Phát triển, quy hoạch thủy điện nhỏ: Phải sòng phẳng với tương lai!

Thứ hai - 02/11/2020 09:40
Phải sòng phẳng, minh bạch, rành rẽ với thủy điện, và không chỉ với thủy điện, đó là sự sòng phẳng với tương lai. Một tương lai có bớt đi nỗi bất an bởi mối nguy thiên tai hay không, bắt đầu từ chính sự sòng phẳng ngày hôm nay. 

2 vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, Tiểu khu 67 cướp đi mấy chục sinh mạng chỉ trong vòng một đêm; Lũ chồng lũ đẩy hàng vạn gia đình miền Trung bỗng chốc rơi vào cảnh tan hoang, cùng kiệt, hàng trăm người chết và mất tích…Thủ phạm gây nên những nỗi đau thấu trời ấy, được chỉ đích danh là thủy điện nhỏ. Những lời buộc tội không phải không có cơ sở và cũng chẳng hề mới. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng “cáo buộc” ấy thực sự chưa thỏa đáng và rằng, cần nhanh chóng thiết lập được cách ứng xử rõ ràng, sòng phẳng, minh bạch với thủy điện nhỏ - một sự sòng phẳng cần thiết, vì một tương lai không bất an cho chính con em chúng ta.

Từ những lời buộc tội đanh thép

Thủy điện nhỏ, tác hại lớn - Đó có lẽ không chỉ là nhìn nhận của Báo Sài Gòn Giải phóng. Trong những nguyên nhân gây nên lũ lụt tang thương ở “khúc ruột miền Trung” những ngày qua, thủy điện nhỏ đã bị thẳng thừng buộc tội là “tội đồ”. Và trước đó, nhiều năm qua, tác hại của thủy điện nhỏ (dưới 30MW) đã được dư luận và báo giới đề cập không ít.

111
Hình ảnh thủy điện Rào Trăng 3 trên thượng nguồn sông Bồ nhìn từ máy bay trực thăng quân sự Mi-171. Nguồn: Báo Thanh niên

Tác hại lớn dễ thấy nhất và cũng đáng quan ngại nhất là sự mất rừng do thủy điện. Các thống kê cho thấy, cứ 1MW thủy điện là mất 10-14,5ha rừng. Trung bình mỗi dự án thủy điện nhỏ hình thành sẽ có 125ha rừng bị xóa sổ. Như thế, với hơn 500 dự án thủy điện nhỏ đã được phê duyệt như hiện nay, chúng ta đã phải đánh đổi 57.000ha rừng. Những con số này là sự lý giải cho lập luận khiến nhiều chuyên gia tranh cãi bấy lâu: Thủy điện có thể không làm tăng lũ, nhưng thủy điện đã làm rừng bị mất đi, khiến lũ dữ hơn và tàn phá nặng nề hơn. Lũ lụt xảy ra thường xuyên và tàn khốc hơn còn do các nhà máy thủy điện xả lũ vì nguy cơ vỡ đập trong mùa mưa bão. Các trận lũ từ năm 2009 trở lại đây đã chứng minh điều này. Chẳng hạn, tại Quảng Nam, trong cơn bão lũ tháng 11/2013, huyện Đại Lộc đã phải hứng chịu đồng loạt cả 4 thủy điện đầu nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn là A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung 4, Sông Bung 5 xả lũ, khiến cả huyện ngập sâu trong nước.

Báo Lao Động dẫn lời PGS.TS Lê Bắc Huỳnh - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường cho biết, xây dựng công trình thủy điện đều ở vùng núi cao đầu nguồn nên cùng với mất đất là kèm theo mất rừng ngay trong lòng hồ. Ngoài ra, nhiều diện tích đất rừng cũng bị cho xây dựng các hạng mục công trình khác (nhà điều hành, các công trình đập, tràn, nhà máy, nhất là đường giao thông lên công trình vào nhà máy, đường tải điện). “Mỗi nhà máy thủy điện được quy hoạch, kèm theo đó là mất rừng đầu nguồn, mất đất, di dân tái định cư và phát sinh nhiều vấn đề của di dân tái định cư” - PGS.TS Lê Bắc Huỳnh nhấn mạnh. Báo cũng đưa ra phân tích của TS Lê Thị Thanh Hà - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - trong đó khẳng định việc phát triển ồ ạt thủy điện trên các sông lớn của Tây Nguyên đã và đang gây ra nhiều hệ lụy lớn đến môi trường và hệ sinh thái tự nhiên. Tính trung bình 1MW thủy điện đã chiếm tới 14,5ha đất các loại, làm ảnh hưởng 5,5 hộ dân, trong đó 1,5 hộ phải di dời.

Rõ ràng trong sự gia tăng, với cấp độ nhiều hơn, khốc liệt hơn của lũ lụt tại nước ta thời gian qua, thủy điện nhỏ không tránh khỏi được sự liên đới trực tiếp, thậm chí bị buộc tội là “tội đồ”.

111
Thủy điện Đăk Re (Ba Tơ- Quảng Ngãi) vừa phải tạm dừng thi công . Ảnh: Chí Đại

Loại bỏ thủy điện nhỏ - nhìn nhận thế nào?

Bên hành lang Quốc hội ngày 23/10, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: “Bộ Tài nguyên và Môi trường thấy rằng, chúng ta không nên tiếp tục phát triển các thủy điện nhỏ”. Theo nhìn nhận của Báo Lao Động, đó là một thông điệp rất cần kíp vào lúc này.

Tuy nhiên, dư luận và nhiều tờ báo lại cho rằng vấn đề thủy điện nhỏ phải được nhìn nhận rõ ràng. “Câu chuyện về thủy điện nhỏ cần phải rất rõ ràng, minh bạch và có thể là phải được nhìn nhận thực sự sòng phẳng. Dứt khoát là như thế” - Báo Công Thương nhìn nhận.

Vậy, nhìn nhận như thế nào để sòng phẳng cho thủy điện nhỏ? Theo Báo Công Thương, thủy điện nhỏ vốn được xem là nguồn điện sạch và trong bối cảnh lưới điện quốc gia chưa kịp “phủ” thì trong một thời điểm, một không gian nhất định, thủy điện nhỏ đóng vai trò cung cấp điện như là nguồn bổ sung cần thiết. Điều này không khó để nhận thấy. Vậy, câu hỏi lớn nhất còn lại là: Lũ lụt có phải do thủy điện?

111
Dự án thủy điện Tiên Thành tại tỉnh Cao Bằng được triển khai xây dựng từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa xong và còn thiếu Báo cáo đánh giá tác động môi trường.(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Để làm rõ hơn vấn đề này, Báo Quân đội Nhân dân trong loạt bài “Quản lý thủy điện và an toàn mùa mưa bão”, đã tìm hiểu, ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, cơ quan quản lý. PGS. TS Vũ Thanh Ca - giảng viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam cho rằng sự hiểu không đúng và không đủ về thủy điện dẫn đến thông tin sai lệch, cứ thấy lũ, lụt thì đổ cho thủy điện là không chính xác. Có thể ví dụ các công trình thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang… đã chống lũ rất hiệu quả cho khu vực Đồng bằng sông Hồng. Chuyên gia Thái Phụng Nê - nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng (cũ) khẳng định, thủy điện có nhiều lợi ích. Một trong những công dụng lớn của thủy điện, ngoài việc khai thác năng lượng, là chống lũ, tạo sự an toàn cho hạ du. Trước đây khi chưa có hồ thủy điện Hòa Bình, nhiều vùng ở Hà Nội còn lo đắp đê, nhưng hiện nay thì đã ổn hơn rất nhiều.

Không phát triển thủy điện nhỏ bằng mọi giá hay câu chuyện quyết liệt hơn trong quy hoạch thủy điện

Khẳng định thủy điện có nhiều lợi ích, có khả năng chống lũ nhưng chuyên gia Thái Phụng Nê cũng không quên nhấn mạnh rằng, không phải hồ thủy điện nào cũng có chức năng này (chống lũ - PV), có những thủy điện nhỏ chỉ có chức năng phát điện.

Như vậy, câu chuyện thủy điện nhỏ “tội đồ” và thủy điện nhỏ không gây ra lũ sẽ còn có những tranh cãi, bàn luận, nhưng tới thời điểm này, có một thực tế đã trở nên hết sức rõ ràng và cần phải được thực thi quyết liệt, minh bạch hơn nữa: quy hoạch và giám sát vận hành thủy điện nhỏ.

Trước hết nói về chuyện vận hành và giám sát vận hành thủy điện. Thực tế, trong quá trình vận hành hồ thủy điện, không phải chủ đầu tư nào, địa phương nào cũng làm tròn trách nhiệm. Tại báo cáo trả lời chất vấn trong lĩnh vực Công thương vừa gửi Quốc hội, Chính phủ đã điểm danh một số dự án thủy điện chưa tuân thủ quy định. Đơn cử, sau khi kiểm tra đột xuất công trình thủy điện Đăk Kar, Bộ Công thương đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống thiên tai đối với chủ đầu tư và chuyển Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông xử lý theo thẩm quyền. Còn sau khi kiểm tra công tác vận hành hồ chứa thủy điện Sử Pán 1, Bộ Công thương phối hợp với Sở Công thương Lào Cai lập biên bản vi phạm hành chính. Thanh tra Sở đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với chủ đầu với số tiền phạt 120 triệu đồng. Lý do là, năm 2019, khi xuất hiện lũ đặc biệt lớn làm mực nước hồ chứa dâng nhanh, có nguy cơ gây mất an toàn đập, chủ công trình đã thực hiện vận hành xả lũ khẩn cấp hồ chứa thủy điện Sử Pán 1 trong khi chưa thông báo, cảnh báo cho các cơ quan chức năng và nhân dân vùng hạ du làm việc ứng phó lũ lụt tại vùng hạ lưu không kịp thời.

111

Báo Quân đội Nhân dân cũng chỉ ra thực tế rằng từ 2015 trở về trước, khi mùa mưa bão đến, nhiều chủ hồ thủy điện nhỏ, nhất là khu vực miền Trung – Tây Nguyên vì lợi ích cá nhân, chưa tuân thủ các quy định của Nhà nước nên thường xả lũ không đúng quy trình đã gây thiệt hại cho vùng hạ du. Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp khi trả lời phỏng vấn VnExpress cũng khẳng định: Một số thủy điện, đặc biệt loại công suất lắp máy 10-15 MW, hồ chứa không có dung tích phòng lũ. Nguyên tắc vận hành của thủy điện nhỏ là trước khi có lũ phải xả bớt đi, hạ du không có lũ cứ xả, lũ về mới tích nước lại. Tuy nhiên, khi dự báo lũ, thủy điện nhỏ có thể tiếc nước, xả rất ít, hoặc xả không theo quy trình. Lũ về lớn, họ phải xả, gây ra hiện tượng lũ chồng lũ cho hạ du.

Rõ ràng, cung cách giám sát, vận hành thủy điện nhỏ của chúng ta đang có vấn đề, và vấn đề lớn nhất là luôn vì lợi ích riêng mà cố tình quên đi lợi ích chung.

Tuy nhiên, trong câu chuyện thủy điện nhỏ, các chuyên gia, các nhà quản lý và báo chí đều đồng nhất: quan trọng hơn cả vẫn là vấn đề quy hoạch.

Phải nói ngay rằng, Đảng, Nhà nước sớm có chủ trương rõ ràng về vấn đề quy hoạch thủy điện. Nghị quyết số 55-NQ/TW (ngày 11/2/2020) của Bộ Chính trị khi nói về phát triển nhanh và bền vững ngành điện đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo đó đối với thủy điện cần “phát triển có chọn lọc, bổ sung một số thủy điện nhỏ và vừa, thủy điện tích năng”; Nghị quyết số 62/2013/QH13 của Quốc hội khóa XIII (ngày 27/11/2013) cũng đã nhấn mạnh về việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện; Chỉ thị 13 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và các chương trình Chính phủ.

Trên thực tế, 8 năm qua (từ 2012 - 2019), Bộ Công Thương đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang, 471 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện. Đặc biệt từ ngày 1/1/2019 đến tháng 12/2019, Bộ Công Thương chưa xem xét để bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện. Bên cạnh đó, kể từ năm 2016 đến nay, tất cả các dự án thủy điện nhỏ liên quan đến rừng tự nhiên đều không được bổ sung quy hoạch. Các dự án thủy điện có ảnh hưởng lớn đến vấn đề môi trường, vấn đề an toàn dân sinh vùng hạ du... hầu hết bị loại bỏ.

Dù vậy, trên thực tế, thủy điện nhỏ vẫn đang mọc tràn lan, tình trạng lách luật của địa phương và chủ đầu tư khi các dự án thủy điện được xé nhỏ để dễ dàng cấp phép, chấp thuận đầu tư vẫn rất phổ biến. Theo kết quả rà soát, đến nay, số lượng thủy điện nhỏ đã đưa vào vận hành phát điện là 342 công trình, số lượng đang tiếp tục được thi công xây dựng là 158 dự án; khoảng 300 dự án đang được nghiên cứu đầu tư; chưa nghiên cứu đầu tư là 69 dự án.

111

Báo cáo mới nhất về thủy điện của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: Xét chung trong hệ thống điện quốc gia, các dự án thủy điện đang vận hành chiếm tỷ trọng khoảng 37% về điện năng, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng, trong đó thủy điện nhỏ đóng góp hơn 26% nguồn thủy điện của Việt Nam. Tại cuộc họp với các tỉnh miền Trung ngày 24/10/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, phát triển thủy điện theo quy hoạch và an toàn, tốt hơn nữa, hạn chế phát triển thủy điện nhỏ; tiếp tục trồng rừng mạnh mẽ hơn với các loại cây có bộ rễ bám sâu, gỗ lớn.

Thế nên, theo các chuyên gia và báo chí, điều cần làm và làm ngay, làm quyết liệt lúc này là: Quốc hội cần phải vào cuộc để đưa ra nghị quyết về mục tiêu, giải pháp, nhất là thời hạn để kiên quyết dừng, loại bỏ các dự án, công trình không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, ảnh hưởng xấu tới chế độ dòng chảy, môi trường và đời sống người dân. Đồng thời nên quy định rõ, những dự án liên quan đến rừng, dù lớn hay nhỏ đều phải báo cáo Chính phủ, không nên giao lãnh đạo địa phương được quyền cấp phép, bổ sung các dự án thủy điện dưới 30MW vào quy hoạch. Nếu địa phương nào có nhiều thủy điện “nuốt” rừng thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội. 

Phải sòng phẳng, minh bạch, rành rẽ với thủy điện, và không chỉ với thủy điện, đó là sự sòng phẳng với tương lai. Một tương lai có bớt đi nỗi bất an bởi mối nguy thiên tai hay không, bắt đầu từ chính sự sòng phẳng ngày hôm nay. 

Theo Nguyễn Hà/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây