Câu chuyện sai phạm xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô vẫn khiến cho những người tâm huyết về giáo dục trăn trở, băn khoăn bởi hệ lụy mà nó mang đến cho xã hội, cho các thế hệ sau là quá lớn.
Liên quan đến những sai phạm này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam đã có quan điểm hết sức cứng rắn.
Trước hết, ông cho rằng nên xử lý nghiêm việc cấp chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 cho Trường Đại học Đông Đô. Đối với một số trường hợp có thể đưa ra vấn đề hình sự vì làm trái phép nước.
Theo Giáo sư Phạm Tất Dong: Trường Đông Đô chưa được phép đào tạo văn bằng 2 nhưng tại sao được phân chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 đó là một bất thường.
Người ta bảo đây là sơ hở trong quản lý nhưng tôi cho đây không phải sơ hở mà chủ mưu.
Lâu nay các trường đại học muốn có chỉ tiêu phải xin. Chỉ tiêu là món hàng rất lời.
Do đó, Giáo sư Dong nêu quan điểm: “Người quản lý phải bị xử lý thật nghiêm. Còn nếu chỉ xử lý người mua bằng mà để người bán bằng nhởn nhơ thì rất nguy hiểm”.
Cũng theo Giáo sư Phạm Tất Dong, ngoài xử lý người quản lý thì những đối tượng mua bằng giả văn bằng 2 ngoại ngữ để đi học tiến sĩ, hoàn thiện hồ sơ công chức, viên chức cũng phải xử lý nghiêm khắc.
Cuối cùng vị này nhấn mạnh: “Trường Đại học Đông Đô trước đây đã có nhiều sai phạm trong khi nước ta hiện không thiếu trường đại học.
Do đó, có thể giải thể và đưa sinh viên Trường Đại học Đông Đô sang học trường đại học khác.
Một trường sai phạm từ hiệu trưởng, hiệu phó đến các phòng ban thì làm sao đủ tư cách để đào tạo sinh viên. Không nên để những trường đại học như vậy tồn tại”.
Trước đó, Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an, căn cứ tài liệu thu giữ được, cơ quan điều tra xác định trường Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh cho 626 trường hợp, nhưng chỉ có 216 trường hợp có thông tin để xác minh.
Kết quả xác minh xác định trong số 216 trường hợp nêu trên có tới 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng (số bằng này được cấp trong giai đoạn từ tháng 5/2018 đến tháng 3/2019).
Đối với 193 trường hợp được Đại học Đông Đô cấp bằng giả, có 60 trường hợp sử dụng bằng giả này, trong đó có 55 người sử dụng để nộp hồ sơ xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sỹ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi công chức, 2 trường hợp khai vào hồ sơ cán bộ, 1 trường hợp nộp hồ sơ xét tuyển thạc sỹ.
Ngoài ra, cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an cũng làm rõ, mặc dù Đại học Đông Đô không được cấp phép đào tạo văn bằng 2 nhưng từ năm 2015, Bộ Giáo dục & Đào tạo vẫn cho đăng tải thông báo chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy của trường này lên Cổng thông tin của Bộ.
Việc các đơn vị, cá nhân thuộc Vụ Kế hoạch tài chính và Vụ Giáo dục đại học thực hiện thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đăng tải đề án tuyển sinh trong đó có chỉ tiêu văn bằng 2 lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GĐ&ĐT cho trường Đại học Đông Đô trong khi trường này chưa được Bộ GĐ&ĐT cấp phép là có dấu hiệu vi phạm quy định về đào tạo cấp bằng đại học thứ 2 của Bộ trưởng Bộ GĐ&ĐT. Cần làm rõ trách nhiệm liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Trinh Phúc/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên