Khi những khu rừng đang biến mất, khi trái đất nóng lên từng ngày, khi con người phải đối diện với cơn giận dữ khủng khiếp từ thiên nhiên, khi dịch bệnh bùng phát ở quy mô toàn cầu, văn chương đã ở đâu? Khi những nền văn minh rực rỡ huy hoàng vụt tắt, khi những khác biệt văn hóa có nguy cơ bị đồng hóa vào các “hố đen” trung tâm, khi con người trở thành kẻ thù số một của tự nhiên, văn chương đã ở đâu? Một bước tiến của văn minh, phải chăng là một bước lùi của văn hóa? Sự sung sướng trong ý nghĩa vật chất đã lấy đi niềm hạnh phúc, tốt đẹp vốn hình thành từ bản nguyên tinh thần của loài người, văn chương đã làm gì để bảo trì những giá trị thiêng liêng ấy? Những câu hỏi cứ đặt ra và không ngừng truy vấn con người trong kỉ nguyên hậu công nghiệp. Các khái niệm sống xanh, kiến trúc xanh, nghiên cứu xanh, viết xanh… đã phần nào nói lên xu hướng hối lỗi của con người với tự nhiên, nhằm cứu vãn thực tại khủng hoảng sinh thái hiện nay.
Khủng hoảng sinh thái đang trở thành vấn nạn toàn cầu và con người phải chịu trách nhiệm về những biến đổi khủng khiếp mà mình gây ra. Văn chương, có thể không đề ra chính sách, trực tiếp giải quyết được vấn nạn đó, nhưng nó tác động đến tư tưởng, tình cảm, thái độ của con người với môi trường sống. Tiểu luận này hướng đến mô tả sự hiện diện (ngầm ẩn) của dòng văn học môi trường như là một dáng vẻ của dòng “văn học thế giới” (David Damrosch) từ phía Việt Nam, đặc trưng của văn học sinh thái, những biểu đạt sinh thái trong văn chương, tương lai của văn học môi trường ở Việt Nam, hình dung về một tác phẩm văn học sinh thái có giá trị. Văn học sinh thái, trong ý thức hiện diện của nó, không chỉ là viết về môi trường sinh thái mà rộng hơn là vấn đề phát triển hài hòa của con người trong sự thương thỏa với tự nhiên…
Theo quan sát và nhận định của giới nghiên cứu, ở Việt Nam hiện nay chưa hình thành một dòng văn học sinh thái đúng nghĩa, mà mới chỉ manh nha, tự phát hoặc ngầm ẩn trong các tác phẩm. Vấn đề này cũng cần được hình dung linh hoạt hơn khi có thể các tác giả đã ý thức được vấn đề khủng hoảng môi trường sinh thái nhưng chưa/ không tuyên ngôn một cách cụ thể. Ở Việt Nam cũng chưa hình thành chính thức một lực lượng “viết xanh” với tác giả và tác phẩm cụ thể, có tôn chỉ hay khuynh hướng rõ ràng. Mặc dù, có thể điểm ra đây những tác giả như Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Tô Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Y Ban, Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Tiến Thụy, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Văn Học… nhưng điều đó cũng không nói lên một cách thuyết phục về sự hiện diện của dòng văn học sinh thái như là một thành tựu minh chứng cho tinh thần “lấy tự nhiên làm trung tâm”.
Kì thực, trong hầu hết các tác phẩm văn học, sinh thái vẫn được trưng dụng như là cảnh quan mật thiết cho việc triển khai cốt truyện, sự kiện, tư tưởng. Bối cảnh của tác phẩm dù là tự nhiên hay nhân tạo, dù rừng ruộng hay thị thành, dù phê phán hay quảng bá, ca tụng… đều ít nhiều thể hiện sự quan tâm của nhà văn đến môi trường sinh thái xung quanh.Và nếu như thế, không nhà văn nào có thể tách mình ra khỏi môi trường, cảnh quan được. Điều đó đồng nghĩa với khả năng to lớn của văn chương trong việc biểu đạt các bận tâm sinh thái.
Để hình dung về các vấn đề được nêu lên ở trên, trước hết cần hiểu thế nào là văn học sinh thái. Văn học sinh thái “là cách định danh thời nay đối với những tác phẩm văn học ra đời trong bối cảnh môi trường sinh thái ngày càng xấu đi, nội dung của chúng thể hiện trách nhiệm xã hội của người viết đối với vấn nạn này” (Phê bình sinh thái là gì?, Nxb Hội Nhà văn, 2017, tr. 5). Như thế, nội hàm của khái niệm văn học sinh thái đặt ra hai đòi hỏi, cũng có thể xem là hai phạm trù căn bản của một tác phẩm văn học sinh thái: một là: thể hiện được thực tại sinh thái; hai là: có ý thức tôn trọng sinh thái, lấy sinh thái làm trung tâm. Hai phạm trù này phải bao trùm được các vấn đề chủ yếu, có thể xem là đặc trưng của văn học sinh thái: thứ nhất: cảnh báo thực tại sinh thái; thứ hai: phê phán thái độ, hành động hủy hoại môi trường sinh thái; thứ ba: chấn chỉnh hay làm sáng tỏ các mơ hồ sinh thái trong cộng đồng (từ góc độ văn học, văn hóa); thứ tư: khơi dậy, thúc đẩy, hiện thực hóa các vấn đề thuộc về nhận thức, đức tin, đạo đức hay hành động của con người. Căn cứ vào những đặc trưng này, rõ ràng ở Việt Nam, các tác phẩm văn học sinh thái khá hiếm hoi. Mặc dù vậy, ngầm ẩn hoặc ở các mức độ không hoàn toàn đáp ứng yêu cầu về thể tài, vẫn có khá nhiều tác giả, tác phẩm liên quan mật thiết đến môi trường sinh thái.
Theo đó, chúng ta có thể điểm ra ở đây, trên các thể loại: Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, Con voi ở công viên Thủ Lệ của Ngô Văn Phú, Chuyện ông Móng, Muối của rừng của Nguyễn Huy Thiệp, Cẩm cù của Y Ban, Thần thánh và bươm bướm của Đỗ Minh Tuấn, Kẻ ám sát cánh đồng, Châu thổ, Có một người rời bỏ thành phố của Nguyễn Quang Thiều, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Màu rừng ruộng của Đỗ Tiến Thụy, Họ vẫn chưa về của Nguyễn Thế Hùng, Mình ơi anh cưới dòng sông nhé, Linh điểu của Nguyễn Văn Học,…
Có một thực tế, văn chương biểu đạt về thực trạng khủng hoảng môi trường sinh thái nảy sinh khi chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc phát triển mạnh mẽ cùng nền văn minh công nghiệp. Do vậy, không phải bất kì tác phẩm nào liên quan đến môi trường, cảnh quan đều là văn học sinh thái. Trong các nghiên cứu xanh, giới khoa học chỉ ra rằng, những tác phẩm phơi bày thực trạng môi trường bị hủy hoại; chất vấn trách nhiệm của con người; xem xét lại tư tưởng con người là trung tâm, dịch chuyển sang quan niệm sinh thái là trung tâm; kêu gọi trở về với thiên nhiên, tụng ca thiên nhiên… được xem là đặc trưng của văn học sinh thái (sáng tác và nghiên cứu).
Như thế, tiêu chí để đánh giá một tác phẩm văn học sinh thái có giá trị bao hàm cả hai phương diện: nghệ thuật văn chương và tinh thần sinh thái. Về khía cạnh giá trị văn chương (có tính lịch sử), những tác phẩm vừa nêu có thể là một tham chiếu cần thiết. Tuy nhiên, có thể nhận thấy hầu như không có tác giả nào lên tiếng tuyên bố về con đường văn chương sinh thái của mình (gần đây Nguyễn Văn Học mới có ý thức này một cách rõ nét hơn qua tác phẩm và một số phát biểu trên báo chí). Từ trong tư tưởng, tư duy nghệ thuật của các nhà văn, ý thức sinh thái vẫn chưa phải là thường trực.
Họ (nhà văn) cảm nhận được sự biến đổi của môi trường, nhận thấy những vấn đề sinh thái hiện diện trong chính đời sống xung quanh (thời tiết, dịch bệnh, cảnh quan biến đổi theo chiều hướng tiêu cực…) nhưng điều đó chưa thực sự trở thành nỗi khắc khoải sâu sắc, triền miên, sống còn. Chính trạng thái tinh thần đó mới tạo nên những diễn ngôn nghệ thuật về sinh thái có giá trị. Những mạch ngầm của tinh thần sinh thái dần được hé lộ khi các nghiên cứu xanh, phê bình sinh thái bắt đầu hiện diện trong đời sống văn học đương đại.
Một số nghiên cứu của Trần Thị Ánh Nguyệt (Con người và tự nhiên trong văn xuôi Việt Nam từ sau 1975 dưới góc nhìn phê bình sinh thái), Nguyễn Thị Tịnh Thy (Rừng khô, suối độc, biển cạn… và văn chương), Hoàng Tố Mai (Những ký ức về nông nghiệp truyền thống “lạc hậu” trong một số tác phẩm văn học Việt Nam đương đại), các công trình dịch thuật, giới thiệu lí thuyết phê bình sinh thái của Đỗ Văn Hiểu, Trần Ngọc Hiếu, Đặng Thái Hà, hội thảo quốc tế Phê bình sinh thái tiếng nói toàn cầu, tiếng nói bản địa… đem đến những hiểu biết căn bản hơn về văn học sinh thái và phê bình sinh thái, nghiên cứu xanh, viết xanh trong bối cảnh khủng hoảng môi trường toàn cầu.
Mặc dù, nhấn mạnh đến khía cạnh sinh thái, bao gồm việc phản ánh, cảnh báo, giải tỏa những mơ hồ sinh thái hoặc mở rộng vấn đề môi trường sinh thái nhân văn, mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, văn minh và hoang dã, văn hóa và sinh học… nhưng các thực hành phê bình sinh thái vẫn chưa phản ánh hết các bình diện giá trị của một tác phẩm văn học sinh thái. Điều đó đặt ra thách thức nhưng cũng là cơ hội, tương lai của văn học sinh thái và phê bình sinh thái (bao gồm các biểu đạt sinh thái khác, từ văn chương đến nghệ thuật và kiến tạo thực tại sống…), bởi viết xanh trong khủng hoảng môi trường ngày càng trầm trọng có lẽ sẽ trở thành một câu chuyện lớn của văn chương thế giới.
Viết xanh là một khái niệm chỉ những diễn ngôn lấy sinh thái làm trung tâm (cả sáng tạo và nghiên cứu). Tuy nhiên, đứng trước các diễn ngôn về sinh thái, mối hoài nghi về thực tại được tạo dựng trong các diễn ngôn ấy lại nảy sinh. Tự nhiên trong tác phẩm văn học là thực tại được tạo dựng, được tưởng tượng ra hay là tự nhiên như nó vốn có, bên ngoài các diễn ngôn – hệ thống kí hiệu biểu nghĩa? Có gì nằm ngoài diễn ngôn? Sự thực, bất kì một diễn ngôn nào cũng là một tạo dựng đã làm cho tự nhiên không còn là chính nó nữa. Viết về tự nhiên là một hư cấu về tự nhiên.
Giới khoa học đã tỉnh táo chỉ ra rằng: “Tự nhiên” thuộc về văn hóa” (Phê bình sinh thái là gì?, tr. 58). Trong những tạo dựng này, một vấn đề khá quan trọng, quyết định đến giá trị của tác phẩm văn học sinh thái chính là sự hiện diện của những “mơ hồ sinh thái” như Karen Thornber đã chỉ ra. Mơ hồ sinh thái trong diễn giải của Karen Thornber là sự mâu thuẫn giữa lí tưởng và thực tại, giữa đức tin và hành động, mơ hồ trong cách con người diễn giải về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên.
Một số tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp (Chuyện ông Móng, Muối của rừng), Y Ban (Cẩm cù), Nguyễn Thế Hùng (Họ vẫn chưa về)… đề cập đến những câu chuyện sinh thái, mà trong đó, sự mơ hồ của con người đã dẫn đến những hình dung sinh thái đầy mâu thuẫn. Hoàng Tố Mai trong một nghiên cứu về truyền thống nông nghiệp lạc hậu thể hiện trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Y Ban đã chỉ ra, sự mơ hồ về cái bẩn đã dẫn đến những ảo tưởng về cái sạch. Truyền thống nông nghiệp lạc hậu sử dụng cái bẩn (phân người) trong canh tác không phải là căn cứ để quy ước về cái bẩn của nông sản. Cũng như, những trang trại hiện đại, bóng lộn chưa chắc đã là một cam kết về cái sạch trong sản phẩm của họ.
Tương tự, việc thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên tránh khỏi sự lạm dụng của con người đôi khi lại mang đầy dấu ấn nhân tạo (chưa nói đến những hành động nhân danh bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên nhưng thực chất là hủy hoại, tàn phá thiên nhiên). Trong một nghiên cứu công phu về văn học sinh thái, Karen Thornber đã chỉ ra rằng: “Điều quan trọng và thực sự cấp thiết là phải phân tích xem văn học, trong ý nghĩa là một dạng thức diễn ngôn đã có sự giải quyết như thế nào trước những nguyên nhân và hậu quả của quá trình phá hủy hệ sinh thái một cách thản nhiên” (Phê bình sinh thái là gì?, tr. 275).
Sự giải quyết của văn học sinh thái không giống cách giải quyết của hệ thống hành chính công hay các hoạt động vì môi trường khác. Như đã nói, văn học sinh thái giải quyết vấn nạn này bằng sự tác động, chi phối, làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của con người đối với môi trường. Làm sáng rõ những mơ hồ sinh thái cũng là nhiệm vụ quan trọng của văn học sinh thái, tạo nên điểm nhìn về giá trị của dòng văn học này. Rõ ràng, những tác phẩm như Đất rừng phương Nam, Chuyện ông Móng, Muối của rừng, Cẩm cù, Thần thánh và bươm bướm, Kẻ ám sát cánh đồng, Có một kẻ rời bỏ thành phố, Cánh đồng bất tận, Họ vẫn chưa về, Màu rừng ruộng, Linh điểu… đã cho thấy giá trị của nó trong việc chất vấn, xem xét hay đề đạt với cộng đồng những ứng xử, hành động thỏa đáng với tự nhiên.
Một điểm khá quan trọng ở đây chính là thái độ và nhận thức trong việc dịch chuyển từ cái nhìn lấy con người làm trung tâm sang lấy tự nhiên làm trung tâm. Tuy nhiên, không phải sự chuyển dịch có tính cực đoan mà xem xét con người như là một thành tố của sinh thái, tìm kiếm sự thương thỏa giữa con người và tự nhiên trong các sáng tạo văn chương (dẫn theo ý của Karen Thornber, Phê bình sinh thái là gì?, tr. 289). Mặt khác, cũng cần ý thức rằng, đôi khi, một tác phẩm văn chương miêu tả hoàn toàn đời sống của con người cũng có thể là một chỉ dấu cho những suy tư, kiếm tìm về sinh thái.
Một tác phẩm hoàn toàn viết về đô thị cũng ngầm ẩn về một thực tại tự nhiên nào đó đã biến mất. Bởi, chính con người là kẻ làm biến đổi sinh thái - không ai ngoài hắn - và đô thị là một tạo dựng có tính xâm lấn mãnh liệt đến cảnh quan tự nhiên. Từ những đặc trưng của văn học sinh thái, có thể hình dung về chiến lược của dòng văn học này trong việc hướng đến tương lai của môi trường sống (bao gồm cả con người và tự nhiên). Nếu nhìn vào các tác phẩm tạm gọi là có hơi hướng, yếu tố sinh thái trong văn chương Việt Nam đương đại, chúng ta nhận thấy căn bản vẫn là những cảnh báo, phản ánh tình trạng môi trường bị hủy hoại (Thần thánh và bươm bướm, Kẻ ám sát cánh đồng, Họ vẫn chưa về, Muối của rừng, Linh điểu…) hay những mơ hồ về sinh thái của con người (Chuyện ông Móng, Cẩm cù).
Tuy nhiên, khi giới nghiên cứu đặt ra cái nhìn xanh vào các diễn ngôn văn chương nghệ thuật, họ gợi lên khía cạnh hài hòa trong sinh tồn giữa con người với tự nhiên. Trong sự giao tranh giữa con người và tự nhiên, văn học sinh thái nhìn thấy nguy cơ “không phải là sự mất đi cái tự nhiên hoang dã đã phủ hào quang trong tưởng tượng, mà đáng kể hơn nữa chính là sự mất mát sự sống thực sự của con người và cả những yếu tố tự nhiên” (Karen Thornber, Phê bình sinh thái là gì?, tr. 349). Bởi vậy, văn học sinh thái với tinh thần viết xanh, nghiên cứu xanh đã thâm nhập đến vấn đề tồn tại của sinh thái toàn cầu, trong đó tự nhiên như là cảnh quan chung mà con người là một thành tố trong cấu trúc sinh thái của hành tinh trái đất.
Đến giờ, có thể nói đang dần hình thành một dòng văn học thế giới với trung tâm là sinh thái môi trường. Văn học Việt Nam sẽ dần tiếp nhận những vận động ấy để thích ứng, đặc biệt là lên tiếng kịp thời trước các biến đổi mau lẹ, nghiêm trọng, ngày càng xấu đi của môi trường. Văn học sinh thái, đặc trưng và quan niệm về giá trị cũng như tương lai của nó ở Việt Nam… bước đầu có thể được hình dung từ những hiện diện ngầm ẩn như đã nói tới ở trên. Qua đó, những liên kết khác về hướng nghiên cứu xanh, viết xanh sẽ được lan tỏa. Sự thực là, từ bản địa tới toàn cầu, trong nguy cơ khủng hoảng môi trường, văn chương nghệ thuật và các biểu đạt lấy tự nhiên làm trung tâm đã cùng chung tiếng nói.
Theo Nguyễn Thanh Tâm/VNQĐ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên