“Cán bộ ta không phải là nghèo, nhưng kê khai lại rất nghèo” - đó là nhận định từng được đề cập đến nhiều lần khi nói về câu chuyện kê khai, xác minh tài sản của cán bộ. Bởi về nguyên tắc việc kê khai đề cao tính tự giác nhưng thực tế tính hình thức vẫn diễn ra. Trong khi đó, những cơ chế để tố cáo việc kê khai không trung thực hoặc cơ quan chuyên trách thấy việc kê khai không hợp lý có quyền yêu cầu giải trình lại thiếu.
Nhưng với Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi và đặc biệt, Nghị định 130, nhiều quy định chặt chẽ đã được triển khai để siết lại việc kê khai tài sản, thu nhập. Trong đó, có những quy định cụ thể khiến người kê khai phải thấy rằng, nếu không trung thực, nguy cơ bị phát hiện, bị xử phạt rất lớn. Cụ thể như, kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Hoặc người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 2 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.
Nghị định cũng quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu trách nhiệm trong tổ chức việc kê khai, công khai bản kê khai tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức.
Thực tế, việc kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập vẫn là biện pháp phòng ngừa tham nhũng rất quan trọng. Không phải đến Luật Phòng, chống tham nhũng lần này các quy định mới cấm kê khai không trung thực phải xử lý, nhưng cũng do việc kiểm soát, công khai bản khai không thực chất, nên đến nay rất hiếm trường hợp bị xử phạt.
Đúng như nhiều ý kiến đã nhận định, muốn ngăn ngừa được tham nhũng thì phải kiểm soát được tài sản. Hay nói cách khác kiểm soát tài sản chính là bảo bối để phòng, chống tham nhũng. Bởi vậy, việc thực hiện kê khai, kiểm soát thu nhập theo quy định của Luật và Nghị định lần này có tác dụng rất lớn trong phòng, chống tham nhũng.
Hơn thế nữa, cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi của cán bộ, làm cho họ “không thể tham nhũng” bởi những chính sách chặt chẽ, minh bạch, có tác dụng kiểm soát lẫn nhau; “không dám tham nhũng” vì không thể che đậy được tài sản, nếu sai phạm cũng sẽ dễ dàng bị xử lý do bị phát hiện tài sản bất minh.
Hy vọng rằng, với những quy định cụ thể về kê khai, kiểm soát bản kê khai tài sản, thu nhập, đặc biệt là việc công khai, xác minh ngẫu nhiên, xử lý nghiêm minh việc không trung thực. Cùng với đó là đẩy mạnh kiểm tra, giám sát sẽ tạo nên những hiệu quả mới, phát huy được kênh phòng chống tham nhũng quan trọng này.
Bởi chỉ khi việc kiểm soát đúng, hiệu quả được việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, mới tạo hành lang pháp lý trong việc kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn. Tránh tình trạng số lượng kê khai nhiều, nhưng đúng sai ra sao rất khó “nhận diện” và xử lý.
Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn (Nghị định 130) được kỳ vọng tạo cơ chế ngăn ngừa nhằm làm cho cán bộ “không thể”, “không dám” tham nhũng.
Nghị định 130 quy định, người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có yêu cầu công khai tài sản, thu nhập tại nơi họ đang công tác.
Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ xây dựng, thực hiện kế hoạch xác minh hàng năm.
Các biện pháp quản lý chặt chẽ của Chính phủ sẽ góp phần điều chỉnh hành vi của cán bộ, làm cho họ “không thể tham nhũng” bởi những chính sách chặt chẽ, minh bạch, có tác dụng kiểm soát lẫn nhau; “không dám tham nhũng” vì sợ bị trừng trị; “không cần tham nhũng” vì chế độ đãi ngộ đầy đủ. “Nếu thực hiện tốt “3 không” ấy thì chắc chắn, tình hình tham nhũng sẽ giảm”, Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh. Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc, việc kê khai kiểm soát thu nhập theo quy định Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định hướng dẫn thi hành luật có tác dụng rất lớn trong phòng, chống tham nhũng. Cùng với đó, cơ chế phòng, chống tham nhũng cũng hết sức quan trọng.
Theo Nghị định 130, các quy định kê khai và kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn sẽ làm cho những người có ý đồ tham nhũng không dám tham nhũng vì không thể che đậy được tài sản; nếu sai phạm cũng sẽ dễ dàng bị xử lý do bị phát hiện tài sản bất minh.
Bên cạnh đó, việc công khai minh bạch tài sản, đẩy mạnh kiểm tra giám sát và tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt là những biện pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả và cần được áp dụng để ngăn ngừa tham nhũng trong thời gian tới.
Nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, Kiểm toán nhà nước cũng đang thể hiện tốt vai trò cơ quan hậu kiểm hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản của Nhà nước.
Cụ thể, Kiểm toán nhà nước hiện không chỉ kiểm tra việc quản lý tài sản công, tài chính công bằng phương pháp hậu kiểm mà đang chuyển dần sang tiền kiểm nhằm ngăn ngừa sai phạm nảy sinh; đồng thời giúp các cơ quan, đơn vị kịp thời uốn nắn, sửa chữa sai phạm.
Song song đó, Kiểm toán nhà nước sẽ tăng cường công bố kết luận kiểm toán, tập trung vào các vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm; chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp, bản lĩnh đạo đức nghề nghiệp của cán bộ kiểm toán; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường quan hệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong khối nội chính… Thực tế, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, Kiểm toán nhà nước đã chủ động giảm các đầu mối kiểm toán, rút ngắn thời gian và rà soát lại kế hoạch kiểm toán tại các địa phương xảy ra dịch bệnh.Mới đây, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, Chính phủ đã có Báo cáo về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, ghi nhận nhiều kết quả tích cực cũng như nỗ lực của Kiểm toán nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, từ đó kiềm chế, ngăn chặn và từng bước giảm tham nhũng.
Thống kê 10 tháng năm 2020, riêng Kiểm toán nhà nước đã thực hiện 147/184 cuộc kiểm toán, xử lý tài chính 52.970 tỷ đồng; trong đó, tăng thu ngân sách 3.074,5 tỷ đồng, giảm chi 10.700 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 39.195,5 tỷ đồng…
Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định, với phương châm siết chặt kỷ luật kỷ cương trong quản lý; tăng cường minh bạch và xử lý nghiêm sai phạm, tham nhũng sẽ từng bước được đẩy lùi, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân trong việc quản lý hiệu quả tiền, tài sản của Nhà nước, cũng như giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đã đề cập đến việc xử phạt hành vi kê khai không trung thực, có hiệu lực từ 20/12.
Nghị định này áp dụng với cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong kiểm soát tài sản, thu nhập.
Điều 20 của Nghị định 130 nêu rõ về xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai.
Theo đó, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập nhưng kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Cụ thể, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử. Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ sẽ không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.
Ngoài ra, người kê khai không trung thực có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm. Nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch. Trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.
Người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 2 lần được đôn đốc bằng văn bản thì có thể bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.
Nghị định 130/2020/NĐ-CP cũng nêu rõ: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu trách nhiệm trong tổ chức việc kê khai, công khai bản kê khai, nộp bản kê khai thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức.
Người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, Tổ trưởng và thành viên Tổ xác minh tài sản, thu nhập có hành vi vi phạm trong việc tiếp nhận bản kê khai, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập, tiến hành xác minh, kết luận xác minh, công khai kết quả xác minh thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ, không kịp thời yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
Nghị định 130/2020 đã phát đi một tín hiệu cảnh báo mạnh mẽ tới cán bộ, quan chức công quyền ở mọi ngành, lĩnh vực, từ Trung ương tới địa phương, để tới đây họ phải nghiêm khắc hơn với chính mình – ít nhất trong công tác kê khai tài sản, thu nhập.
Tín hiệu pháp lý ấy cũng ăn khớp với quan điểm chính trị của Đảng, được thể hiện khá rõ trong dự thảo Báo cáo chính trị - báo cáo trung tâm trong các văn kiện trình Đại hội XIII tới, đang được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Theo đó, khẳng định công tác phòng chống tham nhũng đã làm rất mạnh ở khóa XII này, và đà ấy sẽ tiếp tục sang khóa sau.
Theo Khánh An/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên