Phiên thảo luận kinh tế- xã hội ngày 4/11 tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội xoay quanh vấn đề sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1.
Tranh luận tiếp nối tranh luận
Tiếp tục quan tâm vấn đề sách giáo khoa, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, do năm đầu tiên áp dụng một chương trình nhiều bộ sách theo hình thức xã hội hóa, chắc chắn còn nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, sách giáo khoa khi biên soạn bị “gọt đẽo” theo một hệ thống chưa hoàn thiện.
Theo đại biểu Hiền, muốn xây dựng một bộ sách giáo khoa phải xây dựng hệ thống khoa học chuẩn chỉnh, nhưng lại được làm theo kiểu cuốn chiếu, chỗ nọ vá vào chỗ kia. Nữ đại biểu đoàn Phú Yên đánh giá, quy trình thẩm định, phát hành sách còn lỏng lẻo, dễ dãi, vội vàng, lại đùn đẩy trách nhiệm như một trận đá bóng không có trọng tài điều khiển khi xảy ra sự cố.
“Người lớn đã sai rồi. Sai trong cách tiếp cận ngược, sai trong lối tư duy ngược. Chẳng có nơi đâu làm sách cho trẻ lại mang ý chí, tham vọng của những người lớn, nó quá sức tiếp thu của một đứa trẻ”, đại biểu thẳng thắn nhận định.
Bà Hiền đề nghị các bên liên quan có trách nhiệm trong việc bày tỏ thái độ, quan điểm đúng đắn, hướng về phía quyền lợi của người học, nhất là trẻ em. “Không thể dừng lại ở việc rút kinh nghiệm và càng không thể trấn an dư luận bằng sợi dây kinh nghiệm”, đại biểu Hiền cho hay.
Tranh luận lại, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, việc tranh luận là rất bình thường để làm rõ thêm các vấn đề cử tri quan tâm. “Tôi nói không phải để bênh Bộ GD&ĐT. Nói khách quan, sách Tiếng Việt lớp 1 có lỗi, có sai, nhưng việc đó không đến mức độ nghiêm trọng như một số ý kiến nêu. Việc này khắc phục được, giáo viên sẽ sửa lại, khi giảng dạy đến bài đó thì lựa chọn tài liệu khác phù hợp”, đại biểu Phương tiếp tục khẳng định.
Việc lớn và rất khó
Cùng tranh luận lại, đại biểu Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói những lo toan về sách giáo khoa của các đại biểu là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, bà Minh cho rằng, đổi mới chương trình sách giáo khoa là việc lớn và rất khó.
Bộ GD&ĐT và Hội đồng thẩm định đã tiếp thu ý kiến của cử tri, giải trình trước Quốc hội. Chỉ có điều, đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông đang chuyển rất mạnh từ truyền thụ kiến thức một chiều sang phát triển năng lực, phẩm chất của người học. Việc đổi mới này đòi hỏi có một chương trình tổng thể các môn học.
Theo Tiền phong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên