Lẽ nào các ngân hàng nội địa lại lơ là, mất cảnh giác, lại dễ dàng xuất tiền mặt cho chúng đến vậy mà không có một chút nghi ngờ nào?
Cơ quan cảnh sát điều tra công an TP Hà Nội vừa bắt giữ một nhóm người có hành vi vận chuyển 30.000 tỷ đồng qua biên giới. Đây là một chiến công đặc biệt xuất sắc, xứng đáng được khen thưởng. Thông tin này cũng lập tức gây sốc cho dư luận.
30.000 tỷ, số tiền đó đương nhiên không phải là VND. Bởi có vận chuyển được qua biên giới, thì số tiền đó cũng biến thành giấy lộn. Vì vậy bọn vận chuyển tiền lậu phải đổi số tiền đó thành USD.
Theo thời giá hiện tại, 30.000 tỷ VND đó tương đương với 1,3 tỷ USD. Đó là một khối lượng tiền mặt cực lớn.
Theo quy chuẩn của Hoa Kỳ, thì cứ 100.000 USD có trọng lượng 1 kg. Và nếu như vậy, thì 1,3 tỷ USD đó có trọng lượng 13.000 kg. Nếu đó là tiền mặt thì phải dùng một đại xa mới chở hết. Nếu không nhầm, thì đây là vụ vận chuyển tiền trái phép qua biên giới lớn nhất từ năm 1975 đến nay.
Cũng theo thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì chủ mưu là đối tượng Nguyễn Văn Thắng cùng các đồng phạm Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Văn Thực, Nguyễn Thị Hà đã thành lập nhiều công ty để làm hồ sơ thủ tục tạm nhập tái xuất, lợi dụng vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới.
Có một số câu hỏi đặt ra qua vụ án lớn này.
Thứ nhất, hàng hóa tạm nhập tái xuất cũng phải tuân thủ đúng theo quy định của hàng nhập, hàng xuất, tức là việc thanh toán có liên quan đến nước ngoài. Thì lượng hàng tạm nhập về đó, trước hết, phải qua một quá trình kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt của hải quan. Và sau đó việc thanh toán cho số hàng này phải được các ngân hàng trong nước đồng ý, xuất bán ngoại tệ cho đơn vị tạm nhập rồi chuyển khoản sang ngân hàng nước ngoài để trả cho cơ quan đã xuất số hàng đó sang Việt Nam.
Và việc tái xuất, sau đó, cũng phải tuân thủ y như vậy ở phía bên kia. Nếu làm đúng như vậy thì Nguyễn Văn Thắng và đồng bọn không thể cầm được một đồng tiền mặt bằng ngoại tệ trong tay.
Vì vậy, việc tạm nhập tái xuất này chỉ là giả mạo. Chúng đã lập ra các hồ sơ giả mạo là tạm nhập hàng rồi lấy tiền mặt bằng ngoại tệ từ ngân hàng ra mang đi. Ai? Ngân hàng nào đã bán ngoại tệ rồi đưa số tiền mặt đó cho chúng?
Thứ hai, 1,3 tỷ USD là số ngoại tệ khổng lồ. Để gom được số ngoại tệ đó, bọn nghi phạm phải tạo ra hàng chục, hàng trăm vụ tạm nhập giả, mỗi vụ từ vài ba chục triệu, dăm chục triệu đến hàng trăm triệu USD, trong một thời gian dài.
Lẽ nào các ngân hàng nội địa lại lơ là, mất cảnh giác, lại dễ dàng xuất tiền mặt cho chúng đến vậy mà không có một chút nghi ngờ nào? Hay là có sự thông đồng, làm ngơ do đã được “dính tay dính chân”?
Chuyện hay còn ở phía trước. Không kẻ phạm pháp nào có thể lọt lưới trước cơ quan điều tra, một khi cơ quan đó làm việc một cách công tâm.
Theo Vũ Hữu Sự/NNVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên