Đáng phải loại ngũ đại úy Công an đứng nhìn dân bắt tội phạm
Thứ ba - 18/05/2021 16:44
Thấy người dân bị thương đang vật lộn, khống chế tội phạm, đại úy Công an xã Cự Khê (H.Thanh Oai, Hà Nội) không vào giúp đỡ mà chỉ đứng bấm, gọi điện thoại. Sự thờ ơ của cán bộ này khiến nhiều người bức xúc.
Khoảng 16 giờ chiều 16.5, anh Nguyễn Trần Minh (45 tuổi, trú Q.Long Biên, Hà Nội; là tài xế taxi) chở khách là Đặng Phạm Sáu (51 tuổi, quê tại H.Quan Sơn, Thanh Hóa) đến khu vực đường Cienco 5, đoạn qua xã Cự Khê (H.Thanh Oai, Hà Nội) thì bất ngờ bị Sáu rút dao nhọn đâm vào vùng ngực trái. Bị đâm bất ngờ, anh Minh đã dũng cảm chống trả, vật lộn với Sáu giữa đường để khống chế đối tượng.
Sự việc vô tình được ghi lại, đăng tải lên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc trước thái độ thờ ơ, vô cảm của đại úy Lâm. Cán bộ này sau đó bị kỷ luật cảnh cáo và điều chuyển về Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an H.Thanh Oai.
"Với trách nhiệm công vụ, lẽ ra đại uý Lâm phải ngay lập tức xông vào hỗ trợ bắt, khống chế đối tượng"
Nói về sự việc này, trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an), cho rằng không ai có thể chấp nhận được, đại úy Lâm đã không làm việc cần phải làm của người chiến sĩ công an trong tình huống khẩn cấp, mà đứng nhìn nạn nhân bị thương cố gắng ghì đè, khống chế nghi phạm, không tham gia giúp đỡ.
“Đây thực sự là một hành động vô cùng phản cảm, làm xấu đi hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân. Dư luận có quyền đánh giá rằng chiến sĩ này đã bàng quan, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước công việc và xứng đáng với hình thức kỷ luật loại ngũ. Bên cạnh rất nhiều tấm gương cán bộ chiến sĩ công an dũng cảm trong chiến đấu, hy sinh quên mình vì nhiệm vụ, quả cảm đối diện với hiểm nguy để bảo vệ nhân dân, thì hành động tại hiện trường của đại uý Lâm khiến chính anh em trong lực lượng cũng cảm thấy bức xúc, khó chấp nhận. Tuy nhiên, đây chỉ là trường hợp hy hữu”, trung tá Hiếu cho hay.
Theo trung tá Hiếu, có thể đại úy Lâm không phải thiếu trách nhiệm mà có thể do trình độ nghiệp vụ, kỹ năng xử lý tình huống quá yếu kém, vì kết quả xác minh thể hiện đại uý Lâm đã gọi điện thoại về công an xã xin chi viện lực lượng đến hỗ trợ bắt đối tượng, chứ không phải là không có động thái gì. Do đó, có thể loại trừ nguyên nhân từ thái độ vô trách nhiệm trước công việc, thờ ơ bỏ mặc người dân trong cơn nguy cấp.
“Đó là trường hợp khẩn cấp, nạn nhân đã bị thương, đang cố gắng vật lộn để bắt giữ đối tượng, sự hỗ trợ từ bên ngoài lúc đó là vô cùng cần thiết. Với trách nhiệm công vụ, lẽ ra đại uý Lâm phải ngay lập tức xông vào hỗ trợ bắt, khống chế đối tượng. Nếu khó khăn, có thể kêu gọi người đi đường tham gia giúp sức khoá trói tên tội phạm. Sau khi khống chế thành công mới gọi điện cho đơn vị cử người ra tiếp nhận. Đằng này, đại uý Lâm đã không có những thao tác cần thiết, thể hiện sự yếu kém về nghiệp vụ, lúng túng, bị động, không mưu trí, dũng cảm trong giải quyết công việc”, trung tá Hiếu phân tích.
Theo quan điểm của trung tá Hiếu, công an phải là người bảo vệ nhân dân. Trong tình huống người dân đang bị uy hiếp nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, người chiến sĩ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đối diện với tội phạm, tâm thế sẵn sàng hy sinh để cứu người dân ra khỏi nguy hiểm, bằng các nghiệp vụ và võ thuật đã được trang bị, chứ không có chỗ cho sự nhút nhát, sợ hãi.
Không xứng với tư cách chiến sĩ Công an nhân dân
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), cho biết mặc dù chỉ là trường hợp số ít trong lực lượng công an, nhưng hành vi của đại úy Lâm là đáng lên án, không xứng đáng với tư cách của một chiến sĩ công an nhân dân.
Suốt đời tận tuỵ phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân là 1 trong 5 lời thề danh dự của công an nhân dân, nhưng cán bộ này đã không thực hiện được. Điều này khiến dư luận hết sức bất bình, phẫn nộ và làm ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh ngành công an.
Theo luật sư Tiền, trách nhiệm cứu giúp người trong trạng thái nguy cấp không chỉ của riêng lực lượng công an, mà còn là trách nhiệm pháp lý của mọi công dân. Theo đó, người nào không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 132 bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, hành vi này có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Đặc biệt, nếu người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp, thì có thể bị xử phạt đến 5 năm tù.
“Đại úy Lâm đã bị kỷ luật cảnh cáo nhưng theo tôi, mức xử lý kỷ luật này chưa phù hợp, chưa đảm bảo tính nghiêm khắc để giáo dục. Cần đánh giá một cách toàn diện về tính chất của hành vi và mức độ hậu quả gây ra đối với xã hội để xem xét lại hình thức xử lý kỷ luật một cách thực sự phù hợp, tương xứng. Đồng thời, ngành công an cần có nhiều biện pháp tích cực hơn nữa để siết chặt kỷ cương trong ngành, nâng cao nhận thức, tư tưởng của đội ngũ chiến sĩ công an nhân dân, góp phần ổn định trật tự - xã hội đất nước và tránh những vụ việc đáng tiếc như trên”, luật sư Tiền bày tỏ.