Ô nhiễm khắp miền Bắc, miền Trung
Theo bà Hà Hương, Quản lý Mạng lưới quan trắc không khí PAM Air, từ giữa tháng 10, ÔNKK tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc xuất hiện rải rác theo từng đợt ngắn với xu hướng ngày càng gia tăng. Đặc biệt, mấy ngày gần đây, ÔNKK rất nghiêm trọng vào đêm và sáng.
“Phạm vi đợt ÔNKK này khá rộng, không chỉ dừng ở miền Bắc mà cả Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh”, bà Hương nói. Mức độ ô nhiễm cũng khá nghiêm trọng, nhiều điểm đo thường xuyên ở ngưỡng rất xấu - rất có hại cho sức khỏe mọi người (như tại điểm Thư viện tỉnh Hà Tĩnh, Thư viện tỉnh Nghệ An, Phạm Tuấn Tài - Cầu Giấy ở Hà Nội). Một số điểm đo thậm chí ở ngưỡng nguy hại - ngưỡng cao nhất, nguy hiểm tới sức khỏe mọi người như điểm đo tại Lâm Thắng - Nông Trang ở thành phố Việt Trì, điểm đo tại Ngọc Thụy - Long Biên ở Hà Nội. Các khu vực ô nhiễm nghiêm trọng nhất được ghi nhận tại Hà Nội là Ngọc Thụy - Long Biên, Cổ Nhuế - Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Cầu Giấy, Hà Đông.
“Theo đánh giá của PAM Air, đây là đợt ô nhiễm nghiêm trọng nhất từ đầu mùa đông đến nay. Ô nhiễm xảy ra theo quy luật nghiêm trọng nhất vào đêm và sáng. Buổi chiều được cải thiện. Chu kỳ này liên quan chặt chẽ đến điều kiện khí tượng trong những ngày qua”, bà Hương nói.
Các hệ thống quan trắc khác như trạm quan trắc của Tổng cục Môi trường đặt tại đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) cũng thường xuyên ghi nhận ÔNKK ở ngưỡng xấu vào buổi sáng. Hệ thống quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng ghi nhận nhiều điểm ô nhiễm lên ngưỡng xấu và kém vào buổi sáng.
Theo bà Hà Hương, đợt ÔNKK kéo dài đến hết tuần này. Đầu tuần tới, một đợt không khí lạnh mạnh tràn xuống nước ta sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, miền Bắc đang trong những tháng ô nhiễm nhất của năm. Vì vậy, nhiều đợt ô nhiễm khác có thể tiếp tục trong thời gian tới.
Chỉ thị bị lãng quên?
Năm 2019, khi tình trạng ÔNKK rất nghiêm trọng xảy ra tại Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc, Hà Nội đã có chỉ thị về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn. Các ngày chất lượng không khí ở mức kém trở lên, cần phải áp dụng ngay các biện pháp như tăng cường tần suất sử dụng xe hút bụi, hút rác, xe tưới nước rửa đường, yêu cầu tất cả các xe tải trọng từ 1,5 tấn trở lên chỉ được đi vào thành phố từ vành đai 3 trở vào từ 22h đến 6h sáng hôm sau.
Tuyên truyền, vận động người dân không đốt rác thải tự phát, đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vụ mùa, không sử dụng bếp than tổ ong, nhiên liệu than cấp thấp. Hạn chế việc đốt hương, vàng mã... Chỉ thị cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tất cả các trường hợp để vật liệu, phế thải xây dựng không đúng quy chuẩn, rơi vãi ra đường gây mất vệ sinh môi trường.
Theo bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng, chỉ thị đã phần nào nêu ra nhiều biện pháp trước mắt để ứng phó tình hình ÔNKK. Tuy nhiên, chỉ thị này đang có dấu hiệu đi vào lãng quên. Hà Nội đang trong đợt ô nhiễm rất nặng, nhưng các giải pháp kể trên chưa thấy được nhắc tới đang triển khai ra sao.
“Việc triển khai các giải pháp ÔNKK trong chỉ thị cần sự vào cuộc của nhiều bên liên quan. Vì vậy, các bên cần ngồi lại với nhau, thành lập một nhóm điều phối về ÔNKK hay các vấn đề môi trường để có lộ trình cụ thể cho giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trưởng nhóm điều phối này cần phải là chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND thành phố và các quận, huyện”, bà Nguyệt đề xuất.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, tại Việt Nam, ÔNKK chưa được quan tâm đúng mức, dù thiệt hại sức khỏe con người và kinh tế là rất lớn. “Vấn đề kiểm soát các nguồn thải chưa được quan tâm đúng mức khiến các giải pháp căn cơ chưa có nhiều chuyển biến thời gian qua”, ông Tùng nói. Ông cho rằng, các giải pháp tình thế hay lâu dài đã được chỉ ra từ lâu, vấn đề nằm ở chỗ cơ quan chức năng sẽ hành động như thế nào.
Làm gì khi ô nhiễm không khí nghiêm trọng?
Bộ Y tế khuyến cáo, những ngày chất lượng không khí lên ngưỡng xấu, người dân nên hạn chế ra đường phố. Vệ sinh mũi, họng, mắt bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Hạn chế hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá. Ngoài ra, hạn chế mở cửa thời điểm chất lượng không khí xấu. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí. Hạn chế sử dụng và thay thế bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ. Người tham gia giao thông cần đeo khẩu trang có khả năng chống bụi mịn PM2.5.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên