Nhân bầu cử Quốc hội khóa XV, nhớ về những ngày đầu Quốc hội khóa I của 75 năm trước: TẦM NHÌN SÁNG SUỐT VƯỢT TRÊN THỜI ĐẠI CỦA BÁC HỒ TRONG XÂY DỰNG VÀ THỰC THI HIẾN PHÁP NĂM 1946.

Thứ bảy - 22/05/2021 20:26
Trong bối cảnh chiến tranh thù trong giặc ngoài gồm quân Tưởng, quân Pháp, quân Nhật hoành hoành cùng nạn đói, nạn dốt đe dọa, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đã tổ chức thành công cuộc phổ thông bỏ phiếu bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam. Nhiều trí thức thời đó cùng những nhân sĩ từng tham gia chính quyền thuộc Pháp nhưng vẫn được cử tri lựa chọn do có tinh thần yêu nước, có đức có tài. Theo tài liệu đăng trên Cổng Thông tin của Quốc hội, đã có 333 đại biểu được bầu ra khi đó và 70 đại biểu đương nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ dùng kế sách “hòa để tiến” nên  đã nhân nhượng  cho Đảng Việt quốc và Đảng Việt cách, là những Đảng thân với quân Tưởng và quân Nhật được tham gia Quốc hội đầu tiên, trong đó Nguyễn Hải Thần và Nguyễn Tường Tam – là những đảng viên Việt quốc thân Tưởng từng được giữ chức Phó Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Một số liệu nữa cũng rất đáng suy nghĩ và nói lên thành công của cuộc phổ thông đầu tiên lúc đó là có tới 51% số đại biểu được bầu là thành phần trí thức và có tới 11% đại biểu là thương nhân. Rõ ràng đây là những lực lượng có nhiều khả năng đóng góp trong kháng chiến kiến quốc bên cạnh lực lượng công nông binh do Đảng lãnh đạo. Đây cũng thể hiện tầm nhìn sáng suốt thu hút nhân tài của Bác Hồ cũng như của Đảng ta lúc đó.
111
Chủ tịch Hồ Chí Minh - công dân số 1 bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa I
Tầm nhìn sáng suốt vượt trên thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngoài việc thu hút nhân tài, (Bác Hồ đã mời nhiều nhân tài là viên chức của chính quyền cũ tham gia vào chính phủ mới do Bác lãnh đạo ), thì việc xây dựng và thực thi Hiến pháp năm 1946 càng thể hiện tầm nhìn vượt trên thời đại của Người. Thời gian đó, nước Việt Nam là nước nô lệ  đầu tiên trên thế giới có được bản Hiến pháp tiến bộ như bất cứ một quốc gia tiên tiến nào của thế giới. Bản  Hiến pháp đó chứa đựng tư tưởng pháp quyền, phân công rõ ràng các nhánh quyền lực và đặc trưng của thiết chế nguyên thủ quốc gia: Chủ tịch nước vừa là người đứng đầu Nhà nước, vừa đứng đầu cơ quan hành pháp, có quyền hạn rất lớn. Hiến pháp năm 1946 cũng quy định việc từ chức của các thành viên Chính phủ khi không được Quốc hội tín nhiệm. (Điều 54). Hiến pháp 1946 quy định cơ quan dân biểu tinh gọn, do đó không có HĐND cấp huyện. (Điều 58). Đồng thời , Hiến pháp 1946 đem lại những tiến bộ cùng quyền lợi tối đa cho con người. Điều 10 Hiến pháp quy định “Công dân Việt Nam có quyền:
  • Tự  do ngôn luận
  • Tự do xuất bản
  • Tự do tổ chức và hội họp
  • Tự do tín ngưỡng
  • Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.
Điều thứ 11
Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm công dân Việt Nam.
....
Điều thứ 21

 Nhân dân có quyền phúc quyết về hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia.

Được biết bản Hiến pháp năm 1946 có 7 người tham gia soạn thảo theo Sắc lệnh số 34 ngày 20/9/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh kí về việc thành lập một Ủy ban dự thảo về Hiến Pháp, trong đó Bác Hồ là Chủ tịch Ủy ban dự thảo. Sáu thành viên khác gồm: Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại thoái vị), Đặng Thai Mai (Nhà giáo), Vũ Trọng Khánh (Luật sư, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp, Lê Văn Hiến (Cán bộ chính trị - nhà báo), Nguyễn Lương Bằng (Cán bộ chính trị ), Trường Chinh (Cán bộ chính trị). Tại kì họp Quốc hội đầu tiên vào đầu tháng 1/1946. Quốc hội còn cử thêm 11 đại biểu Quốc hội là những nhân sĩ trí thức và cán bộ cách mạng tham gia soạn thảo Hiến pháp. Đó là các ông Trần Duy Hưng (Bác sĩ ), Tôn Quang Phiệt (Nhà hoạt động chính tri, nhà sử học, nhà thơ, nhà giáo ), Đỗ Đức Dục (Trí thức cách mạng, nhà báo, dịch giả ), Cù Huy Cận (Nhà thơ ), Nguyễn Đình Thi (Nhà văn ), Huỳnh Bá Nhung , Trần Tấn Thọ, Nguyễn Cao Hách (Luật sư), Đào Hữu Dương (Luật sư ), Phạm Gia Đỗ, Nguyễn Thị Thục Viện (Nhà giáo) Bản Hiến pháp đầu tiên do Bác Hồ chỉ đạo và do Luật sư Vũ Trọng Khánh chắp bút đã được thông qua tại kì họp thứ 2 của Quốc hội vào đầu tháng 11/1946.
111
Ngày 5/1/1946, hàng nghìn người Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I.
Ảnh: Tư Liệu

Như vậy là trong điều kiện đất nước có chiến tranh, thù trong giặc ngoài, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội lần đầu tiên của Nhà nước cách mạng và Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam mang tư tưởng tiến bộ của thời đại, từ đó đoàn kết dân tộc, phát huy được sức mạnh của nhân dân, thực hiện toàn dân kháng chiến và đi đến thắng lợi hoàn toàn. Cuộc Tổng tuyển cử và bản Hiến Pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam sau gần 100 năm chịu ách đô hộ của Thực dân thể hiện tầm nhìn sáng suốt vượt thời gian của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta trong sự nghiệp vĩ đại xây dựng Nhà nước do dân và vì dân.
                          

Công Đán
         

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây