mỹ. Cho đến nay, hai bên vẫn giữ bình tĩnh và chưa có sự cố lớn nào xảy ra. Thế nhưng cả hai nước đều có các kế hoạch chiến tranh được diễn tập kỹ lưỡng trong trường hợp có xung đột thực sự nổ ra trên Biển Đông.
 

Tác giả: Hải Đăng
Nguồn Văn nghệ số 22/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây