Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý 1 năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 29.300, giảm 1,4%; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 40.323 tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính ra, trung bình, mỗi tháng có 13.400 doanh nghiệp rời thị trường.
Khó khăn vẫn tiếp diễn
Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là chuyện bình thường. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong một thập kỷ gần đây, số lượng doanh nghiệp "tháo chạy" khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp mới tham gia - đây là điều rất đáng lo ngại. Nguyên nhân chính là do tác động của đại dịch COVID-19.
Báo cáo “Đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát hành giữa tháng 3, cho thấy, đại dịch COVID-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay đã gây ra tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Theo VCCI, có 87,2% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đa số doanh nghiệp cho hay dịch bệnh đã tác động tới việc tiếp cận khách hàng, đến dòng tiền và nhân công của họ. Nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng, mất cân đối dòng tiền, phải cho lao động nghỉ việc do kinh doanh suy giảm.
Tình hình lao động việc làm quý 1/2021 cũng khá u ám. Theo Tổng cục Thống kê có gần 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động đang thất nghiệp, tăng 12.100 người so với cùng kỳ năm trước. Con số thống kê về tình hình lao động việc làm quý 1/2021 đã phản ánh những khó khăn và biến động của nền kinh tế hiện nay.
Mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, song đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn. Không những thế, dịch COVID-19 quay trở lại, tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. VCCI đánh giá, những ngành bị ảnh hưởng nhiều hiện tại vẫn là du lịch, bán lẻ, vận chuyển hành khách, sản xuất xe có động cơ, đồ uống... Những doanh nghiệp mới đi vào hoạt động hiện đang là nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty TNHH SKD Việt Nam (Hà Nội), hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, chia sẻ, thời điểm sau Tết Nguyên đán hàng năm, doanh nghiệp thường đẩy mạnh sản xuất để trả đơn hàng cho các đối tác. Nhưng từ năm ngoái, tình hình trở nên rất khó khăn. Dịch bệnh khiến các đơn hàng giảm, trong khi đó, các chi phí như nhân công lao động, tiền thuê nhà xưởng vẫn phải duy trì. Năm ngoái, doanh nghiệp vẫn có thể duy trì sản xuất, nhưng dịch bệnh kéo dài nên hiện nay, ngoài khó khăn trong xuất khẩu, việc nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất cũng bị chậm trễ, giá cả leo thang, khiến doanh nghiệp khó có thể trụ vững.
Không muốn tăng thuế, phí
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hỗ trợ để doanh nghiệp duy trì hoạt động là giải pháp cấp bách hiện nay. Cần tiếp tục phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân và kết hợp cải cách thể chế kinh tế.
Ngày 19/4, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong hơn 50 lĩnh vực. Nghị định 52/2021/NĐ-CP có đối tượng áp dụng mở rộng hơn, thời gian giãn nộp kéo dài hơn so với trước, giúp các DN giảm bớt những khó khăn.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, bên cạnh các gói hỗ trợ về tài chính, giãn, giảm thuế cho DN và người dân, cần giữ ổn định môi trường chính sách, tránh tăng thuế, phí trong thời gian này.
Theo VCCI, kiến nghị phổ biến nhất của các doanh nghiệp là mong muốn không tăng các loại thuế, phí. Tình hình kinh doanh gặp khó khăn, chưa hồi phục mà tăng thuế, phí thì doanh nghiệp rất lo ngại, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết.
Thuế phí tăng không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà cả người dân. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, với thuế tiêu thụ đặc biệt, nhóm thu nhập nghèo nhất chịu tác động cao hơn các nhóm bên trên, chiếm khoảng 3,47% thu nhập của họ hàng năm. Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình thấp với 3.500 USD/người/năm, do đó tăng các loại thuế, phí sẽ tác động lên tất cả đối tượng, nhưng chịu ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là người nghèo, vốn dễ bị tổn thương hơn cả trong đại dịch.
Thuế, phí tăng cũng ảnh hưởng đến sức mua và doanh thu của các doanh nghiệp, dẫn đến giảm doanh thu, cắt giảm lao động, gia tăng thất nghiệp.
Theo VietNamnet
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên