Nhà báo Dương Út: Sống đam mê, sẽ nhận được tình yêu từ độc giả

Thứ sáu - 08/01/2021 12:00
Với đam mê và nhiệt huyết của mình nhà báo Dương Út - Báo Đồng Tháp đã gắn bó với nghề báo trong nhiều năm qua. Không chỉ phản ánh chân thực đời sống của bà con miền Tây, mỗi tác phẩm của anh đều là một thành quả của tình yêu với miền đất dung dị này.

Nhà báo Dương Út được biết đến là nhà báo của người nông dân miền tây. Trong nhiều năm công tác tại báo Đồng Tháp anh đã kinh qua các vị trí như: phóng viên Nội chính – Xây dựng Đảng, phóng viên Báo điện tử và hiện nay là phóng viên Bạn đọc – Nội chính. Năm 2019 anh được biết đến với cuốn sách “Nhặt từng con chữ” thể loại Bút ký - Phóng sự của NXB Hội Nhà văn và giành giải nhất cuộc thi “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 10.

Lưu giữ các giá trị truyền thống

Nghề báo là nghề không nghỉ đối với nhà báo Dương Út, tiếp nối thành công năm 2019, năm 2020 anh cho ra mắt ấn phẩm “Miền Tây dung dị” là tập hợp những bài viết về người dân miền tây, với cuộc sống và những khó khăn vất vả đời thường. Cuốn sách còn là nơi lưu giữ lại những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống trước dòng chảy thời gian, dù sớm hay muộn sẽ mai một, đồng thời khắc họa những con người Nam bộ bình dị mà cao quý.

Nhà báo Dương Út tâm sự: “Điều tạo nên sự nổi bật, ấn tượng của “Miền Tây dung dị”, đó là được viết từ những người thật, việc thật nhưng mỗi tác phẩm ít nhiều chạm đến trái tim người đọc một cách gần gũi bình dị nhất, từ đó lan tỏa giá trị sống tích cực trong cộng đồng”.

111
Nhà báo Dương Út - Báo Đồng Tháp trong một lần đi tác nghiệp. Ảnh NVCC

Ấn phẩm “Miền Tây dung dị” nói về những người nông dân, nghệ nhân đến những con người rất đỗi bình dân, khắc họa đậm nét qua những việc làm, hành động tốt đẹp, có ích cho xã hội hôm nay. Trong việc chọn đề tài, nhân vật, Dương Út luôn cố gắng khai thác từ những con người bình dị trong xã hội để toát lên sự dung dị của người và đất miền Tây, đồng thời hướng độc giả hiểu hơn về những con người với những việc làm cao quý.

Đó là cụ bà Nguyễn Kim Huê gần 82 tuổi vẫn còn đạp chiếc xe đạp cũ kĩ đi hoạt động từ thiện xã hội; ông Huỳnh Khắc Nam được ví như người “Anh hùng” đạt kỷ lục trong việc hiến máu cứu người; lão nông Nguyễn Văn Thuận gần 79 tuổi vẫn đao đáu ngày đêm lái chiếc tắc ráng (vỏ lãi) vượt qua nhiều khúc sông cấp cứu người bệnh. Đặc biệt nữa là thương binh Đặng Thị Bảy 75 tuổi bị liệt nửa thân người vẫn miệt mài bán từng tờ vé số để xây mộ đồng đội đã hy sinh chỉ vì lời hứa sắt son: “Đến ngày thống nhất đất nước, ai còn sống thì lo mộ cho người hy sinh”. Và còn rất nhiều nhân vật ở vùng đất chín rồng khó có thể kể ra hết để thể hiện sự dung dị, bao dung, hảo sảng, hào hiệp của người miền Tây.

“Miền Tây dung dị” còn cho bạn đọc biết thêm về những ngành nghề dân dã truyền thống của người dân miền Tây mà đến nay đã bị mai một. Tác phẩm “Săn chuột đồng miền Tây” cũng cho độc giả được sống lại thủa nhỏ, trở về thời kỳ của 30 năm về trước.

Nhớ lại khi tác nghiệp và viết tác phẩm báo chí này, anh Dương Út cho biết: “Tôi xuất thân từ con nông dân, nhà ở vùng quê nên cảnh đi săn chuột đồng của người dân quá quen thuộc, nó ăn sâu vào tiềm thức của tôi. Thuở nhỏ, tôi cũng thường đi săn chuột đồng với những người bạn cùng xóm nên quá am hiểu cách săn chuột đồng. Tác phẩm này, tôi viết với dung lượng ngắn như gợi lại không khí săn chuột đồng của thuở xưa đã bị mai một vì cơ giới hóa hiện đại đã làm việc thay sức người nên không còn cảnh thu hoạch lúa bằng hình thức cắt bằng lưỡi hái”.

Viết báo bằng lòng đam mê, nhiệt huyết

Không chỉ nói về những con người bình dị, “Miền Tây dung dị” nhà báo Dương Út còn đề cập đến những vấn đề bất cập trong phát triển đi lên mà người dân đang gặp phải. Đó là những câu chuyện về việc di dân của bà con ở vùng quê bởi sự tác động của nhiều yếu tố như: biến đổi khí hậu, không có việc làm ổn định, không nguồn vốn…Nêu nhiều dẫn chứng về tình trạng người nông dân cho thuê hoặc bán ruộng để bỏ làng quê đến các thành phố lớn tìm việc làm thuê. Đó là những góc khuất, những mảng tối mà anh luôn đề cập.

111
Nhà báo Dương Út phát biểu tại chương trình giao lưu-nghệ thuật “Trọn đời theo gương Bác” dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ. Ảnh NVCC

Nhà báo Dương Út chia sẻ: “Bên cạnh những đánh giá khách quan về thực trạng, những khó khăn của người nông dân tôi còn có những bài viết động viên, hướng người nông dân “yêu” đất, “bám” đất. Nói về việc chính sách của nhà nước đã đi vào đời sống, góp ý các cấp chính quyền địa phương có những quyết sách lớn để khuyến khích người dân ở lại quê hương nhằm hạn chế người dân, sống cống hiến và làm giàu trên chính mảnh đất của ông cha”.

Viết nhiều để ngòi bút thêm sắc, nhà báo Dương Út luôn giữ được nhiệt huyết với nghề; học hỏi từ đồng nghiệp, từ thế hệ đi trước. Học từ học sách, báo, đặc biệt là học hỏi kinh nghiệm từ các nhà báo thế hệ trước… anh biết rằng, trong cuộc sống còn rất nhiều đề tài cần khai thác. Anh tập trung đầu tư những bài viết chuyên sâu được đầu tư để gây được sự chú ý của dư luận bạn đọc, thu hút bạn đọc đến với báo chí.

Nhà báo Dương Út tâm sự: “Trong bối cảnh báo chí phải cạnh tranh thông tin với nhau, cạnh tranh với mạng xã hội thì người viết báo phải thật sự đam mê nghề và càng phải định hình lại nghề nghiệp của mình hơn. Dần dà xã hội và bạn đọc sẽ quay lưng lại với những phóng viên, nhà báo viết bài theo hướng câu like, câu view, xa tôn chỉ mục đích tờ báo, thiếu tinh thần xây dựng, tạo cho xã hội những hiệu ứng không tích cực”.

111
Nhà báo Dương Út nhận giải báo chí về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng). Ảnh NVCC

Qua thời gian, người làm báo từ thời chiến đến thời kỳ xây dựng đất nước đều chia sẻ những kinh nghiệm làm nghề cho thế hệ sau, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia. Đến ngày nay khi tiếp xúc với những phóng viên trẻ, nhà báo Dương Út cùng với nhiều đồng nghiệp lại tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm tác nghiệp của mình để truyền lại. Anh luôn mong những bạn trẻ vào nghề báo nghiêm túc, mang những kiến thức nghiệp vụ đã học được áp dụng vào thực tiễn viết báo bằng lòng đam mê, nhiệt huyết, cháy hết mình.

Anh tâm sự: “Trước sự cạnh tranh thông tin giữa các tòa soạn, giữa báo chí với mạng xã hội. Cần hướng dẫn những bạn trẻ hãy tỉnh táo, bình tĩnh, tự tin… không chạy đua số lượng thông tin quá mức rồi dẫn đến ngồi một chỗ cứ việc xào nấu, thông tin của người khác, hoặc khai thác từ mạng xã hội mà thiếu kiểm chứng thông tin dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc”.
 

Đọc “Miền Tây dung dị” nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đánh giá: Tôi cảm thấy mình yêu quý hơn mảnh đất quê hương Đồng Tháp chính là nhờ gặp được những gương mặt hiền lành chất phác và yêu lao động, yêu con người như thế trong mỗi bài viết của Dương Út. Từ tấm gương Anh hùng không quân Nguyễn Văn Bảy đến nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan rất gần gũi với dân, từ những nghệ nhân trồng hoa đến những người nông dân, ngư dân, những mạnh thường quân, những trí thức, những cựu chiến binh, thương binh, những gương mặt tuổi trẻ đầy tìm tòi sáng tạo...

Nhà báo Dương Út mới có bảy năm tuổi nghề, đã có một số giải thưởng báo chí Quốc gia và của Đồng Tháp, anh vẫn còn đang miệt mài vừa làm nghề vừa học hỏi nâng cao chất lượng công việc của mình, nhưng với cách vào cuộc làm nghề đầy đam mê như thế, tôi tin rằng anh sẽ trở thành một cây bút cứng cáp và nổi bật của làng báo Việt Nam nói chung và của miền Tây dung dị nói riêng.


Theo Lê Tâm/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây