1. Chuyện bắt đầu vào ngày 30/11, sau khi lãnh đạo trường THPT Vĩnh Xương đọc tên em N.T.N.Y và những vi phạm dưới cờ thì giáo viên chủ nhiệm lớp 10A4 Huỳnh Thị Thu Huệ không thấy em trong lớp, gọi báo cho gia đình và đi tìm thì phát hiện Y ngất xỉu trong nhà vệ sinh. Y được đưa đi cấp cứu kịp thời.
Sau đó, sự thật đau lòng được hé lộ: Y không bệnh mà là tự tử vì uất ức. Trước khi tưởng rằng mình phải chết đi, Y đã viết 2 lá thư tuyệt mệnh để chứng minh bản thân không mắc lỗi và sai phạm như nhà trường quy kết.
Theo gia đình của nữ sinh, nguyên nhân bắt đầu từ việc Y không tham gia học phụ đạo có thu phí do trường tổ chức, chỉ học 1 trên 6 môn. Thêm nữa, theo lời kể của Y, cô chủ nhiệm hay nạt nộ, đập bàn, gắt gỏng mỗi khi nói chuyện với em, khác hẳn với thái độ khi nói chuyện với phụ huynh. Vì vậy, em đã dùng điện thoại ghi âm để cho gia đình nghe.
Đỉnh điểm của bi kịch là khi đích thân Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hùm ký thông báo về việc Y vi phạm: Gây hiểu lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình; sử dụng điện thoại di động để ghi âm giáo viên;… Tiếp đó, cho rằng nữ sinh chưa nhận rõ lỗi, nhà trường đã yêu cầu em phải viết kiểm điểm, thực hiện cấm túc trong vòng 2 tuần. Kể từ ngày 1 đến 12/12, Y phải có mặt tại trường từ 6h30 - đến 6h50 để các cô “luân phiên dạy quy tắc ứng xử đạo đức” và lao động…
N.T.N.Y đã chọn cái chết để mong thay đổi, thức tỉnh thầy cô mình.
2. Nữ sinh N.T.N.Y đã qua cơn nguy kịch, nhưng những lời chia sẻ của em về việc bị bạo lực tinh thần liên tiếp, dồn dập, tàn nhẫn, không tìm được cách minh oan cho mình, phải tìm đến cái chết khiến người lớn thắt lòng.
Sau sự việc, em không dám trở lại trường, sợ cảm giác bước vào phòng riêng, ở lại cuối giờ học đối diện với các cô… Với Y, mỗi ngày đến trường không phải là ngày vui, mà là nỗi kinh hoàng, sợ hãi.
Về việc “trừng phạt” học sinh diễn ra ở trường THPT Vĩnh Xương, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng, giáo viên không việc gì phải cấm học sinh quay phim, chụp ảnh, ghi âm, vì nếu không làm sai, họ không phải sợ. “Cấm đoán không phải giải pháp. Giáo viên phải biết cách tương tác để học sinh cảm thấy được yêu thương, tôn trọng, giúp đỡ, hỗ trợ phát triển”, bà Quyên nói.
Còn với vấn đề “bêu tên” dưới cờ, Thạc sĩ Lê Minh Huân - Khoa Tâm lý học, ĐH Sư phạm TP.HCM phân tích: “Cảm giác xấu hổ, tự ti hay mặc cảm tội lỗi dễ xảy ra với học sinh bị nêu tên, trách phạt công khai trước tập thể, đặc biệt là ánh nhìn thất vọng, chỉ trích và trở thành tâm điểm chú ý, bàn luận của nhiều người, trong đó có cả bạn bè, thầy cô thân thuộc có thể ám ảnh trẻ trong một thời gian dài”.
Theo ông Huân, những dấu vết này sẽ khó xóa nhòa trong tâm trí học sinh, thậm chí trở thành “bóng ma” đeo bám trẻ khi nghĩ về thời cắp sách đến trường, đôi khi xen vào đời sống sinh hoạt hằng ngày…
Nhưng “bóng ma” thực sự trong trường học có lẽ chính là chuyện cưỡng bức học thêm, bởi tất cả những hành động của trường THPT Vĩnh Xương như cho thấy họ đang tổ chức một cuộc truy bức, vây ráp cô học trò tội nghiệp, mà nguyên nhân đầu tiên là việc em từ chối học phụ đạo 5 môn có thu phí tại trường.
3. Gia đình nữ sinh đã tố cáo lãnh đạo nhà trường tới cơ quan công an, và luật sư bảo vệ cho nữ sinh đã có đơn kiến nghị khởi tố hình sự vụ án, Sở GD&ĐT tỉnh An Giang nhanh chóng vào cuộc, tạm đình chỉ công tác Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng và giáo viên sai phạm.
Và tới lúc này, đại diện Bộ GD&ĐT chỉ mới nói được một câu trông thì thiết thực mà lại đầy vô cảm: “Cần sớm giải quyết sự việc một cách thấu đáo, đúng pháp luật và tổ chức động viên để học sinh quay lại học tập bình thường”.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, việc quan trọng và cấp thiết cần làm ngay bây giờ là ổn định tâm lý, tinh thần cho nữ sinh. Nhà trường, thầy cô và cả gia đình, xã hội,... cần động viên, chia sẻ để giảm được tối đa tổn thất cho học trò. Bởi hiện nay, nữ sinh Y đang bị sang chấn tâm lý, khủng hoảng niềm tin, tinh thần…
Ấy là những giải pháp cấp bách trước mắt. Còn thực tế, về cỗ máy giáo dục đang già nua, tậm tịt và đầy bất trắc, TS Nguyễn Tùng Lâm từng nhiều lần đề cập: Đã đến lúc ngành này cần thay đổi, hãy lấy sự tôn trọng học sinh làm nguyên tắc trong giáo dục!
Theo chuyên gia, tư duy giáo dục theo kiểu áp đặt, quyền uy đã tồn tại quá lâu trong mỗi thầy cô, người làm quản lý giáo dục. Và áp đặt lâu ngày làm cho đứa trẻ đánh mất chính mình, dẫn đến việc không có chính kiến, không biết đương đầu ra sao khi gặp phải những sóng gió đầu đời, không dám lên tiếng khi cô làm sai, không dám từ chối khi bị cô phạt… Nếu vẫn duy trì lối giáo dục theo kiểu áp đặt này, hậu quả sẽ còn tai hại. Mà tai hại nhất là khi học sinh chọn cách tước bỏ sự sống quý giá của mình.
Khi vẫn còn những nhà giáo thiếu yêu thương, trách nhiệm, coi học sinh như quân thù, thì sẽ không có một nền giáo dục nhân văn. Khi những “bóng ma” học thêm liên tục biến tướng, lởn vởn ngay trước mặt cơ quan quản lý giáo dục cấp Bộ, Sở, Phòng, mà họ làm như không nghe, không thấy, không biết, thì sẽ không thể có nền giáo dục khai phóng.
Và công cuộc “lấy sự tôn trọng học sinh làm nguyên tắc” của ngành giáo dục xem ra vẫn còn mờ mịt.
Theo Kiên Giang/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên