Hôm qua (2/11), Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, giai đoạn 2016-2021.
Xả lũ đúng… quy trình!
Đề cập tới việc phát triển thủy điện và tình hình hồ thủy điện xả lũ thời gian qua, ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương - cho hay: Qua thực tế kiểm tra, tất cả hồ đập thủy điện ở tại các khu vực đều đảm bảo an toàn cũng như vận hành của hồ đập. Tất cả hồ đập thủy điện đều thực hiện quy trình xả lũ và vận hành liên hồ, đơn hồ theo đúng quy định của pháp luật.
Liên quan bão lũ thiên tai năm 2020, Bộ trưởng Công Thương cho biết vừa qua Thủ tướng trực tiếp tổ chức các đoàn đi kiểm tra, làm việc với các địa phương Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, một số tỉnh Trung Trung Bộ. Qua kiểm tra thực tế, tất cả hồ đập thủy điện tại khu vực đều đảm bảo an toàn về an toàn đập cũng như vận hành của hồ. Tất cả hồ đập thủy điện đều thực hiện quy trình xả lũ và vận hành liên hồ, đơn hồ theo đúng quy định pháp luật.
“Có một số thông tin có nói hồ đập thủy điện ở miền Trung và một số địa phương xả lũ gây ngập lụt cho địa phương là chưa chính xác” - ông Trần Tuấn Anh cho hay.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương: Thực tế qua số liệu quan trắc và khí tượng thủy văn cho thấy, tại tỉnh Quảng Nam, hồ thủy điện Đắk Mi 4 là hồ có dung tích lớn, có những thời điểm đỉnh lũ ngày 28/10, lượng nước về hồ tới 17.000 m3/giây, nhưng chính nhờ dung tích của Đắk Mi 4 có khả năng điều tiết, chứa nước để cắt lũ đã giúp cắt lũ hơn 55%, nếu không đỉnh lũ về ngày 28/10 sẽ gây ngập lụt trắng toàn vùng hạ lưu. Tuy nhiên, chúng ta duy trì kéo dài xả lũ sang ngày 29-30/10, xả nước ở mức thấp hơn lượng nước về hồ nên góp phần chống lũ có hiệu quả cho vùng hạ lưu dù những vùng có ngập lụt ở miền Trung.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai Trung ương cho thấy, tại vùng miền Trung có khu vực có lúc lưu lượng mưa đạt đến đỉnh 2.000 mm thậm chí 3.000 mm. Với thời gian lưu bão lâu và liều lượng mưa lớn, liên tục và cơn bão liên tục trong khu vực thì hầu như tất cả khu vực miền Trung, khu vực địa chất yếu dẫn đến hiện tượng, đất lở, sụt lở gây tai nạn rất thương tâm như tại Rào Trăng 3, Trà Leng....
“Chúng ta phải khẳng định, tính dị thường, cực đoan của thời tiết là một nguyên nhân rất lớn ảnh hưởng đến môi trường tại địa phương và mức độ, hậu quả ghê gớm của thiên tai, lũ lụt. Chính phủ đã có chỉ đạo và tiếp tục nghiên cứu báo cáo đánh giá kỹ. Chúng tôi có báo cáo trước mắt về an toàn đập thủy điện, vận hành đập thủy điện và các vấn đề thủy điện trong bảo vệ môi trường” - ông Trần Tuấn Anh nói.
“Vì người chứ, không vì tiền”
Toàn Xuân Sùng (đoàn Hà Giang) nêu quan điểm cần rà soát báo cáo với Quốc hội, ít nhất là với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sự an toàn của hệ thống thủy điện, thủy lợi và các hồ chứa nước.
“Quan điểm của tôi những thủy điện nhỏ và vừa đã và đang làm nếu như không an toàn cho hạ lưu, không đảm bảo môi trường rừng cứ xâm lần rừng, thì cho dừng xây dựng, có cơ chế đền bù. Vì người chứ, không vì tiền” - ông Sùng nói và cho biết từ Tây Bắc lưu vực sông Đà, lưu vực các con sông, đầu nguồn các con suối đề nghị không trông rừng kinh tế, thay vào đó là trông rừng môi trường (rừng nguyên sinh) để trả lại lớp thực bì cho rừng. Nó sẽ cản mưa to rất là tốt.
“Mấy huyện của Hà Tĩnh đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nhưng khi mưa to cũng với xã lũ từ hồ Kẻ Gỗ về. Nông thôn mới còn 2 bàn tay trắng” - ông Sùng nhấn mạnh.
Ông Đinh Duy Vượt - (đoàn Gia Lai) - nêu rõ: “Đề nghị dừng các thủy điện “cóc” ở Tây Nguyên. Lợi ích của thủy điện “cóc” được các nhà đầu tư đánh giá nhưng hại thì nhà nước phải bỏ tiền ra khắc phục hậu quả, thậm chí thiệt hại về người. Phải chấm dứt xây dựng các thủy điện nhỏ”.
Có chuyện cả nể, du di trên báo cáo?
Đại biểu Bùi Đặng Dũng - đoàn Kiên Giang - cho rằng Trong nhận định đánh giá về thủy điện nhỏ cần có đánh giá lại một cách khách quan.
Hiện phát triển thủy điện nhỏ giao cho địa phương quản lý, nhiều địa phương làm công tác quản lý chưa tốt dẫn tới một số thủy điện nhỏ đi vào hoạt động chưa đảm bảo trồng rừng hay công tác bồi hoàn quá trình thi công, điều này cử tri bức xúc và đã có phản ánh.
Theo vị đại biểu này, một số vấn đề đã xảy ra rồi, các hồ thủy điện nhỏ trong quá trình xả lũ thì phải có trao đổi thông tin với bà con hạ du, phối hợp với chính quyền địa phương như thế nào thì ở một số nơi, như thủy điện Hố Hô xả lũ mà thông tin không đầy đủ đến người dân gây hậu quả, do đó quy trình vận hành thủy điện cần chặt chẽ hơn nữa.
Đại biểu đoàn Kiên Giang cho rằng: “Nhiều khi cũng có chỗ này chỗ kia, cả nể, du di nên báo cáo đánh giá tác động môi trường chúng ta làm chưa tốt. Nếu tất cả báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện đều làm tốt, bài bản khoa học thì chắc chắn không xảy ra thảm cảnh do tác động xấu của thủy điện”.
Cùng với chính quyền địa phương thì cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Nông Nghiệp, Bộ Xây dựng đều có trách nhiệm chung. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc nhưng phải phân rõ vai, trách nhiệm của ai trong lĩnh vực nào, chỉ có thể làm tốt điều đó thì mỗi năm khi lũ về thì chúng ta yên tâm phòng lũ và không để xảy ra những tình trạng đổ cho nhau, hay quản lý không tốt, hàm oan của thủy điện nhỏ.
Thủy điện nhỏ cũng phải liên quan đến trồng rừng, ví dụ trước đây chúng ta có 10 ha rừng thì khi có thủy điện, chúng ta phải nhân lên 20 ha rừng chứ không phải mất đi 10 ha rừng. Tôi nghĩ rằng nếu làm tốt điều này thì dư luận và cử tri vẫn ủng hộ thủy điện phát triển tốt cùng năng lượng khác nữa để đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam.
Trong phiên thảo luận sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho ý kiến cần xem xét vấn đề phát triển thuỷ điện nhỏ để tiếp tục hạn chế việc phá rừng.
“Công trình liên quan đến đất rừng phải trình Quốc hội. Năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời cũng phải xem xét, vì chất lượng không tốt và mặt trái của năng lượng tái tạo rất lớn, nó giống như đồ điện tử” - Thủ tướng cho hay.
Theo Châu Như Quỳnh/Dân trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên