Ông Phạm Thế Duyệt: Không giải quyết công việc theo kiểu đối đầu với dân

Thứ hai - 17/05/2021 17:45
111
 
111
 
111
111
 
111
Thưa ông! Dù đã lâu nhưng nhắc đến tên ông Phạm Thế Duyệt, mọi người thường nhớ ngay đến việc ông giải quyết "điểm nóng" Thái Bình năm 1997. Nhưng có một "điểm nóng" khác có thể ít người biết đến rất nên được nhắc tới vào dịp này, khi ngày bầu cử đang đến gần, là vụ việc ở Dương Lôi (Bắc Ninh), kỳ bầu cử Quốc hội khoá XI. Có phải với một người từng "gỡ" được "quả bom" Thái Bình, rồi Tây Nguyên sau đó thì Dương Lôi chỉ là việc không quá khó không?

- Ông Phạm Thế Duyệt: Không, nói Dương Lôi "không quá khó" là không đúng, vì Dương Lôi khiến tôi chưa bao giờ bị căng thẳng đến thế. Có thể nói tóm tắt là đúng ngày bầu cử Quốc hội khoá XI, tháng 5/2002, ngày bầu cử diễn ra thuận lợi, cả nước đã bỏ phiếu xong, riêng ở thôn Dương Lôi (xã Tân Hồng, Từ Sơn, Bắc Ninh) xảy ra mâu thuẫn. Người dân phản đối không đi bầu cử và thậm chí một số người đã thu giữ hòm phiếu trái phép, cuộc bầu cử bị dừng lại nửa chừng. Địa phương đã phải đề nghị tăng cường lực lượng vũ trang về để giữ ổn định. 

Hội đồng bầu cử Quốc gia họp khẩn dưới sự chủ trì của anh Nguyễn Văn An – Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia, và nhất trí cử "anh Duyệt" về Dương Lôi giải quyết vì tôi lúc ấy đang là Chủ tịch Mặt trận, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia, lại đã có "kinh nghiệm Thái Bình". 

Nói Dương Lôi căng thẳng là bởi vì không còn nhiều thời gian, chỉ có một buổi chiều để đối thoại với dân, vì theo luật bầu cử, ngày hôm sau là hạn cuối cùng để bỏ phiếu. Buổi trưa ngồi ăn ở huyện Từ Sơn để chiều xuống xã, tiếng là ngồi mà mình không ăn nổi miếng nào. Tôi suy nghĩ suốt buổi trưa để tìm cách.

Đến đầu giờ chiều đi xuống, thấy bộ đội công an được tăng cường về rải dọc khắp đường xuống xã xuống thôn. Việc đầu tiên tôi đề nghị là cho anh em rút hết. Tôi vào hội trường, trước đó đã yêu cầu mời đầy đủ những người dân đang có bức xúc kể cả những người trước đó có những hành động quá khích tham dự, đi xuống bắt tay từng người, rồi đề nghị ai có gì cứ trình bày hết ra. 

Đối thoại một buổi chiều thì ổn thỏa, cả hội trường vỗ tay rầm rầm. Ngày hôm sau hơn 90% người dân Dương Lôi đi bầu cử, anh em cập nhật thông tin từng giờ, tôi vui lắm.

111
Thưa ông, từ bài học Thái Bình cho tới Dương Lôi thì mấu chốt để ông Phạm Thế Duyệt thành công trong việc giải quyết "điểm nóng" là gì?

- Là tôi luôn luôn ý thức vốn có chỉ có dân mới quyết định được việc của dân, chỉ có cơ sở mới quyết định được việc của cơ sở. Về đến nơi, thấy bộ đội công an đứng đầy đường là rất phản cảm. Việc nội bộ của dân không bao giờ được giải quyết, đối xử theo kiểu đối đầu với dân. Mà nhất định phải bằng phương pháp quần chúng, dân vận. 

Đấy là quan điểm của cả quá trình công tác từ lúc ở mỏ than, tới lúc làm việc ở các cơ quan trung ương tôi đều chỉ thấy có con đường ấy. Dân phải tự thấy thì mới xong, đừng lúc nào cũng nói "địch – ta" gì, đều là "ta" cả.

Lúc xử lý vụ Thái Bình, sau khi vận động được người dân thả các cán bộ xã huyện mà người dân bắt giữ trái phép ra, tôi cho xe xuống xã đón anh em về. Nhìn anh em bị nhốt bị đánh rất đau, có người không đi nổi thì cũng thấy thương thật nhưng khi vào hội trường, thấy băng rôn căng hàng chữ "Nhiệt liệt chào mừng các đồng chí chiến thắng trở về", tôi đề nghị bỏ đi, đi đánh ai mà "chiến thắng".

111
Ông Phạm Thế Duyệt: Không giải quyết công việc theo kiểu đối đầu với dân (Kỳ 1) - Ảnh 10.

Sự cố Dương Lôi ngày ấy có ý nghĩa gì cho mỗi kỳ bầu cử bây giờ, thưa ông?

- Tôi nghĩ Dương Lôi là điển hình cần quan tâm mỗi kỳ bầu cử, chứ chắc không phải là chuyện riêng chỉ Dương Lôi mới có. Ví dụ hồi ấy người dân Dương Lôi thắc mắc về việc bỏ phiếu hộ thì ở đâu mà không có, tôi chứng kiến ngay ở Hà Nội đây, vẫn có nhiều người cầm phiếu đi bỏ hộ, bỏ vội bỏ vàng cho hết trách nhiệm. 

Rồi việc cử những người không có đủ lòng tin với dân tham gia Ủy ban bầu cử, tổ bầu cử ở các địa phương. Nhất là việc để những người không đủ tín nhiệm tham gia ứng cử thì chắc không phải chỉ ở Dương Lôi ngày ấy, có điều ở chỗ khác thì không bộc lộ ra. Cái đó mình phải thẳng thắn thừa nhận, cái gì là sự thật không nên tránh né.

Tôi nói ngay nhiệm kỳ Quốc hội khoá trước, sau bầu cử vẫn có người phải bị đưa ra khỏi Quốc hội, có người phạm tội, phạm luật... Cho nên nói đến Dương Lôi thì đừng nghĩ chỉ có Dương Lôi, mà ngay đến bây giờ vẫn còn có những vấn đề mà người dân bức xúc, cần phải khắc phục.

Làm thế nào để ngày bầu cử thành ngày hội của dân, để dân vui, dân tin, để phát huy không khí dân chủ trong dân, bao giờ Đảng và Nhà nước cũng đều yêu cầu như thế. Quá trình chuẩn bị bầu cử 3 bước hiệp thương, tiếp xúc cử tri đều làm bài bản cả, đều có kinh nghiệm rồi. Nhưng thực sự ra thì nói thế không phải dễ thực hiện đúng chính xác như yêu cầu của Đảng và mong mỏi của Dân.

111
 
111
 

Nhìn lại quá trình công tác, có vẻ như khả năng giải quyết "điểm nóng" của ông không phải chỉ thể hiện khi ông được phân công làm Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt ở Thái Bình. Người thợ lò Phạm Thế Duyệt lúc còn ở mỏ than cũng đã được tổ chức điều chuyển nhiều nơi, giải quyết nhiều nhiệm vụ?

- Có 2 lần. Đó là khi tôi đang ở mỏ than Mạo Khê thì được gấp rút điều đi làm Giám đốc Xí nghiệp xây lắp mỏ Mông Dương, khi nơi này đang gặp rất nhiều khó khăn, một số cán bộ lãnh đạo sau một sự cố tai nạn lao động phải vào tù. Lúc tôi đến, ám ảnh về sự cố sập hầm lò vẫn bao trùm, đời sống công nhân khó khăn, tâm lý chán nản, nhiều thợ bậc cao bị đối xử tệ bạc. 

Tôi về Mông Dương 2 năm, giải quyết đời sống cho anh em thợ mỏ, đối xử công bằng, khắc phục lại những thiệt thòi, trọng dụng thợ giỏi. Hai năm mỏ đều hoàn thành vượt mức kế hoạch, triển khai công nghệ đào giếng đứng và kỹ thuật đào lò bằng.

Rồi được một thời gian, công việc đang trơn tru thì tôi lại được đưa về làm Giám đốc mỏ than Mạo Khê. Lý do tôi được đưa trở lại Mạo Khê vì lãnh đạo cũ có khuyết điểm, toàn mỏ có 1.200 đảng viên mà đã quá thời hạn 2 năm vẫn chưa Đại hội Đảng bộ được. Sản xuất giảm sút, đời sống người lao động khó khăn. Đây là lần thứ 2 thể hiện vai trò "chữa cháy" nên tôi còn có biệt danh là "lính cứu hoả".

Vừa làm Giám đốc vừa kiêm nhiệm Bí thư Đảng uỷ, một núi công việc dồn lên vai, vài tháng sau thì tôi ổn định được tình hình, sản xuất ổn định, đời sống công nhân được cái thiện. Cuối năm 1979, Đại hội Đảng bộ mỏ Mạo Khê được tiến hành. Sau này, anh Nguyễn Đức Tâm – lúc ấy là Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ninh đã dành hẳn một buổi đến mỏ Mạo Khê nghe tôi báo cáo về việc làm thế nào để tổ chức đại hội được và ổn định, phát triển sản xuất.

111
 
111

Lúc đó ông có nghĩ rằng thành công đó chính là dấu ấn để ông bộc lộ khả năng và tư chất của một nhà lãnh đạo ở những vai trò lớn hơn sau này?

- Không. Ở Mạo Khê đó là những ngày tôi làm việc gian khổ vì đúng lúc đó còn xảy là chiến tranh biên giới phía Bắc. Tôi lãnh đạo mỏ vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu. Ăn uống kham khổ, làm việc quá sức, tôi toàn đi kiết lỵ ra máu, gầy rộc đi, người chỉ còn 49 kg. Có đêm đi vào lò với anh em, cảm thấy đuối sức quá, tôi đã nói với mọi người xung quanh, thế này chắc mình chỉ cố được đến năm 52 tuổi thì xin nghỉ hưu, các cậu chuẩn bị để làm việc thay tớ.

Nên tôi lúc ấy không bao giờ nghĩ đến cái gì khác, chỉ nghĩ là gắn bó với mỏ rồi về nghỉ hưu, chứ không bao giờ lại nghĩ đến những công việc mà mình sẽ còn đảm nhận sau này.

Nhưng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, khi đang là Giám đốc mỏ than Mạo Khê ông được đi dự Đại hội và được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Nói theo ngôn ngữ bây giờ thì Mạo Khê là bệ phóng để ông phát triển?

- Tôi không có cái gì gọi là bệ phóng cả. Tôi cũng không có ai là người nâng đỡ. Mạo Khê là nơi tôi gắn bó cả những tháng năm tuổi trẻ. Trước khi quay lại đây làm Giám đốc thì Mạo Khê là nơi tôi được phân công về công tác sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa năm 1963. Chỉ một năm sau, năm 1964, ở Mạo Khê tôi được kết nạp vào Đảng. Hai năm đầu sau khi ra trường, tôi đều là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. 

Nhưng thực sự là có lẽ từ năm 1952 khi trở thành đoàn viên thanh niên Cứu quốc tôi đã là người cộng sản rồi. Tôi nghiên cứu tài liệu, nhận thức và thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ từ khi ấy. Ra trường tôi lăn vào cuộc sống, làm việc với một tinh thần và thái độ quyết liệt. 

Việc gì khó nhất của mỏ thì người ta gọi đến tôi, giao cho tôi. Chỉ một thời gian sau khi ra trường, tôi đã là người được tin tưởng để giao cho công việc. 3 năm sau khi ra trường, tôi đã được giao là trưởng đoàn một đoàn hơn 100 kỹ sư thợ lò bậc cao đi thực tập ở Trung Quốc học tập công nghệ đào giếng than rồi.

111
111

- Số phận hả? Tôi chẳng bao giờ lại nghĩ có thế lực siêu nhiên nào giúp mình, chỉ có một ý thức phấn đấu, ở đâu cũng làm việc hết mình. Khi tôi đang học phổ thông ở Thanh Miện, một hôm giặc Pháp đi càn, chẳng có cách nào chạy đành bơi qua sông Luộc sang Thái Bình. Tôi vào một làng ở Quỳnh Côi và nhìn thấy trong nhà có treo dòng chữ này: Suy nghĩ trước khi nói/Cương quyết khi thi hành/ Bình tĩnh sáng suốt khi nguy nan/Nhẫn nại ôn hoà khi tức giận/Cẩn thận khi cầm bút/ Thẳng thắn quá hay mất lòng/Nguyên tắc quá không thành công/Giải quyết linh động tuỳ từng việc… Họ viết rằng câu nói ấy của Bác Hồ, sau này tôi tìm tài liệu thì không thấy câu nói ấy ở đâu, nhưng đó là mấy câu tôi học thuộc lòng và suốt đời làm theo.

Tôi có thói quen ghi nhật ký, không bỏ một ngày nào kể từ năm 1952 đến giờ. Bây giờ đã là quyển thứ 15. Tất cả 15 quyển nhật ký đều được viết ở trang đầu tiên câu: Giàu sang không quyến rũ/ Nghèo khó không chuyển lay/Uy lực không khuất phục.

111
111
 

Ông trở thành thợ lò một cách tình cờ, hay đấy là ước mơ của thời tuổi trẻ?

- Nhà tôi nghèo, anh i thì đã đi bộ đội. Tôi trở thành lao động chính của gia đình vì còn có các em. Học xong phổ thông tôi đã lấy vợ rồi. Nhưng ông bố tôi được cái hay là biết tôi ham học nên vẫn động viên con đi học. Thế là thi đỗ đại học Bách khoa ngành hoá học, nhưng vào trường người ta phân sang học khoa mỏ địa chất. Cũng chả phản đối gì, miễn là được đi học là mừng. Học xong đại học thì được phân công về mỏ Mạo Khê. Thời ấy, không có ước mơ gì ngoài việc được đi làm việc và cống hiến.

Thế cũng có thể gọi là số phận?

- Tuỳ cô gọi, chứ tôi thì không bao giờ nghĩ đến số phận. Được cái hay là thế. Tôi chỉ thấy mình may mắn vì cả cuộc đời phấn đấu mình không bị vấp váp, không làm cái gì sai phạm do chủ quan hay có gì để anh em phản cảm. Bây giờ có thể đi hỏi tất cả anh em thợ mỏ hồi ấy đố ai tìm được việc gì khuất tất của ông Duyệt từ cuộc sống cá nhân gia đình cho đến công việc. Có chăng người ta nói tôi "bôn" quá, lúc tôi ở mỏ có lãnh đạo cấp trên đã nói anh sống theo chủ nghĩa khổ hạnh.

Tôi bảo tôi làm gì mà khổ hạnh, lương tôi 135 đồng, năm 1979, lại được bao cấp mọi thứ là tôi thấy được. Các ông ấy phê bình mình "bôn" vì không chịu làm theo các ông ấy lấy than sạch đổi nọ đổi kia kiếm thêm máy khâu, vải, thực phẩm, đồ hộp… Ôi dào, rồi sau đó cũng  khối ông bị kỷ luật vì mấy cái đó.

Bù lại tôi có niềm vui là ở đâu mình cũng làm việc hết lòng, ở đâu mình cũng để lại những tình cảm tốt đẹp với anh em cán bộ công nhân các thế hệ. Cố gắng phấn đấu mang lại những quyền lợi  cho anh em về tinh thần, vật chất, về quyền làm chủ, về ý thức tôn trọng tập thể.

20 năm làm ở vùng mỏ tôi chưa đi nghỉ mát lần nào, chưa bao giờ hưởng đặc quyền đặc lợi, không nhận được cái lốp xe hay bộ ấm chén nào. Có được đồng tiền thưởng sáng kiến nào thì mua con chó về liên hoan với văn phòng mỏ.

111
111

Thưa ông, ngần ấy năm ở mỏ, những vị trí mà ông dần đi lên trong những ngày "thợ mỏ" như Phó quản đốc rồi Quản đốc phân xưởng, Phó Giám đốc rồi Giám đốc các xí nghiệp các công ty đều xuất phát từ khả năng, thực lực của mình, không có ai nâng đỡ?

- Tôi không có. Chả có bậc thang này, dấu ấn kia, hay có ai nâng đỡ gọi lên gọi xuống. Cả cuộc đời tôi chưa bao giờ không tiến lên bằng trí óc và đôi chân mình, không bao giờ tôi phấn đấu bằng đầu gối. Đố ai bảo ông Duyệt hồi ấy xun xoe xu nịnh ai cả.

Như thế thì phải thấy được một điều, là đã có một thế hệ các nhà lãnh đạo đề bạt bổ nhiệm cán bộ dựa hoàn toàn trên năng lực cán bộ. Nhất là bước ngoặt (dù ông không muốn gọi thế) khi đang là Giám đốc Mỏ than Mạo Khê, ông được bầu vào Trung ương khoá V. Ông nói gì về sự công tâm của họ?

- À, cái này thì đúng. Là sau này khi mình về Trung ương rồi mình mới nghĩ thế. Chứ lúc ở mỏ thì vì không có tham vọng thăng tiến gì nên mình không biết. Là có lẽ các anh Nguyễn Đức Tâm, Nguyễn Văn Linh đã chú ý đến tôi từ lâu. Anh Nguyễn Đức Tâm năm 1979 về mỏ nghe tôi báo cáo về việc tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ mỏ Mạo Khê chắc cũng đã có đánh giá về con người mình. 

Còn anh Nguyễn Văn Linh lúc ấy là Chủ tịch Công đoàn Việt Nam mà tôi cũng được bầu vào Ban chấp hành Tổng Công đoàn từ năm 1978, nên cũng đã biết đến tôi. Là mình sau này đoán thế. Chứ lúc ấy không có chuyện ông này ông kia gọi lên hứa hẹn gì, cũng không có việc mình đến gặp xin xỏ gì.

Bây giờ hầu hết nhiều đồng chí đã mất rồi. Khi các anh ấy còn sống, tôi chưa bao giờ nói biết ơn các anh ấy. Nhưng trong thâm tâm và đến bây giờ thì tôi có thể nói là rất biết ơn. Mình tự nghĩ không biết có đúng không là các anh ấy đã chú ý tới tôi khi còn là thợ mỏ. Ở dưới thì tôi biết ơn anh em, thợ già thợ trẻ, biết ơn lãnh đạo mỏ hồi ấy luôn giành cho tôi sự tín nhiệm, vài năm sau khi ra trường tôi đã dẫn đầu một đoàn kỹ sư thợ mỏ bậc cao, đi thực tập học tập công nghệ đào giếng ở Trung Quốc. Đó không phải là sự bồi dưỡng tin tưởng thì là gì. 

Các anh lớp trước rất đáng quý trọng vì đã đào tạo bồi dưỡng, chứ không tôi làm sao nghĩ sẽ có ngày trưởng thành như thế. Nhà tôi trước đó còn chưa có ai là đảng viên, mỗi mình tôi vào Đảng thì làm gì có ai nâng đỡ.

Lên Trung ương rồi quá trình bồi dưỡng tiếp lên thì có công của ông Lê Quang Đạo, ông Nguyễn Đức Thuận, ông Trần Quốc Hoàn… là những người gần gũi, vẫn tâm tình với những tình cảm quý lắm. Tôi cho rằng có một thế hệ lãnh đạo trước rất có ý thức đào tạo cán bộ, theo dõi bồi dưỡng, công tâm trong đánh giá cán bộ, đấy là sau này tôi suy nghĩ thế, chứ lúc ở mỏ mình có biết gì đâu.

Sau này khi lên trung ương tôi mới hiểu là mình có sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo, được các anh ấy đánh giá tốt.

Năm 1982 Đại hội V của Đảng, tôi được bầu đi dự khi đang là Phó bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Mỏ than Mạo Khê, tỉnh uỷ viên Tỉnh uỷ Quảng Ninh, Uỷ viên Ban chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam. Và Đại hội ấy tôi được bầu vào uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng. Tháng 4/1982, tôi được Trung ương đưa về làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng Công đoàn Việt Nam, khi ấy anh Nguyễn Đức Thuận là Chủ tịch.

111
111
111

Tôi trong nhiều lần trò chuyện, nhận ra ông luôn dành tình cảm đặc biệt với Bác Hồ, và như ông nói đời mình luôn luôn thấm nhuần và làm theo tư tưởng của Bác. Nhưng còn trong quá trình công tác, đặc biệt là kể từ khi lên Trung ương, trong số các nhà lãnh đạo sau này, ông có mối quan hệ thân tình và quý mến với ai nhất?

- Tôi vẫn nói Bác Hồ là người số 1 của thế kỷ 20, tôi nói trước Bộ Chính trị. Còn với các đồng chí lãnh đạo khác bảo ai tôi có ấn tượng hoặc có tình cảm quý mến đặc biêt riêng thì tôi không có. Mỗi đồng chí tôi đều học được cái mạnh trong con người họ. 

Khi tôi là Bí thư Thành uỷ Hà Nội, bác Phạm Văn Đồng đến nhà chơi, ngồi đúng ở cái phòng này, đúng cái ghế này, vỗ vỗ vào thành ghế bảo anh Duyệt đừng có ham hố cái này nhé, hôm ấy cả nhà cùng ngồi, ai cũng nghe được. Tôi coi đó là lời dạy sâu sắc.

Đồng chí Lê Đức Thọ lúc sắp ra đi ở số 6 Nguyễn Cảnh Chân, đã nhắn nhủ: Có gì khó thì tìm xuống cơ sở tìm hiểu thật kỹ tình hình dân, nắm chắc cơ sở, rồi mới quyết thì ít khi sai. Cụ không nói không sai mà nói ít khi sai. Lời dạy ghê gớm thật.

Cụ Trường Chinh lúc ấy đã là cố vấn, khi họp xong Bộ Chính trị, giờ giải lao uống nước trà tươi, ra đứng cạnh dặn dò rủ rỉ: Tôi cứ nghĩ mãi, anh Duyệt phải phấn đấu cố giữ bản chất của giai cấp công nhân. Mình hiểu cụ không nói ra nhưng cụ coi mình như là một trong những người tiêu biểu trưởng thành mà mang tình cảm tư tưởng của giai cấp công nhân.

Trong nhật ký tôi vẫn còn ghi lại những chuyện này. Hay là các ông Lê Quang Đạo, Trần Quốc Hoàn bảo: Anh bây giờ phải xuống bể bơi, chúng tôi đứng coi, tôi tin anh bơi được, lúc nào anh không bơi được thì chúng tôi cứu hộ… Anh Nguyễn Văn Linh thì nói: Khi đã thấy đúng thì phải quyết. Những bài học ấy sâu sắc lắm đối với tôi, tôi biết ơn những nhà lãnh đạo đi trước đã chỉ bảo.

Ông đã mệt chưa ạ? Nếu mệt thì xin phép dừng cuộc phỏng vấn một lúc để ông nghỉ?

- Không sao, cứ tự nhiên, chỉ có điều bản chất anh thợ lò là hay nói to, nên cũng hơi mỏi. Mà sao hôm nay cô hỏi nhiều thế?

 


Theo Dân Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây