Philippines và lập trường ngày càng quyết liệt về Biển Đông
Các nhà quan sát nhận định rằng chính phủ Philippines đang tỏ rõ lập trường ngày càng quyết liệt về Biển Đông, bất chấp những nỗ lực của Tổng thống Rodrigo Duterte muốn giữ quan hệ “thân thiết” với Bắc Kinh. Trong bối cảnh ấy, một số nước phương Tây gồm Anh, Úc và Nhật Bản đang tiến sâu hơn vào Biển Đông trong một loạt động thái hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ, chống lại sự ngang ngược của Bắc Kinh trong khu vực biển tranh chấp. Nhật Bản gần đây còn công bố gói viện trợ quốc phòng mới cho Philippines, đây là gói viện trợ quốc phòng đầu tiên theo cơ chế hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Đồng thời, Vương quốc Anh cũng sẽ cử đội tàu hải quân lớn nhất từ trước đến nay của mình tới khu vực này trong thời gian sớm nhất, dẫn đầu là HMS Queen Elizabeth, tàu sân bay mới được chế tạo.
Trung Quốc dường như bất an vì cảm thấy bị bao vây trên biển. Trong một thông cáo chung cuối tuần qua, ngoại trưởng của Nhóm bảy nước (G7) đã “phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động đơn phương nào làm leo thang căng thẳng và phá hoại sự ổn định của khu vực và trật tự dựa trên luật lệ quốc tế, chẳng hạn như đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, cải tạo đất quy mô lớn và xây dựng các tiền đồn, cũng như việc sử dụng chúng cho mục đích quân sự”.
G7 bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Đức, Ý, Pháp, Canada và Nhật Bản. Tuyên bố nói trên tuy không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc, nhưng thời điểm và bối cảnh liên hệ hàm ý nói về Trung Quốc là điều không thể nhầm lẫn. Đáp lại, Trung Quốc đã “phản phao” lại bằng cách kêu gọi các nước G7 “tuân thủ lời hứa không đứng về phía nào trong các tranh chấp lãnh thổ, tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực, ngừng mọi lời nói và hành động vô trách nhiệm và đóng góp mang tính xây dựng cho hòa bình và ổn định khu vực”.
“Đoàn kết chúng ta sẽ sống, chia rẽ chúng ta sẽ chết”
Ngoại trưởng Blinken vừa tuyên bố cuối tuần trước: “Mỹ không để Úc một mình trước sự uy hiếp của Trung Quốc”. Mặt khác, “Liên minh các nền dân chủ” có trụ sở tại Copenhagen, từng bị Bắc Kinh trừng phạt vào đầu năm nay, nhưng điều đó đã không ngăn cản “Liên minh” thực hiện sứ mệnh tự xưng là hoạt động như một “người phát ngôn của nền dân chủ”. Tổ chức do cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cầm đầu đã kết thúc Hội nghị thượng đỉnh về Dân chủ cuối tuần vừa qua và kêu gọi các quốc gia dân chủ thiết lập phòng thủ tập thể trong lĩnh vực kinh tế, khi thương mại ngày càng bị Bắc Kinh vũ khí hóa. An ninh toàn cầu tiếp tục đòi hỏi các năng lực quyền lực cứng, nhưng an ninh giờ đây cũng là một câu hỏi về khả năng quyền lực mềm, an ninh mạng, năng lượng, an ninh chuỗi cung ứng, khả năng chống chịu với các chiến dịch sai lệch thông tin và hơn thế nữa.
Rasmussen nói với truyền thông quốc tế trong một cuộc phỏng vấn bằng văn bản từ Copenhagen: “Theo quan điểm của tôi, chúng ta đang thấy xu hướng vũ khí hóa các quyền tự do của chính chúng ta ngày càng tăng”. Trong khi lưu ý “các nền tảng truyền thông xã hội tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận dân chủ đã bị biến thành công cụ truyền bá thông tin sai lệch”, Rasmussen bày tỏ lo ngại rằng “các nền kinh tế mở của chúng ta đã khiến chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi khoản đầu tư chiến lược khổng lồ của Trung Quốc mà sau đó đã được tận dụng để phục vụ chiến dịch của Trung Quốc cưỡng chế kinh tế”.
“Nếu sự cưỡng bức kinh tế đang được vũ khí hóa, thì thế giới tự do phải tìm cách chống lại nó”, ông Rasmussen tiếp tục. Từng là Tổng thư ký NATO từ năm 2009 đến năm 2014 và làm Thủ tướng Đan Mạch hai nhiệm kỳ trước đó, ông giải thích nguyên lý dẫn đến việc thành lập “Liên minh các nền dân chủ” vào năm 2017 là “Đoàn kết chúng ta sẽ sống, chia rẽ chúng ta sẽ chết”. Với tinh thần ấy, tổ chức của ông đang kêu gọi các cá nhân và chính phủ cùng chí hướng đồng ký kết “Hiến chương Copenhagen”.
Khi bàn về thách thức Trung Quốc đang thay đổi cục diện an ninh, cựu Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặt câu hỏi: “Làm thế nào chúng ta có thể chống lại những thách thức an ninh này mà không từ bỏ các quyền tự do mà chúng ta yêu quý?” “Hiến chương Copenhagen” kêu gọi các quốc gia dân chủ thành lập một liên minh và xây dựng “Điều khoản kinh tế 5” tương tự như điều khoản trong NATO, thường được tóm tắt là “cuộc tấn công vào một nước được coi là tấn công vào tất cả các nước”. Do đó, “Hiến chương” kêu gọi tất cả các nước nhất loạt phải phản ứng lại.
Rasmussen chỉ ra các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc đối với Úc – vì nước Úc từ chối tuân theo các yêu cầu của Bắc Kinh – là một trường hợp điển hình, đồng thời nói thêm rằng “nhiều nền dân chủ khác đã bị Trung Quốc đe dọa về hậu quả kinh tế, vì đã đứng lên bảo vệ các giá trị của chúng ta”. Ông kêu gọi các quốc gia hãy nhìn xa hơn những lợi ích trước mắt và có lập trường nguyên tắc: “Những lợi ích ngắn hạn dễ khiến chúng ta trở nên im lặng và đồng lõa với những vụ vi phạm nhân quyền. Đó là điều mà Trung Quốc mong muốn, nhưng chúng ta phải duy trì quyền tự chủ của chính mình ”.
Kiên quyết bảo vệ đồng minh
Tổng thống Joe Biden đã có những tháng đầu bận rộn, tập trung vào việc thúc đẩy các nền dân chủ đối phó với Trung Quốc qua việc làm hồi sinh “Nhóm an ninh Quad”, cử các quan chức cấp cao của ông tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ cũng như tham gia các Hội nghị Thượng đỉnh với NATO và EU. Để nhấn mạnh Bắc Kinh là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Washington, Tổng thống Biden đã thành lập một lực lượng tác chiến tập trung vào việc đối phó với Trung Quốc ở Bộ Quốc phòng và bổ nhiệm số lượng lớn các quan chức an ninh quốc gia phụ trách khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Washington liên tục chỉ trích điều mà họ gọi là âm mưu của Bắc Kinh hiếp đáp những nước láng giềng có những lợi ích cạnh tranh. Tổng thống Biden đang tìm cách đẩy mạnh các quan hệ với đồng minh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để chống lại sức mạnh gia tăng của Trung Quốc. “Tôi nhắc lại là Mỹ sẽ không để Úc đứng một mình trên sân, hay nói đúng hơn là một mình trong cuộc chơi, trước sự uy hiếp kinh tế của Trung Quốc”, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh tại một cuộc họp báo với Ngoại trưởng Úc Marise Payne. “Và chúng tôi nói rõ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa rằng, những hành động như vậy nhắm vào các đối tác và đồng minh thân cận nhất của chúng tôi sẽ cản trở việc cải thiện quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc”, ông Blinken nói.
Trung Quốc đã áp đặt một loạt chế tài thương mại lên hàng xuất khẩu của Úc, từ rượu vang cho đến than đá, giữa lúc căng thẳng hai nước xuống dốc trong những năm gần đây. Các Bộ trưởng Thương mại kế tiếp của Úc không thể điện đàm với người tương nhiệm Trung Quốc kể từ khi căng thẳng ngoại giao tồi tệ đi vào năm ngoái, và trong tuần qua, Bắc Kinh ngưng tất cả các hoạt động chiếu theo đối thoại kinh tế song phương với Úc. Úc là một trong những nước đầu tiên công khai cấm công ty công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc tham gia mạng lưới 5G vì những quan ngại an ninh, và trong năm qua Úc làm Bắc Kinh phẫn nộ vì kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc Covid-19.
Trong sự dịch chuyển sâu sắc so với người tiền nhiệm Donald Trump, Tổng thống Biden đã thực hiện cam kết củng cố các quan hệ đối tác. Mỹ và Nhật Bản đang hợp tác với nhau nhằm chống lại “sự cưỡng ép và hung hăng” của Trung Quốc ở châu Á với một lập trường chung thống nhất. Trong Hội nghị Thượng đỉnh giữa 2 nhà lãnh đạo ngày 16/4, Tổng thống Biden và Thủ tướng Yoshihide Suga đã nhấn mạnh rằng, các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương “không phù hợp với trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc”.
Thực tế là thách thức…
Thực tế là thách thức từ Trung Quốc đã trở thành một trụ cột trong kế hoạch chính sách đối ngoại của Mỹ và được thể hiện rõ ràng qua các thông báo chính thức, các tuyên bố chính sách, cũng như mối quan hệ với các đồng minh chủ chốt. Tuyên bố chung Mỹ - Nhật cũng nhắm đến “sự cưỡng ép và hành vi bắt nạt” của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Các ưu tiên chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay trái ngược với những mục tiêu trước đó khi ông Biden còn là Phó Tổng thống. Trong tuyên bố chung Mỹ - Nhật năm 2014, hai bên đều tập trung vào chỉ trích Nga về những “hành động đáng lên án”, đồng thời tập trung vào vấn đề hạt nhân Iran, Trung Đông, tái thiết Afghanistan và Syria. Tài liệu đó nhấn mạnh rằng, Washington và Tokyo tái khẳng định “lợi ích trong việc thiết lập một mối quan hệ hiệu quả và mang tính xây dựng với Trung Quốc”.
Giờ đây, Mỹ có quan điểm rất khác về Trung Quốc so với năm 2014. Vào thời điểm đó, Trung Quốc không bị coi như một mối đe dọa, mặc dù những rạn nứt và nghi ngại trong quan hệ hai bên vẫn tồn tại. Washington cởi mở với việc thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực và thậm chí dẫn đầu những cuộc tập trận hải quân chung cùng Bắc Kinh - điều đã trở nên bất khả thi ở tình hình hiện tại. Khi đó, Mỹ chú ý nhiều hơn đến những hành động của Nga và các thách thức toàn cầu khác.
Mỹ chỉ thực sự nghiêm túc hơn về những tham vọng của Trung Quốc vào năm 2017 khi nước này thừa nhận một cuộc cạnh tranh nước lớn toàn diện với Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh tăng cường những chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán khi phản đối phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016 và khiến nguy cơ căng thẳng leo thang bằng những động thái ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trung Quốc cũng chấp nhận đối đầu với Mỹ trên một số lĩnh vực. Nước này không nhượng bộ trong cuộc chiến thương mại với Mỹ và các đồng minh của Washington.
Sự đối đầu Mỹ - Trung trên mọi lĩnh vực có thể vẫn còn tiếp tục với nhiều cuộc diễn tập quân sự hơn từ cả hai phía và đôi khi là những tình thế rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, cả hai sẽ kiềm chế căng thẳng bởi hai nước này đều muốn tập trung vào phát triển kinh tế trong nước. Những cuộc tiếp xúc không thường xuyên vẫn diễn ra, đặc biệt về các vấn đề như thỏa thuận hạt nhân Iran, Triều Tiên và biến đổi khí hậu. Thay vì đạt được những bước đột phá mang tính kiến tạo, quan hệ Mỹ - Trung sẽ diễn ra theo cơ chế kiểm soát và cân bằng nhiều hơn.
Tác giả: Hàn Diệu My
Nguồn Văn nghệ số 21/2021
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên